Hà Vương Ngầu Nại: “Giật lùi đẩy tới” như muỗi lăng quăng

12/05/2020 07:30 GMT+7

Với 2 lần trở thành vua phá lưới giải vô địch quốc gia, tiền đạo Hà Vương Ngầu Nại là một người có đóng góp lớn đối với bóng đá TP.HCM và quốc gia. Anh cũng có cú độc "giật lùi đẩy tới " như muỗi lăng quăng.

Bàn thắng để đời

Tại vòng loại World Cup 1994 khu vực châu Á trên sân Qatar ngày 16.4.1993, Hà Vương Ngầu Nại là cầu thủ ghi bàn duy nhất cho đội tuyển bóng đá Việt Nam trong chiến thắng Indonesia 1-0, được chọn là cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu. Ở phút thứ 61, tuyển Việt Nam có được quả phạt bên cánh trái cách cầu môn đội Indonesia khoảng 30 mét. Khi tiền vệ Lư Đình Tuấn sút bóng, Chu Văn Mùi với chiều cao tốt từ tuyến phòng thủ lên tham gia tấn công đã khôn khéo chạy cắt mặt để lôi kéo 2 hậu vệ đối thủ chạy theo. Đúng lúc đó, Ngầu Nại có mặt kịp thời để lao đến đặt lòng tung lưới Indonesia.

 " Đó là một kỷ niệm đẹp, một bàn thắng để đời tôi chẳng bao giờ quên. Khi đó tôi ghi bàn như một quán tính. Tôi thấy ngất ngây sau bàn thắng đó. Đồng đội và HLV chúc mừng khiến tôi gần như không ngũ sau đêm đó", Ngầu Nại thổ lộ. Còn Tuấn "nhím", người có đường chuyền mang tính quyết định nói về pha ghi bàn của Nại " Chúng tôi cùng đá ở Cảng nên thuận lợi trước hết là hiểu nhau. Nhưng cũng phải nói là nhờ Chu Văn Mùi lôi kéo thu hút đối thủ nên Nại có khoảng trống để xử lý. Một bàn thắng khiến tôi cũng ngất ngây như người ghi bàn".

Ngầu Nại (thứ 2 hàng ngồi từ phải, ngồi cạnh Lưu Tấn Liêm) cùng đội tuyển Việt Nam dự SEA Games 16 năm 1991

Tư liệu

Trước SEA Games 16 năm 1991 tại Philippines, có việc 11 cầu thủ tuyển Việt Nam  trong danh sách lần đầu "đào ngũ" làm lực lượng đội tuyển bị sút kém, huấn luyện viên trưởng lần đầu Vũ Văn Tư cũng từ chức và người thay ông Tư là ông Nguyễn Sỹ Hiển. Mới đây chính ông Hiển cũng thừa nhận: "Ngày ấy còn trong tình trạng bao cấp nên mọi thứ ở Trung tâm Nhổn rất thiếu thốn. Ngay chuyện trang phục đội tuyển cũng mạnh ai nấy mặc. Bữa ăn của mỗi cầu thủ chỉ có tiêu chuẩn 12.000 đồng mỗi ngày, thức ăn vài ba món, chế biến đơn điệu nên cũng không đảm bảo dinh dưỡng. Ngày ấy tôi là huấn luyện viên trưởng của đội. Nếu không có vụ cầu thủ bỏ về thì có lẽ Việt Nam mình sẽ có huy chương. Nhưng mà 11 cầu thủ bỏ về, những người của Đà Nẵng, TP.HCM, Hải Quan nói đi thì phải nói lại, họ cũng có cái lý của mình khi bỏ về. Điều kiện ăn ở tập trung ở Nhổn khi đó khổ quá".

Ngầu Nại và HLV đội tuyển Việt Nam, chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh

Với thành phần cầu thủ phải bổ sung giờ chót, tuyển Việt Nam dự SEA Games 16 lần đầu tiên trở lại đấu trường này sau 18 năm vắng mặt (từ 1973). May mắn khi đội hình thi đấu tiếp tục đến Philippines vẫn còn đủ 2 tiền đạo từng là vua phá lưới ở giải vô địch quốc gia là Nguyễn Văn Dũng của đội Nam Định với 3 lần vua phá lưới các năm 1984, 1985 và 1986 (sau 1991, anh còn đoạt giải vua phá lưới lần thứ tư vào năm 1998) và Hà Vương Ngầu Nại (đội Cảng Sài Gòn) 2 lần là vua phá lưới các năm 1989 và 1991.

Chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh, khi đó là HLV đội tuyển Việt Nam nhớ lại " Ngầu Nại chơi rất hay khi đá cặp tiền đạo cùng Văn Dũng (còn gọi là Dũng già). Trong trận đầu tiên gặp chủ nhà Philippines, chính Ngầu Nại từ biên cánh trái đột phá qua 2 hậu vệ và chuyền bóng thuận lợi để trung phong Nguyễn Văn Dũng đặt lòng mở tỷ số trận đấu. Sau đó đội chủ nhà gỡ hòa, trung phong Dũng lại giúp Việt Nam vượt lên 2-1 nhưng cuối cùng phải chịu hòa 2-2. Gặp Indonesia trận thứ hai, chúng ta thua 0-1. Còn trận cuối vòng bảng gặp Malaysia, đội Việt Nam thi đấu có khá hơn nhưng vẫn bị thất bại 1-2 trước Malaysia nên bị loại". 

Qua SEA Games 17 vào năm 1993 tại Singapore, Ngầu Nại lại cùng với trung phong Phan Thanh Hùng (hiện huấn luyện cho đội Than Quảng Ninh) hợp thành bộ đôi tấn công chủ lực của Việt Nam khi ra quân thắng Philippines 1-0. Rất tiếc, hai trận còn lại trong vòng bảng do thể lực sút giảm, đội Việt Nam thua Indonesia 0-1 và thua tiếp Singapore 0-2 nên cũng bị loại.

Ngầu Nại cùng với Lê Huỳnh Đức

Biệt danh "lăng quăng"

Tháng 11.1979, khóa 1 lớp năng khiếu bóng đá được khai giảng tại Trường Nghiệp vụ Thể dục Thể thao TP.HCM có mặt những gương mặt sau này trở thành những cầu thủ xuất sắc của bóng đá Việt Nam như Đặng Trần Chỉnh, Nguyễn Hồng Phẩm, Võ Hoàng Tân...

Hà Vương Ngầu Nại sinh năm 1964 tại TP.HCM cũng có trong danh sách khóa 1 này nhưng sau đó không lâu bị loại vì "có gốc gác người Hoa" không thuận lợi ở thời điểm đó. Ngầu Nại đành phải xin sang lớp Năng khiếu bóng đá tập tại sân Hoa Lư một thời gian mới được trở lại Trường Nghiệp vụ và cuối cùng tốt nghiệp cùng khóa với Đặng Trần Chỉnh, Phạm Văn Tám.. được đội Cảng Sài Gòn tiếp nhận từ năm 1983.   

Đối với các giải bóng đá trong nước, Ngầu Nại thi đấu cho đội Cảng Sài Gòn trong 12 năm (1983 – 1995), góp công lớn vào thành tích như vô địch quốc gia năm 1986 và 1993 - 1994, vô địch cúp quốc gia 1992. Trong trận chung kết giải vô địch quốc gia mùa 1993 – 1994, đội Cảng Sài Gòn có Ngầu Nại thi đấu đã có trận thắng 2-0 đội Công an TP.HCM (lúc đó có Lê Huỳnh Đức và Trần Minh Chiến thi đấu).                                                                                          

Thật ra lúc đầu về đội Cảng Sài Gòn, Ngầu Nại được xếp vị trí tiền vệ và dần thay cho Dương Văn Thà năm 1985. Đến năm 1988, khi tiền đạo Phan Hữu Phát nghỉ thi đấu, Huấn luyện viên Phạm Huỳnh Tam Lang nhận thấy Ngầu Nại có tố chất để trở thành một tiền đạo tốt nên cho Nại thử chơi ở vị trí mới: tiền đạo lệch trái, làm cầu nối giữa tiền vệ biên trái và trung phong. Vị trí của Ngầu Nại chơi gần giống như vị trí của danh thủ, tả nội Đỗ Quang Thách khi ông làm cầu nối xuất sắc giữa trung phong Há và tả biên Ngầu trong đội tuyển miền Nam trước 1975.  

Ngầu Nại (thứ 3 từ trái đứng cạnh 2 HLV Lý Văn Thành, Dương Văn Thà) cùng toàn đội Cảng Sài Gòn

Tư liệu

 

Nhờ thể lực tốt, sút được cả hai chân và có tốc độ càn lướt dũng mãnh, Nại đã thể hiện khả năng chọn điểm rơi chính xác nên tiếp cận rất nhanh vị trí mới được giao, phối hợp tốt với đồng đội. Đặc biệt, lối đi bóng của Ngầu Nại có độ quái rất khó chịu, có những lúc vừa đẩy bóng nhẹ, vừa giật lại rồi bất ngờ đi bóng dài tiếp làm cho hàng phòng ngự đối thủ rất khó đoán hướng bóng để ngăn cản.

Kiểu điều khiển trái bóng "giật lui đẩy tới" như muỗi lăng quăng đã làm cho Ngầu Nại ghi được nhiều bàn thắng cho đội Cảng Sài Gòn, hai lần giúp anh đoạt giải Vua phá lưới giải vô địch quốc gia năm 1989 và 1991, ngay sau đó được chọn vào đội tuyển quốc gia dự SEA Games 16 năm 1991. Cũng chính vì vậy, anh em đội Cảng Sài Gòn đã chọn cho Ngầu Nại thêm tên Nại "lăng quăng" – một biệt danh vui của anh.

Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương phân tích: "Hà Vương Ngầu Nại là mẫu cầu thủ cần cù, rất năng nổ trên hàng tiền đạo của Cảng Sài Gòn. Khi Đặng Trần Chỉnh chơi rộng để thu hút đối thủ và lo tổ chức các mảng miếng xâm nhập cầu môn thì Ngầu Nại rất biết tận dụng cơ hội, phát huy vai trò mũi nhọn của mình để tìm kiếm bàn thắng cho đội".

Ngầu Nại (bìa phải) cùng Lư Đình Tuấn, Đặng Trần Chỉnh, 3 học trò cưng của HLV Tam Lang

Tư liệu

Mong cùng bóng đá trẻ TP.HCM "lên ngôi"  

Ông Lưu Kim Hoàng (cựu thủ môn của đội Cảng Sài Gòn) nhận xét: "Cầu thủ của Cảng Sài Gòn hầu hết nhận từ các học viên bóng đá của trường Năng khiếu Nghiệp vụ TP.HCM nên về mặt kỹ thuật thì đều yên tâm. Riêng Nại "lăng quăng" thì nhờ có chiều cao tốt, thể lực sung mãn và rất nhiệt tình nên rất có lợi thế khi thi đấu.

Năm 1995, sau khi giã từ bóng đá đỉnh cao, Nại về làm công việc lai dắt tàu hàng của Cảng Sài Gòn cùng với những cầu thủ đội Cảng Sài Gòn đã nghỉ thi đấu từ trước đó như tôi, Nguyễn Văn Thòn, Võ Hoàng Tân, Vương Diệu Thành… Sau đó Nại "lăng quăng" cũng bỏ công việc ở đây để ra ngoài kiếm sống".

Ngầu Nại khi còn làm huấn luyện ở PVF

PVF

Sau khi nghỉ ở bộ phận lai dắt, Hà Vương Ngầu Nại đi học các khóa huấn luyện viên do Liên đoàn bóng đá châu Á tổ chức và đã nhận được bằng C và B. Từ năm 2000, ông bắt đầu vào công việc huấn luyện tại trường Năng khiếu nghiệp vụ TPHCM một thời gian, rồi lần lượt huấn luyện ở đội U.18 của Thép Miền Nam - Cảng Sài Gòn. đội Thép Miền Nam - Bình Thuận, đội bóng hạng nhất Thành Nghĩa - Quảng Ngãi. Từ tháng 6.2010 đến năm 2018 ông tập trung làm huấn luyện viên đào tạo trẻ tại Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá VN (PVF).

Hiện tại ông đã trở lại TP.HCM để tiếp tục gắn bó công việc huấn luyện đào tạo trẻ và các lớp bóng đá cộng đồng. Ngầu Nại cũng được Sở VH-TT và Liên đoàn bóng đá TP.HCM tín nhiệm giao dẫn dắt đội tuyển U.21 TP.HCM từng dự VCK giải U.21 quốc gia ở Pleiku năm rồi và hiện dẫn dắt U.19 TP.HCM đang tham dự vòng loại cùng với 2 HLV Nguyễn Hồng Phẩm và Nguyễn Hoàng Xuân Trúc. Sau bao nhiêu nhọc nhằn và khó khăn trong cuộc sống, ở tuổi 57 ông được đồng nghiệp và học trò của ông quý mến nhờ những kết quả tốt mà ông đã đem đến cho những nơi mình đến làm việc một cách tích cực. 

Ngầu Nại (giữa) cùng 2 đồng đội Nguyễn Hồng Phẩm và Nguyễn Hoàng Xuân Trúc đang dẫn dắt U.21 và U.19 TPHCM

Khả Hòa

Ngầu Nại tâm sự: " Bóng đá Sài Gòn thời tôi còn thi đấu thực sự rất hùng hậu. Có thể thành tích còn kém một chút so với các đội phía Bắc như Thế Công, nhưng lực lượng, cách chơi không hề thua kém. Bây giờ thì dù bóng đá TP.HCM đang làm lại nhưng là những người gắn liền cuộc sống với thành phố này thì nhiều lúc chúng tôi cũng cảm thấy chạnh lòng khi thấy chúng ta đã để vuột nhiều năm hụt hẫng tuyến kế thừa. Chính vì vậy tôi chỉ mong cùng các HLV đồng đội một thời gầy dựng lại, quyết tâm đưa bóng đá trẻ TP.HCM "lên ngôi" trở lại".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.