* Việt kiều không lo bị mất quốc tịch
Hôm qua, Ủy ban Thường vụ QH thảo luận cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung của luật Dược.
Thẩm tra về tờ trình và dự thảo luật Dược sửa đổi, Ủy ban Các vấn đề về xã hội cho biết hiện đang có 2 luồng ý kiến về cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về giá thuốc. Ý kiến thứ nhất là đề nghị giao Bộ Y tế như quy định của luật Dược hiện hành, trong đó có quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Công thương trong việc phối hợp. Ý kiến thứ 2 là giao Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện phương pháp xác định giá thuốc, Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý chuyên ngành về giá thuốc. Thường trực Ủy ban nhất trí với ý kiến thứ nhất và đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ liên quan.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng theo quy định hiện hành thì Bộ Y tế đang phải chịu trách nhiệm trong cả một chuỗi khép kín về thuốc, từ an toàn, hiệu quả, cấp phép, nhập khẩu, phân phối, sử dụng đến đấu thầu nên không thể quản lý tốt về giá được, chưa kể năng lực đội ngũ y tế sẽ không đảm đương được về quản lý thị trường... Khi được hỏi ai là cơ quan chịu trách nhiệm cuối cùng, Bộ trưởng Tiến cho rằng phải là Bộ Tài chính.
Trong khi đó, đại diện Bộ Tài chính cho rằng về nội dung này Chính phủ đã họp nhiều lần và đánh giá là Bộ Y tế làm rất tốt. “Hiện nay thuốc có tới hàng chục ngàn loại, hỏi tên chúng tôi đọc còn không nổi thì làm sao mà quản lý được”, vị này cho hay.
Nêu quan điểm về dự thảo luật này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng hiện nay mỗi năm VN phải chi tới 60.000 tỉ đồng để nhập thuốc, nhập tới 90% máy móc thiết bị sản xuất thuốc: “Luật đáng lẽ phải tạo ra sự đột phá trong công nghiệp sản xuất thuốc nhưng lại bỏ quên không nêu, nhiều khâu khác cũng không rõ. Mỗi bộ mà làm một bộ luật như thế này thì triệt tiêu cả sự phát triển”, Chủ tịch QH nói. Ông cũng chỉ rõ sản xuất thuốc, buôn bán xuất nhập khẩu là thuộc trách nhiệm Bộ Công thương, thiếu thuốc thì bộ này phải chịu: “Dự luật này chưa có vai trò tác dụng gì trong phát triển ngành dược nên để lùi lại không trình ở kỳ họp này mà chuẩn bị cho kỹ hơn”, Chủ tịch QH chốt lại.
* Cùng ngày, thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 điều 13 luật Quốc tịch VN, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết Bộ Chính trị cũng đồng ý chủ trương sửa đổi khoản 2 điều 13 luật Quốc tịch VN theo hướng bỏ thời hạn đăng ký quốc tịch và đề nghị làm rõ và bổ sung thêm điều kiện nhập quốc tịch, thủ tục nào phiền hà thì bỏ đi để giúp người dân đăng ký quốc tịch được thuận lợi hơn. Theo quy định tại khoản 2 điều 13 luật Quốc tịch năm 2008, người VN định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch VN trước ngày luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch VN và trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày luật có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện VN ở nước ngoài để giữ quốc tịch VN. Theo quy định này, thời hạn đăng ký giữ quốc tịch sẽ kết thúc vào ngày 1.7.2014.
Thái Sơn
>> Quốc hội quyết định sai thì nhận khuyết điểm chứ không kỷ luật được
>> Nhiều dự án luật được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7
>> Thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Luật Dược và Luật Đường sắt
>> Quốc hội thảo luận dự án Luật Dược: Giá thuốc - nỗi lo chưa dứt
Bình luận (0)