Hai bộ trưởng cùng tìm giải pháp phát triển nhân lực ICT trình độ cao

Quý Hiên
Quý Hiên
30/03/2019 12:40 GMT+7

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Bộ trưởng Bộ Thông tin -Truyền thông cùng dự các cuộc tọa đàm về phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao , trong đó tập trung tìm giải pháp gắn kết cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp.

Hôm nay, tại Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông (Hà Nội), Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức tọa đàm Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao, gắn kết cơ sở giáo dục đại học – doanh nghiệp.

Đừng đào tạo để sinh viên thành rô bốt

Tại tọa đàm, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhận định, vấn đề kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường không mới, đã trở thành là nhu cầu tự thân. Các trường cung cấp nguồn nhân lực, các doanh nghiệp nhìn trường như các bạn hàng, hai bên đến với nhau có động lực cùng lợi ích. Tuy nhiên, chỉ khi nào áp lực và động lực song hàng thì khi đó sẽ có sự gắn kết bền vững, nếu không sẽ rơi vào phong trào. Sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp đã có, đã ký kết nhiều những văn bản gắn kết nhưng kết quả thực tế không cao. Lần này sẽ phải làm khác, phải thiết thực.
Ông Nhạ cũng chia sẻ thông tin, hiện cả nước có 235 trường đại học, trong đó có 50 trường đào tạo công nghệ thông tin, hàng năm khoảng 50.000 sinh viên công nghệ thông tin ra trường. Tuy nhiên số lượng so với nhu cầu phát triển doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhất là theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến 2020 có 1 triệu doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó rất ưu tiên khởi nghiệp công nghệ thông tin, là rất thiếu.
Ông Nhạ chia sẻ: “Theo tính toán, mức độ tăng trưởng doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhu cầu việc làm rất lớn, năm 2020 cần 100.000 cử nhân công nghệ thông tin. Nhưng điều quan trọng hơn là chất lượng. Theo khảo sát trong số 50.000 cử nhân công nghệ thông tin ra trường chỉ có 30% làm việc được ngay, có việc làm đúng nghề, 70% phải đào tạo lại. Vấn đề đặt ra với các nhà trường đào tạo thế nào, doanh nghiệp thế nào, hợp tác với các trường của doanh nghiệp có nên chỉ là cho học bổng không?”.
Theo ông Nhạ, vấn đề hợp tác là phải đi từ chương trình đào tạo, thiết kế chương trình đào tạo từ nhu cầu của thị trường, tính đến thay đổi khoa học công nghệ. Chương trình đào tạo phải thiết kế theo nhu cầu và tính đến sự thay đổi, các trường phải tiếp cập thị trường với tinh thần phục vụ chứ chỉ đưa ra những gì mình có sẽ khó thành công. Trong đó lưu ý đến tiếng Anh, kỹ năng làm việc nhóm. Các nhà trường thiết kế chương trình đào tạo học suốt đời, thay đổi phương thức đào tạo giảm bớt hàn lâm, tăng cường đưa sinh viên đi thực tập, nhúng mình vào các doanh nghiệp công nghệ thông tin, như trường y với bệnh viên.
Ông Nhạ cảnh báo: “Công nghệ thông tin rất đặc thù, nhưng đào tạo thế nào để đừng biến sinh viên thành rô bốt trong khi sinh viên công nghệ thông tin có thể biến rô bốt thành con người”.
Ông Nhạ cũng cam kết trách nhiệm các Bộ, ngành là đồng hành với doanh nghiệp, nhà trường. Rà soát chính sách tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thay đổi chính sách trong thẩm quyền. Ví dụ, Bộ GD-ĐT thay đổi chính sách mở ngành, chính sách đào tạo sao cho linh hoạt. Đảm bảo lý thuyết thực hành, hàn lâm thực tiễn song hành.
“Hôm nay chúng ta khởi đầu cho một chuỗi hoạt động, vai trò của bộ ngành hỗ trợ, quyết định thành công hay không là nhà trường và doanh nghiệp. Các trường tư duy đi xin, doanh nghiệp tư duy đi cho, thì không bền. Các trường cần quyết liệt đổi mới, tạo ra những đột phá từ trường, khoa, thầy cô, nhóm sinh viên đổi mới, kích hoạt thực sự, không đặt ra phong trào. Đây là sự nghiệp vừa trước mắt vừa lâu dài, không nóng vội nhưng thong thả như thời gian vừa qua cũng không được”, ông Nhạ nói.

Doanh nghiệp phải xem chi phí cho đào tạo như một khoản đầu tư

Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông thì cho biết, ngành ICT đã trở thành một ngành kinh tế lớn dựa trên tri thức và công nghệ, với quy mô 100 tỷ USD, với giá trị xuất khẩu khoảng 93 tỷ USD, xuất siêu trên 25 tỷ USD, là ngành có lực lượng lao động xấp xỉ 1 triệu người. Đảng, nhà nước ta đặt mục tiêu năm 2030 Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao, trở thành nước phát triển vào năm 2045. Đột phá quan trọng để đạt được khát vọng này là dựa vào khoa học công nghệ và sáng tạo. Nếu dựa vào công nghệ, dựa vào doanh nghiệp công nghệ thì các doanh nghiệp công nghệ số, công nghệ ICT sẽ đóng vai trò chủ yếu.
Trong khi đó, cuộc cạnh tranh trong thời đại 4.0 là cuộc cạnh tranh về nhân lực. Nước nào có nguồn nhân lực tốt, đáp ứng nhanh với nhu cầu thay đổi công nghệ, dùng công nghệ để giải quyết tốt các bài toán của nước mình, của nhân loại, thì nước đó sẽ chiến thắng trong cạnh tranh. “Nhân lực sẽ là một lợi thế nếu chúng ta giải quyết bài toán cung cầu nhân lực giữa nhà trường và thị trường, đổi mới đào tạo để đáp ứng sự thay đổi của thời đại”, ông Hùng nói.
Rồi ông Hùng nêu một loạt câu hỏi: “Đầu ra của nhà trường là doanh nghiệp, nhưng nhà trường đã hiểu doanh nghiệp, đã bám theo doanh nghiệp để thiết kế sản phẩm của mình chưa? Để có nhân lực tốt cho mình, doanh nghiệp đã tham gia cùng nhà trường để thiết kế sản phẩm chưa? Hay 2 đối tượng này vẫn rất xa nhau và đổ lỗi cho nhau? Đã đến lúc tuy 2 mà 1 chưa?”.
Theo ông Hùng, công nghệ không ngừng thay đổi, và cách tốt nhất để đáp ứng là học cả đời. Bởi vậy, doanh nghiệp không chỉ là người sử dụng lao động mà còn là người liên tục đào tạo lao động. Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là nhân lực thì doanh nghiệp phải đầu tư vào nguồn tài nguyên này. “Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam đã coi đây là một khoản đầu tư, như là đầu tư cho máy móc, thiết bị chưa?”, ông Hùng tiếp tục nêu câu hỏi, rồi gợi mở: “Chi cho đào tạo từ 5 – 10% chi phí lương là con số mà ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng. 5 – 10% đối với một doanh nghiệp như Viettel thì tức là 500 tỷ đến 1.000 tỷ đồng/ năm phải chi cho đào tạo. Với một nguồn chi lớn như vậy thì lại tạo ra thị trường cho nhà trường và giúp cho nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo”.
Ông Hùng đề nghị: “Chúng ta cần có các tổ chức độc lập đánh giá chất lượng đào tạo của các trường đại học, đánh giá tỷ lệ có việc làm của sinh viên ra trường, đánh giá mức lương qua các năm của sinh viên các trường, xếp hạng các trường đại học. Đây sẽ là một thông tin rất tốt cho thị trường và cũng là động lực để thúc đẩy các trường nâng cao chất lượng đào tạo”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.