Hà Nội vào 'mùa' ô nhiễm không khí, cần làm gì để bảo vệ sức khỏe?

Đình Huy
Đình Huy
12/10/2024 09:55 GMT+7

Theo các chuyên gia, 'mùa' ô nhiễm không khí ở Hà Nội bắt đầu từ đầu tháng 10 đến tháng 3, tháng 4 năm sau. Vì vậy, người dân cần phải theo dõi thường xuyên và hạn chế ra đường ở thời điểm chất lượng không khí xấu.

Khoảng hơn 1 tuần nay, thủ đô Hà Nội đã trải qua tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng với chỉ số AQI trung bình mỗi ngày từ 154 - 177 đơn vị (mức xấu, người dân cần hạn chế ra ngoài đường khi không cần thiết). Cùng với đó, chỉ số bụi mịn PM2.5 cũng ở mức rất cao, gấp hàng chục lần so với giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Hà Nội vào 'mùa' ô nhiễm không khí, cần làm gì để bảo vệ sức khỏe?- Ảnh 1.

Từ đầu tháng 10 đến nay, bầu trời Hà Nội nhiều lần trong tình trạng mù mịt

ẢNH: ĐÌNH HUY

Đáng chú ý, có nhiều thời điểm trong ngày chỉ số AQI ở Hà Nội trên 200 đơn vị (mức rất xấu, cảnh báo gây nguy hiểm đến sức khỏe), xếp thứ nhất thế giới.

Người dân cần "tự mình cứu mình"

Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho biết "mùa" ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã bắt đầu. "Mùa" ô nhiễm năm nay bắt đầu giống như mọi năm (từ tháng 10 năm nay đến tháng 3, tháng 4 năm sau).

Ông Tùng đánh giá, ô nhiễm không khí mỗi năm đều có mức độ khác nhau nhưng xu thế chung là không giảm nên người dân cần phải theo dõi thường xuyên và đề phòng.

Hà Nội vào 'mùa' ô nhiễm không khí, cần làm gì để bảo vệ sức khỏe?- Ảnh 2.
Hà Nội vào 'mùa' ô nhiễm không khí, cần làm gì để bảo vệ sức khỏe?- Ảnh 3.
Hà Nội vào 'mùa' ô nhiễm không khí, cần làm gì để bảo vệ sức khỏe?- Ảnh 4.
Hà Nội vào 'mùa' ô nhiễm không khí, cần làm gì để bảo vệ sức khỏe?- Ảnh 5.
Hà Nội vào 'mùa' ô nhiễm không khí, cần làm gì để bảo vệ sức khỏe?- Ảnh 6.

Không khí tại Hà Nội sáng sớm 12.10 tại khu vực Q.Nam Từ Liêm và Q.Thanh Xuân

ẢNH: ĐÌNH HUY

"Người dân cần thường xuyên theo dõi chỉ số AQI trên các trang của Nhà nước và các ứng dụng xem thời gian đó, ngày đó có ô nhiễm không để hạn chế tiếp xúc với không khí ngoài trời", ông Tùng nói.

Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường lấy ví dụ, trong "mùa" ô nhiễm không khí, buổi sáng sớm thường là thời điểm ô nhiễm không khí nhất. Lúc này, ngoài trời rất nhiều người đi tập thể dục nên khả năng tiếp xúc trực tiếp với không khí xấu rất lớn. Vì vậy, nếu thấy trời có sương mù nên nghỉ một vài buổi để giữ an toàn cho mình.

Cạnh đó, các trường học trên địa bàn Hà Nội cũng cần chú ý khi không khí xấu cũng hạn chế cho học sinh ra ngoài trời ở những tiết thể dục. Những gia đình có người già, trẻ em cần mua thêm máy lọc không khí, "chúng ta phải tự cứu lấy mình trước".

Theo ông Tùng, khí thải của các phương tiện giao thông ở Hà Nội là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí ở Hà Nội, đặc biệt là xe máy. "Sắp tới, chúng ta sẽ kiểm soát về khí thải xe máy. Nếu xe máy đủ tiêu chuẩn, không gây ô nhiễm mới được lưu hành. Cạnh đó, nhiều thành phố đã bắt đầu sử dụng nhiều xe chạy điện, đây là những điều kiện tốt để hạn chế ô nhiễm không khí", ông Tùng nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Tùng cho rằng, chính quyền địa phương cần quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc đốt rác của người dân bởi đốt rác sẽ phát thải khí dioxin vào không khí. Khí này rất độc, sẽ hủy hoại sức khỏe của những người xung quanh.

Làm gì để phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí?

Theo Tổ chức Y tế thế giới và các nghiên cứu cho thấy, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư. Ngoài ra, tiếp xúc với chất ô nhiễm trong không khí có thể gây tổn thương da, các bệnh về mắt, tác động đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch.

Hà Nội vào 'mùa' ô nhiễm không khí, cần làm gì để bảo vệ sức khỏe?- Ảnh 7.

Người dân đốt rác khiến ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng

ẢNH: ĐÌNH HUY

Vì vậy, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) đã xây dựng khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe nhằm giúp người dân có những kiến thức cơ bản trong việc thực hiện các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe.

Người dân cần thường xuyên đeo khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách khi ra khỏi nhà; thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Nên sử dụng khẩu trang, kính bảo vệ mắt khi làm vệ sinh, dọn dẹp nếu có nhiều bụi hoặc không khí bị ô nhiễm từ mức kém đến mức nguy hại.

Cạnh đó, hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, đốt rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga; trồng cây xanh giúp ngăn bụi và làm sạch không khí. Với người hút thuốc lá, thuốc lào nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút; không nên hút thuốc trong nhà. Với người không hút thuốc nên tránh xa khói thuốc.

Theo Cục Quản lý môi trường y tế, với những người nhạy cảm với các chất ô nhiễm trong không khí (trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, người cao tuổi) nên tránh tiếp xúc với các nguồn phát thải chất ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông; các công trình xây dựng; khu vực đun nấu đốt nhiên liệu bằng than, củi, rơm rạ hoặc các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí khác.

Trong thời điểm không khí bị ô nhiễm nếu xuất hiện các triệu chứng hoặc bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, viêm phổi phế quản, huyết áp, tim mạch… cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị. Ngoài ra, cần tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng, giữ ấm cơ thể về mùa đông, tránh bị nhiễm lạnh đột ngột.

Người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và được tư vấn, điều trị. Người già, người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch cần tuân thủ việc khám sức khỏe định kỳ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.