Hà Nội xây sân bay thứ 2 liệu có khả thi ?

Mai Hà
Mai Hà
04/10/2020 06:30 GMT+7

Vùng thủ đô Hà Nội có cần thiết xây sân bay thứ 2 tại H.Ứng Hòa hay không, khi Cảng hàng không quốc tế Nội Bài theo quy hoạch sẽ lên tới 100 triệu hành khách/năm?

 Các chuyên gia cho rằng Hà Nội cần lập đề án nghiên cứu khảo sát để đánh giá toàn diện vị trí lựa chọn trước khi có đề xuất chính thức.

Cơ quan chức năng: H.Ứng Hòa có nhiều thuận lợi

Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) Hà Nội vừa kiến nghị UBND TP.Hà Nội giao Sở GTVT phối hợp các sở, ngành liên quan và Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) xây dựng dự thảo văn bản của TP, đề nghị Bộ GTVT xem xét phương án bố trí sân bay thứ 2 cho vùng thủ đô Hà Nội. Sở này cũng đề nghị cân nhắc việc lựa chọn vị trí tại khu vực phía nam Hà Nội, ngoài việc mở rộng, nâng công suất Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài lên 100 triệu hành khách/năm.
Theo báo cáo của Sở QH-KT Hà Nội, trong Quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt hồi năm 2008 (Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 5.5.2008), dự kiến sân bay thứ 2 của vùng (sân bay quốc tế nam Hà Nội) đặt tại H.Ứng Hòa (Hà Nội).
Ngoài ra, theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2016 tại Quyết định 768/QĐ-TTg, nội dung thuyết minh đồ án đã tính tới 4 phương án xây dựng sân bay thứ 2 cho vùng thủ đô, gồm: sân bay tại H.Ứng Hòa (Hà Nội) cách trung tâm Hà Nội khoảng 35 - 40 km; sân bay tại H.Lý Nhân (Hà Nam) cách trung tâm Hà Nội khoảng 60 - 65 km; sân bay tại H.Thanh Miện (Hải Dương) cách trung tâm Hà Nội khoảng 45 - 50 km; và sân bay tại H.Tiên Lãng (Hải Phòng), cách trung tâm Hà Nội khoảng 120 km.
Sở QH-KT cho rằng việc lựa chọn Ứng Hòa làm sân bay thứ 2 có nhiều điểm thuận lợi: khoảng cách và thời gian tiếp cận đến trung tâm Hà Nội hợp lý, tương tự với sân bay Long Thành và TP.HCM. Cụ thể, kết nối qua cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, QL1A hiện có và tiếp giáp đường trục phía nam đang thi công. Về lâu dài sẽ được bổ sung cao tốc Tây Bắc - QL5B (nối đường Hồ Chí Minh và QL5B), các trục đường chính của TP.Hà Nội (đường Đỗ Xá - Quan Sơn, trục Bắc - Nam, đường Ngọc Hồi - Phú Xuyên).
Về giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng thuận lợi, do quỹ đất phát triển, có khả năng bố trí được sân bay với diện tích khoảng 1.300 ha, chủ yếu là đất nông nghiệp, ít khu dân cư... Xây dựng sân bay tại H.Ứng Hòa, theo Sở KH-ĐT Hà Nội, sẽ tạo động lực phát triển mới cho Hà Nội, đặc biệt là khu đô thị vệ tinh Phú Xuyên, quỹ đất 2 bên đường trục phía nam, cũng như khu vực các huyện và tỉnh phía nam Hà Nội. Nhược điểm duy nhất được sở này nêu ra là khu vực làm sân bay có đường điện 500 kV Thường Tín đi Nho Quan (Ninh Bình) cắt qua.
Sở QH-KT Hà Nội cũng đưa ra đối sánh giữa vùng thủ đô và vùng TP.HCM có quy mô khá tương đồng về diện tích, dân số, song bố trí quy hoạch vùng TP.HCM có tới 2 cảng HKQT (Tân Sơn Nhất với quy mô 40 - 45 triệu khách/năm và Long Thành (Đồng Nai) quy mô tối đa 100 triệu khách), trong khi vùng Hà Nội hiện chỉ có 1 Cảng HKQT Nội Bài (quy mô dự kiến 50 triệu khách/năm và đang nghiên cứu, mở rộng lên 100 triệu khách/năm).

Sân bay Nội Bài dự kiến mở rộng lên 100 triệu khách/năm

ảnh: ngọc thắng

Xây tại Ứng Hòa sẽ “vướng 3 điều kiện” ?

Nhận xét về đề xuất xây dựng sân bay thứ 2 tại Hà Nội, TS Nguyễn Bách Tùng, Cục phó Cục Quản lý xây dựng chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) - người có hàng chục năm kinh nghiệm trong xây dựng quy hoạch, thiết kế các sân bay, cho rằng Hà Nội đã có quy hoạch mở rộng sân bay Nội Bài quy mô 100 triệu hành khách/năm. Theo chuyên gia này, một thủ đô có nhiều sân bay là bình thường trên thế giới, như Paris (Pháp) có 2 sân bay, Moscow (Nga) có 4 sân bay, các sân bay sẽ bổ trợ cho nhau.

4 phương án xây dựng sân bay thứ 2 cho vùng thủ đô

Nguồn: Theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng thủ đô đến 2030 và tầm nhìn đến 2050

Theo báo cáo của Cục Hàng không VN gửi Bộ GTVT, tư vấn ADPi (Pháp) đã cơ bản hoàn thành báo cáo cuối kỳ về quy hoạch Cảng HKQT Nội Bài giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Trong đó, đến năm 2030, sân bay Nội Bài có thể đạt công suất 63 triệu khách/năm, tăng lên 100 triệu khách vào năm 2050. Ngoài nhà ga T2 được tiếp tục mở rộng, nhà ga T3 mới sẽ được xây dựng ở phía nam đạt công suất khoảng 30 triệu khách/năm (đến năm 2030), nhà ga T4 sẽ được xây mới thay thế nhà ga T1 cũ công suất 25 triệu khách/năm, nhà ga T5 công suất 25 triệu khách/năm sẽ được xây khi có nhu cầu (tầm nhìn 2050).
Đơn vị tư vấn cũng hạn chế mở rộng và điều chỉnh phạm vi quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt trong quy hoạch thủ đô (diện tích khoảng hơn 2.200 ha). Dù vậy, trước đó, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) Lại Xuân Thanh cũng đánh giá, việc giải phóng mặt bằng để nâng cấp, mở rộng sân bay Nội Bài khó hơn nhiều so với việc giải phóng mặt bằng tại sân bay Long Thành, do mật độ dân số phía nam Hà Nội rất lớn, chưa kể khu vực xung quanh Nội Bài có nhiều làng cổ và các di tích lịch sử.
Tuy nhiên, theo TS Tùng, đề xuất xây sân bay ở H.Ứng Hòa liệu có đáp ứng được các điều kiện phù hợp hay không thì cần phải cân nhắc rất kỹ. Cụ thể, sân bay nếu xây tại H.Ứng Hòa sẽ vướng 3 điều kiện: thứ nhất, H.Ứng Hòa thuộc vùng đường xuống của sân bay Nội Bài (luồng máy bay từ TP.HCM khi bay về Hà Nội rất gần khu vực Ứng Hòa), nói cách khác dễ chồng lấn vùng trời giữa sân bay Nội Bài và Ứng Hòa. Thứ hai, vùng trời hoạt động nếu xây sân bay tại Ứng Hòa có khả năng phạm vào vùng cấm bay của Hà Nội. Thứ ba, địa hình H.Ứng Hòa nhiều chuyên gia cho rằng là vùng trũng, địa chất nếu gần khu vực đá vôi thì mây mù rất nhiều, cản trở tầm nhìn, nhất là các sân bay dân dụng tần suất hoạt động lớn.
Từ góc độ khác, ông Phạm Văn Tới, Phó chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ hàng không VN, đánh giá sân bay thứ 2 đặt tại H.Ứng Hòa (phía nam) phù hợp về mặt địa lý, do sân bay Nội Bài hiện nằm ở phía bắc. Với đề xuất trong quy hoạch vùng thủ đô xây dựng sân bay tại H.Lý Nhân (Hà Nam) hoặc Thanh Miện (Hải Dương), Tiên Lãng (Hải Phòng), theo ông Tới, các khu vực này có khoảng cách xa so với Hà Nội (trên 50 km). Chưa kể, Hải Phòng đã có sân bay quốc tế dự bị cho Nội Bài, nên không cần xây dựng thêm tại khu vực Hải Dương hay Hải Phòng.

Tầm nhìn phải xa vài chục năm

Chuyên gia Phạm Văn Tới nhìn nhận nếu quy hoạch tính tới xây sân bay thứ 2 tại vùng thủ đô, thì nên cân nhắc điều chỉnh lại mục tiêu mở rộng sân bay Nội Bài lên 100 triệu khách. Lý do, ngoài khó khăn trong GPMB khi mở rộng ra phía nam do dân cư sinh sống ổn định, lâu đời, hạ tầng giao thông từ Nội Bài về nội thành cũng rất quá tải.
Bên cạnh đó, ông Tới cũng cho rằng việc xây dựng sân bay phụ thuộc rất nhiều yếu tố, không chỉ chọn vị trí địa lý nào mà phải có khảo sát toàn diện và kỹ lưỡng về nhiều yếu tố từ tĩnh không đến địa chất, khí hậu, thủy văn. Hà Nội cần lập đề án nghiên cứu khảo sát để đánh giá toàn diện, trước khi có đề xuất chính thức.
Còn theo TS Nguyễn Bách Tùng, không phải là Hà Nội mà vùng thủ đô nên có sân bay thứ 2, phục vụ các địa phương trong vùng. Tìm vị trí xây dựng sân bay thứ 2 của vùng thủ đô không chỉ 1 - 2 năm, mà phải hàng chục năm, như sân bay Long Thành để đi đến thời điểm này đã mất tới 20 năm nghiên cứu. Vì thế, cần có tầm nhìn dài hơi và phải cân nhắc rất kỹ để tìm kiếm vị trí sân bay quốc tế thứ 2.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.