Sau 10 năm, hai bệnh viện vẫn chưa xong
Cụ thể, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, đó là Bệnh viện (BV) Bạch Mai cơ sở 2 và BV Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 đã được nhà nước bỏ tiền ra xây cả chục năm rồi vẫn "treo", không đưa vào sử dụng, trong khi nếu của tư nhân thì họ thu hồi vốn xong rồi. Đây là tình trạng rất lãng phí, nếu do chính sách thì cần xem lại. Từ đó, Tổng Bí thư yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm. Nhà nước cấp như thế nào để lãng phí thế này? Doanh nghiệp hay ai được cấp, tại sao không làm? Nếu không làm thì nhà nước thu lại theo quy định. Nếu bảo "tôi đang làm nhưng vướng", thì vướng chỗ nào phải tháo gỡ chỗ đó…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cơ sở 2 của BV Bạch Mai và BV Hữu nghị Việt Đức có quy mô 1.000 giường/BV với tổng mức đầu tư mỗi cơ sở lên tới hơn 4.500 tỉ đồng. Đây là các cơ sở được xây dựng với mục đích giảm tải nhu cầu khám chữa bệnh cho cơ sở 1 ở Hà Nội vốn đang quá tải. Cả hai cơ sở này được khởi công xây dựng vào cuối năm 2004. Đến tháng 10.2018, khu khám bệnh của cả hai cơ sở này được khánh thành. BV Bạch Mai cơ sở 2 hoạt động được một thời gian ngắn đã dừng tiếp đón bệnh nhân. Riêng BV Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 chỉ dừng lại ở việc cắt băng khánh thành, chưa tiếp nhận bệnh nhân.
Bộ Y tế giải thích, nguyên nhân chậm tiến độ là chưa lường hết được phát sinh trong quá trình triển khai, nhất là việc thực hiện các quy định trong đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện các hợp đồng xây dựng. Vì vậy, các vướng mắc đã phát sinh trong thanh, quyết toán, giải ngân vốn. Trong đó, vướng mắc chủ yếu về việc lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng; điều khoản thanh toán trong hợp đồng không phù hợp quy định, dẫn đến thanh toán vượt giá trúng thầu...
Mới đây, trong kiến nghị gửi sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Hà Nam tiếp tục đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương đưa BV Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 và BV Bạch Mai cơ sở 2 đi vào hoạt động. Trả lời kiến nghị này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết để sớm hoàn thành các hạng mục, đưa cơ sở 2 BV Bạch Mai và cơ sở 2 BV Hữu nghị Việt Đức vào hoạt động, ngày 21.2.2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 140/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác rà soát khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện đầu tư dự án. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều cuộc họp để thảo luận và hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả rà soát, trình Chính phủ, nêu rõ các khó khăn, vướng mắc và phương án khắc phục trong việc thực hiện dự án xây dựng cơ sở 2 của BV Bạch Mai và BV Hữu nghị Việt Đức. Ngày 13.9.2023, Thường trực Chính phủ đã tổ chức họp nghe báo cáo của Bộ Y tế về tiến độ và các phương án triển khai. Đến nay, Tổ công tác, Bộ Y tế đã rà soát, đánh giá toàn diện các vấn đề pháp lý và kỹ thuật liên quan đến dự án, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại của việc triển khai thực hiện dự án, làm việc với các nhà thầu và đưa ra phương án xử lý, báo cáo Chính phủ để có hướng giải quyết những vướng mắc và tiếp tục triển khai dự án đúng tiến độ.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với bộ, ngành và đơn vị liên quan nghiên cứu các phương án trình Chính phủ từng bước giải quyết các vấn đề nhằm đưa cơ sở 2 của BV Hữu nghị Việt Đức và BV Bạch Mai tại Hà Nam đi vào hoạt động để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Bộ Y tế đã phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết ngày 31.12.2024, chỉ đạo chủ đầu tư làm việc với các nhà thầu để tiếp tục thi công hoàn thành công trình.
Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để đưa dự án vào hoạt động
Mặc dù Chính phủ có nhiều chỉ đạo, yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tiếp tục thực hiện dự án và đưa vào vận hành trong năm 2024, Bộ Y tế cũng đã phê duyệt mốc thời gian thực hiện dự án đến hết năm nay, nhưng đến thời điểm này còn chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm mà chưa biết số phận 2 dự án này có kịp tiến độ cam kết hay không, nên người dân Hà Nam rất sốt ruột.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng hai dự án này là điển hình về sự lãng phí lớn trong lĩnh vực đầu tư công. Tuy nhiên, lúc này quan trọng nhất là cần phải tháo gỡ các vướng mắc để đưa hai BV đi vào hoạt động, phục vụ nhu cầu không chỉ của người dân Hà Nam mà còn của các tỉnh lân cận. Tổng Bí thư Tô Lâm đã có ý kiến chỉ đạo và điều đó khiến người dân tin tưởng. Đó là chưa kể cơ sở hạ tầng đã xây dựng xong, để lâu không sử dụng sẽ nhanh chóng hư hỏng, xuống cấp. Càng để kéo dài càng gây lãng phí. Làm thế nào để 2 BV sớm được hoạt động và phát huy năng lực của dự án như mục tiêu đề ra là cấp bách nhất.
Đồng quan điểm, TS Dương Như Hùng, Trưởng khoa Quản lý công nghiệp (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM), cho rằng việc chung tay tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư công nói chung hay 2 dự án cơ sở 2 của BV Bạch Mai và BV Hữu nghị Việt Đức ở Hà Nam nói riêng là cần thiết và quan trọng nhất, rất cần làm ngay vì không thể chần chừ, kéo dài thêm nữa khi đã qua 10 năm.
Tuy nhiên, TS Dương Như Hùng cũng thừa nhận, có nhiều quy định bị rối mà cần thay đổi thì sẽ mất nhiều thời gian. Vì vậy, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ rõ được toàn bộ vướng mắc mà 2 dự án đang gặp và đề xuất chính sách tháo gỡ. "Thậm chí, có những quy định mà Bộ trưởng Bộ Y tế không đủ thẩm quyền để đưa ra quyết định vì còn liên quan đến nhiều bộ như Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT. Có những vướng mắc nếu thời gian qua không tháo gỡ được vì vướng quy định thì ai dám quyết? Ra quyết định xong thì sau này họ có bị truy cứu trách nhiệm hay không? Như vậy có khi phải xin ý kiến Quốc hội để thông qua nếu cần quyết sách riêng", TS Hùng đặt câu hỏi và nhấn mạnh: "Chỉ đạo của Tổng Bí thư nêu rõ, phải có sự phối hợp tháo gỡ khó khăn. Khó đến đâu gỡ đến đó, nhìn từng cái mà gỡ. Chính phủ vướng thì phải trao đổi với Quốc hội, Quốc hội phải đồng hành với Chính phủ. Đây có thể được xem là chỉ đạo cao nhất rồi, cái cần lúc này là tinh thần dám nghĩ, dám làm của các bộ, ngành, kể cả Chính phủ".
Bình luận (0)