Đà Nẵng đề xuất đổi mới mô hình chính quyền đô thị

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
11/10/2019 14:09 GMT+7

Tại hội thảo đề xuất đổi mới theo mô hình chính quyền đô thị do UBND TP.Đà Nẵng tổ chức, nhiều ý kiến đồng tình với việc cần nghiên cứu mô hình tổ chức chính quyền đô thị 1 cấp, bỏ HĐND 2 cấp.

Xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền, 2 cấp hành chính

Sáng 11.10, UBND TP.Đà Nẵng tổ chức hội thảo đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động của chính quyền các cấp và đề xuất đổi mới theo mô hình chính quyền đô thị. Tại hội thảo, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng, đề xuất phương án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Đà Nẵng.
 Trong đó, phương án 1 với việc xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền (cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, huyện và phường, xã) nhận được sự quan tâm và ủng hộ của nhiều người. Bởi phương án này được đề xuất căn cứ vào tình hình đặc điểm, quy mô, tính chất đô thị TP.Đà Nẵng (gồm 6 quận nội thành, 1 huyện Hòa Vang có 11 xã và huyện Hoàng Sa); kinh nghiệm từng thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường giai đoạn 2009 - 2016.
 Ông Đồng cho hay tổ chức chính quyền cấp thành phố là một cấp chính quyền gồm có HĐND, UBND theo quy định Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện nay. Tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố căn cứ vào quy định khung theo nghị định của Chính phủ, tình hình thực tế và yêu cầu quản lý nhà nước ở đô thị, UBND TP.Đà Nẵng xây dựng đề án về số lượng, tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP, báo cáo HĐND TP xem xét, quyết định…

Với phương án này sẽ không tổ chức HĐND ở quận, huyện, chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND.

Đây là mô hình TP.Đà Nẵng đã thí điểm có kết quả tốt trong giai đoạn 2009 - 2016. UBND quận, huyện nơi không tổ chức HĐND là cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc UBND thành phố.

Theo ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng, chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND 2 cấp quận, huyện và phường đã được thực hiện từ 2009 - 2016

Ảnh: Hoàng Sơn

Cơ cấu ở địa phương không tổ chức HĐND

UBND quận, huyện gồm Chủ tịch, từ 2 - 3 Phó chủ tịch và các ủy viên; do Chủ tịch UBND thành phố bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, đình chỉ công tác, cách chức khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc vi phạm pháp luật.
 Về các cơ quan chuyên môn của UBND quận, huyện: căn cứ vào quy định khung theo nghị định của Chính phủ, tình hình thực tế và yêu cầu quản lý nhà nước ở đô thị, UBND thành phố quy định tổ chức số lượng, tên gọi… Riêng mô hình quản lý hành chính, lãnh thổ của H.Hoàng Sa vẫn giữa nguyên như hiện nay cho đến khi Trung ương có chủ trương, quy định mới.
 Về tổ chức chính quyền tại các phường, xã, sẽ không tổ chức HĐND ở phường, xã, chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND. UBND phường, xã nơi không tổ chức HĐND là cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc UBND quận, huyện…
 Về bố trí cán bộ, ông Võ Ngọc Đồng cho hay sẽ đề xuất Chính phủ cho nghiên cứu thí điểm quy định thay thế phương thức quản lý và chính sách đang áp dụng đối với các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay.
 Khi không tổ chức HĐND sẽ quy định việc bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn cho UBND, Chủ tịch UBND quận, huyện và UBND, Chủ tịch UBND phường, xã đối với các nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền HĐND phường, xã đang thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
 “Chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện và phường đã được thành phố Đà Nẵng thực hiện từ 2009 - 2016 theo chủ trương của Trung ương. Đây cũng là phương án được Bộ Chính trị cho phép TP.Hải Phòng “thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị 1 cấp và 2 cấp hành chính” tại Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24.1.2019”, ông Đồng nói.
"Lựa chọn phương án tổ chức chính quyền đô thị không có HĐND 2 cấp phù hợp với đặc điểm, tính chất của quản lý đô thị trên địa bàn có phạm vi quản lý nhỏ, gọn, hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghệ thông tin phát triển của TP.Đà Nẵng; tạo thuận lợi để nâng cao tính nhanh nhạy, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công trên địa bàn đô thị", ông Đông nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.