Hà Tiên - thành phố lạ lùng

Hồng Hạnh
Hồng Hạnh
16/11/2018 21:32 GMT+7

Nhắc đến Hà Tiên là người ta nghĩ ngay đến miền biên viễn. Nghĩ ngay đến vùng đất cắm cột mốc chủ quyền cuối cùng của đất nước trên biên giới đường bộ. Có gì đó rất xa xăm, rất bí ẩn.

Vì thế khi nghe vùng đất này được nâng cấp lên thành phố, mọi người cứ ồ à ngạc nhiên. Bởi lẽ, nói tới thành phố là nói tới đèn xanh đèn đỏ. Trong khi Hà Tiên chỉ mới duy nhất một ngã tư có đèn xanh đèn đỏ; còn tất thảy đều ngọn tỏ ngọn lu khi đêm về.
Thành phố trên bến dưới thuyền
Thật ra, chừng 300 năm trước, khi Mạc Cửu được phong làm Tổng binh trấn Hà Tiên thì vùng này đã nổi tiếng là vùng đất trù phú nhất vịnh Thái Lan. Dưới tài cai quản và thu phục người tài, Mạc Cửu đã biến vùng biển này thành thương cảng nổi tiếng của cả khu vực và có trước cả Sài Gòn. Những ghe tàu đi theo hải trình gốm sứ tơ lụa trên biển từ Trung Quốc sang các nước châu Âu đều neo đậu nơi này để lấy sức vượt eo biển Malacca trước khi dong buồm vượt Ấn Độ Dương. Và phải chăng chính vì cái lấp lánh của vàng son lụa là mà mấy trăm năm trước nhiều băng nhóm hải tặc đã dong buồm về đây? Không có nhiều cứ liệu lịch sử lắm. Còn chăng chỉ là cái tên Quần đảo Hải tặc cũng thuộc địa phận TP.Hà Tiên bây giờ.
Trải qua bao dâu bể, thương cảng với thuyền buôn đã là chuyện xưa. Chuyện nay, là một đô thị phố xá chạy dài từ đầm Đông Hồ, cặp theo sông Giang Thành dài ra cửa biển. Mọi sự phồn thịnh, sầm uất đều theo đó mà nên.
Cũng hiếm có đô thị nào ở vùng sông nước còn khu chợ nhà lồng trên bến dưới thuyền rất đặc trưng. Ghe thuyền của thương lái, ngư phủ mỗi sáng, mỗi chiều nhộn nhịp cả một bến sông. Tôm cá nước ngọt từ đầm Đông Hồ chở ra; cá, mực từ biển chở vào. Khi những cần xé hải sản được gánh lên bờ là các tiểu thương đã đón lấy, lớp bỏ sỉ, lớp san bớt ra sịa, ra mâm cho các bà đi chợ sớm. Các xe đẩy bán bún cá, bún nhâm, bún kèn; bán cà phê dọc theo chợ cá, chợ bách hóa cũng nhộn nhịp, rộn ràng theo. Sự mua sự bán xảy ra rất nhanh. Đâu lối chừng vài tiếng đồng hồ mỗi sáng sớm.
Cũng lạ một điều, trong khi các đô thị xứ biển khác ở miền Tây như Cà Mau, Rạch Giá vật giá khá mắc mỏ, thì ở đây giá rẻ bất ngờ. Một tô bún, có thịt, có cá, có tôm ấp lẫm mà cũng lối chừng 15.000 - 20.000 đồng là hết mức. Một ly cà phê đá hay trà đá đường đâu chừng 8.000 - 10.000 đồng. Ăn ở gánh, ở xe đẩy cũng giá đó; mà có vô hàng quán dọc theo phố xá cũng một giá đó không hơn. Có khác chăng là xe đẩy phục vụ cho dân thương buôn, dân chợ cá buổi sáng; hàng quán trong nhà lồng chợ phục vụ cho mấy bà nội trợ; quán xá cho dân đi mần việc hoặc khách viễn xứ ghé qua.
Thành phố của các kiểng chùa, lăng mộ
Có lẽ hiếm có thành phố nào có lăng mộ và kiểng chùa nhiều, đẹp và hài hòa như Hà Tiên. Lăng Khai trấn Quốc công Mạc Cửu, Miếu Mạc mi cô nương, Phù Dung Cổ tự, chùa Phật Đà, chùa Thiên Trúc, chùa Tam Bảo... Có chùa nằm ở chân núi, có chùa nằm tựa trên đồi, có chùa nằm trong hang động. Mỗi một kiểng chùa, mỗi một danh thắng đều là nơi đón bình minh hay ngắm hoàng hôn đẹp nhất VN. Và tất thảy đều yên lặng trong thinh không.
Phố xá Hà Tiên vốn không đủ dài, không đủ rộng. Ít tiếng còi xe, khách bộ hành cũng ít huyên náo. Chưa kể cũng là dân miền biển nhưng con người Hà Tiên ít ăn to nói lớn. Tiếng là lên thành phố, tưởng chừng con người cũng phải năng động hơn, ồn ào hơn. Nhưng đa phần người dân nơi đây đều ăn nói nhẹ nhàng và rất hay cười nhẹ thay lời chào, hoặc như là cử chỉ tỏ sự đồng điệu.
Một ông anh nơi này lý giải, Hà Tiên vốn là xứ của các kiểng chùa và hệ phái chùa ở đây ni nhiều hơn sư. Phụ nữ xứ này từ nhỏ đã quen với việc hằng tuần đều sắp đặt mấy ngày lên chùa làm công quả. Có lẽ vì vậy sự an yên, bình dị đã định hình thành tính cách cố hữu của người dân nơi này.
Hà Tiên, thành phố hấp dẫn lạ lùng.
Trong tất cả các thành phố mới được công nhận hiện nay thì Hà Tiên là nơi có vẻ như xa xôi cách trở nhất. Từ TP.HCM muốn về đây cũng mất chừng trên 360 km đường bộ. Nhưng đó là lối nghĩ thông thường.
Bên lề cuộc hội thảo “Quảng bá du lịch thời 4.0” mới đây tại Hà Tiên, ông Nguyễn Thanh Nhàn, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hà Tiên, cho rằng con đường ngắn nhất đến Hà Tiên chính là đường biển từ Phú Quốc với 70 phút ngồi tàu cao tốc. Với các thành phố lớn khác thì khoảng cách từ sân bay về trung tâm di chuyển cũng mất ngần ấy thời gian hoặc hơn. Và Hà Tiên cũng không giấu tham vọng không chỉ là khu vực hậu cần trên bộ tốt nhất cho Phú Quốc mà còn là điểm đến hấp dẫn cho du khách đến từ Phú Quốc. Đó là chưa tính đến, khi hệ thống giao thông Xuyên Á hoàn chỉnh, du khách từ Thái Lan, Campuchia đến thăm Hà Tiên qua cửa khẩu Xà Xía và nối chuyến ra đảo Phú Quốc càng nhiều. Tỉnh Campot, Campuchia cách Hà Tiên chừng 60 km với những nét tương đồng mà mỗi năm đã đón chừng 2 triệu du khách, trong đó khoảng 100.000 khách nước ngoài.
Trong khi đó, hiện nay có rất nhiều đường bay nội địa và quốc tế đến Phú Quốc từ đó kết nối với Hà Tiên. Đường bay quốc tế trực tiếp đã có từ Hàn Quốc, Thái Lan, hoặc các chuyến bay thuê chuyến (charter) từ Trung Quốc, Nga, Ý, Anh, Thụy Điển, Đan Mạch. Mới đây, ngày 2.11, AirAsia mở đường bay từ Kuala Lumpur đi Phú Quốc. Dự kiến, VietJet cũng mở đường bay Incheon - Phú Quốc vào cuối tháng 12 này

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.