Hà Nội tổ chức loạt hội thảo nhằm tìm lối phát triển đường sắt đô thị

12/01/2024 16:23 GMT+7

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tổ chức các hội thảo khoa học về phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM. Trong 3 ngày tổ chức, hàng loạt vấn đề liên quan sẽ được đưa ra bàn luận nhằm hoàn thiện đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị.

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, dự kiến trong 3 ngày (từ 17 - 19.1), tại Hà Nội sẽ diễn ra các hội thảo khoa học về phát triển hệ thống đường sắt đô thị.

Các hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về phát triển hệ thống đường sắt đô thị theo yêu cầu tại Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời, tổng hợp các kinh nghiệm quốc tế để nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện thể chế có liên quan về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), quy hoạch xây dựng, chỉnh trang đô thị, đất đai, đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác đường sắt đô thị.

Hà Nội tổ chức loạt hội thảo nhằm tìm lối phát triển đường sắt đô thị- Ảnh 1.

Đoàn tàu của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội vận hành chạy thử đoạn trên cao hồi tháng 8.2023

MRB

Các hội thảo cũng hướng đến mục đích hoàn thiện đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM vào năm 2035 theo các lĩnh vực trọng yếu.

Tham dự hội thảo sẽ có đại diện của các cơ quan T.Ư, đại biểu từ UBND TP.Hà Nội, UBND TP.HCM và UBND các tỉnh thuộc vùng thủ đô; chuyên gia về lĩnh vực pháp luật, đầu tư, đất đai, quy hoạch, đường sắt đô thị của Việt Nam và quốc tế (từ JICA, WB, AFD, ADB…) và các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, phát triển đô thị.

Theo Quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, mạng lưới đường sắt đô thị TP.Hà Nội gồm 9 tuyến có tổng chiều dài gần 418 km (gồm hơn 342 km cầu cạn, cầu cạn kết hợp đi bằng và khoảng 76 km đi ngầm).

Còn tại TP.HCM gồm 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 172 km và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray với tổng chiều dài hơn 56 km.

Tại Hà Nội, sau 12 năm triển khai, thành phố đã hoàn thành và khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) vào tháng 11.2021. Các tuyến đường sắt đô thị khác đang triển khai gồm: tuyến đường sắt đô thị thí điểm số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội; tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Hà Nội tổ chức loạt hội thảo nhằm tìm lối phát triển đường sắt đô thị- Ảnh 2.

Sơ đồ các tuyến đường sắt đô thị tại TP.Hà Nội

MRB

Chia sẻ tại Hội nghị tiếp xúc cử tri diễn ra hồi tháng 11.2023, ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, lo ngại nếu theo tiến độ các dự án đang triển khai thì phải mất 150 năm mới hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch. Do đó, thành phố đang xây dựng đề án để đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt đô thị.

Tại kỳ họp 14 HĐND TP.Hà Nội diễn ra vào tháng 12.2023, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố sẽ trình, báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến về đề án riêng về phát triển các tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn. Chủ tịch Hà Nội hy vọng khi làm tổng thể các tuyến này thì sau 20 năm nữa những bất cập về giao thông đô thị trên địa bàn thành phố sẽ được giải quyết.

TOD được định nghĩa là một mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm. Mô hình này nhằm mục đích giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng và tạo ra các khu đô thị bền vững, thân thiện với môi trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.