Hà Nội vẫn băn khoăn về thẩm quyền chủ tịch phường

Vũ Hân
Vũ Hân
23/11/2020 08:12 GMT+7

'Chế độ thủ trưởng nhưng theo nguyên tắc tập trung dân chủ thì có thực hiện được không? Không quy định rõ thì không vận hành được, có xung đột, công việc trì trệ. Nhiều khi chủ tịch UBND phường lại không dám quyết'.

Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 97/2019 về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP.Hà Nội, đến nay Bộ Nội vụ đang hoàn tất những bước cuối của việc soạn thảo nghị định (NĐ) quy định chi tiết thi hành nghị quyết này.
Nếu như điểm đột phá nhất mà nghị quyết cho phép Hà Nội thực hiện là đổi mới mô hình hoạt động của cấp phường - bỏ HĐND phường, không coi đây là một cấp hành chính, chủ tịch UBND phường hoạt động theo cơ chế thủ trưởng, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm..., thì đến dự thảo NĐ, rất có thể điểm này sẽ chỉ còn “đột phá” được một nửa.
Theo dự thảo NĐ, mặc dù chính quyền phường vẫn gọi là UBND phường, nhưng cơ cấu tổ chức của UBND phường đã khác so với trước, gồm chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng công an phường, các công chức giữ vị trí chức danh chỉ huy trưởng quân sự phường, văn phòng thống kê, địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường, tài chính - kế toán, tư pháp hộ tịch, văn hóa - xã hội. UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng. Chủ tịch phường lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của UBND phường và các công chức khác của phường, bảo đảm theo nguyên tắc tập trung dân chủ và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Tại hội nghị thảo luận, góp ý kiến vào dự thảo NĐ của Thường trực Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 20.11, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ bày tỏ băn khoăn “chế độ thủ trưởng” mà lại “làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ”. “Chế độ thủ trưởng nhưng theo nguyên tắc tập trung dân chủ thì có thực hiện được không? Không quy định rõ thì không vận hành được, có xung đột, công việc trì trệ. Nhiều khi chủ tịch UBND phường lại không dám quyết”, ông Huệ nói.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng, nguyên Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, cho rằng nếu không quy định rõ về cơ chế thủ trưởng sẽ có nguy cơ dẫn đến sai phạm, mất cán bộ.
Ngoài ra, trong dự thảo (gồm 6 chương, 33 điều, dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021) còn có một số nội dung khác, như biên chế một phường gồm bao nhiêu công chức; trưởng công an phường có thuộc cơ cấu tổ chức UBND phường không... Một số lãnh đạo quận của Hà Nội cũng băn khoăn về việc UBND phường chỉ phối hợp chứ không chỉ đạo công an phường, vì cho rằng việc đảm bảo an ninh, trật tự đô thị, nhiều nhiệm vụ khác nếu không có sự hiện diện của công an phường thì không thực hiện được. Các ý kiến cũng đề nghị không quy định cứng 15 biên chế/phường, do có những phường lên tới 40.000 dân, nhưng cũng có phường chỉ 10.000 dân, nên để UBND quận phân bổ biên chế cho từng phường theo thực tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.