Hai chị em gái cả mùa hè chỉ ở bên chiếc giường của bố

03/07/2018 14:01 GMT+7

Mùa hè lại đến, những đứa trẻ khác được gia đình đưa đi chơi khắp nơi nhưng chị em Phượng và Như có một mùa hè thật khác. Mùa hè bên chiếc giường của bố, bởi không thể biết được còn bao nhiêu mùa hè còn có bố..

Làm hết sức để lo cho con
Chúng tôi đặt chân vào căn phòng trọ dưới tầng hầm của gia đình hai chị em Trần An Phi Phượng (11 tuổi) và Trần An Diễm Như (10 tuổi) ở hẻm 17 đường Hùng Vương (Phường 10, TP.Đà Lạt) mà ai cũng thấy ngột ngạt, bởi ẩm mốc sau những cơn mưa "đặc sản" của thành phố ngàn hoa.
Trên chiếc giường bệnh là anh Trần Như Thanh (50 tuổi, cha của hai bé) - người đàn ông dáng vẻ gầy gò, khuôn mặt khắc khổ hiện rõ sự đau đớn mỗi lần cử động. Ngồi bên cạnh là 2 gương mặt nhỏ luôn hiện rõ nụ cười ngây thơ của 2 cô con gái.
VIDEO: Ước mong kéo dài sự sống bên con của người cha ung thư
Ngày nhỏ, Phượng bị hạch chạy ở cổ và bướu máu ở cánh tay. Để có tiền chữa trị cho con, ngoài giờ phụ hồ ban ngày, ban đêm anh Thanh còn xin làm thêm tô tường. Chị An Thị Thu Ngà (42 tuổi, vợ anh) ban ngày đi giúp việc, ban đêm lại bán bánh tráng nướng ở hội trường. Từng đồng kiếm được anh chị chắt chiu dành hết để lo chữa trị cho con.

Vậy nhưng, bản thân chị Ngà cũng mang bệnh tim thiếu máu cục bộ mãn tính, rối loạn tiền đình và loét bao tử. Bi kịch đẩy cả gia đình xuống vực thẳm khi anh Thanh phát hiện bị ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối.
Nói về bệnh tình của chồng, chị Ngà lắc đầu: "Tại gia đình tôi không có điều kiện đi TP.HCM để khám bệnh sớm, chứ không thì chắc khi phát hiện bệnh của chồng cũng không ở mức giai đoạn C như thế này".
Bệnh này muốn khỏi cũng không khỏi
Chỉ vài tháng sau khi phát hiện bị ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối, sức khỏe anh Thanh ngày càng yếu đi. Phần vì gia đình khó khăn không có tiền chữa trị, phần vì nhìn vợ đang mang trong người đủ thứ bệnh lại phải gắng gượng hết sức để chăm sóc cho mình, chăm sóc cho hai con nhỏ khiến anh càng thêm đau lòng, tình thần suy sụp.
"Gia đình giờ cũng khó khăn quá, tôi là lao động chính giờ nằm một chỗ, con cái thì nhỏ, vợ thì đau yếu suốt đi bán thì có ngày được khoảng 100.000 đồng. Nằm một chỗ nhìn vợ ngày đêm nai lưng đi làm, tôi thấy mình bất lực lắm, nhưng biết làm gì hơn...", anh Thanh nói bằng giọng yếu ớt.
Chị Ngà đang rửa vết thương cho anh Thanh
Chị Ngà cũng tâm sự, nhiều lần chị định đi làm công việc khác để có nhiều tiền hơn về lo cho chồng con nhưng sợ không chủ động thời gian để chăm chồng nên lại thôi. Chị nhìn vô định về khoảng sân phía trước rồi thở dài: "Tôi biết ảnh không còn sống được bao lâu nữa, nhưng chỉ mong có thể chữa trị kéo dài thêm để ảnh có thể ở bên con được ngày nào hay ngày đó". 
Cuộc sống gia đình khó khăn là vậy nhưng chị em Phượng, Như vẫn cố gắng học tập. Ngoài giờ học, hai em chỉ ở nhà phụ giúp ba mẹ, vì cả hai em đều hiểu rằng thời gian còn được có ba trong đời chỉ còn là hữu hạn.
Khi chúng tôi hỏi, hai em có mong ước gì không, Phượng hồn nhiên trả lời: "Con chỉ mong ba con khỏe lại để mẹ bớt khổ". Nói rồi em nhìn vào ánh mắt ba, anh Thanh thấy vậy lảng nhìn đi chỗ khác để giấu đi những giọt nước mắt đang chực rơi...
Chị Ngà đang dọn dẹp nhà cho chủ
Đợi hai bé đi ra ngoài, anh Thanh mới bộc bạch: "Tôi chỉ ước mong sao có tiền để chữa bệnh, dù tôi biết bệnh của tôi được ngày nào hay ngày đấy. Nhưng tôi mong có tiền đưa hậu môn nhân tạo xuống để sống với các con cho qua ngày. Tôi mà chết rồi, người vợ không chồng, hai đứa trẻ không cha biết phải làm sao..."
Cứ vậy, suốt mấy năm ròng, nào là thuốc men, tiền chữa trị và miếng cơm của 4 miệng ăn đổ lên đôi vai gầy của chị Ngà. Dù chị luôn cố gắng làm hết mọi việc có thể nhưng không biết đôi vai của người đàn bà ấy sẽ gượng được đến khi nào.
Chào tạm biệt cả gia đình, chúng tôi đi về trong cơn mưa ban chiều là "đặc sản" hàng ngày của Đà Lạt mùa này, nhìn mẹ con Phượng ngồi cạnh nhau ở trong căn phòng ẩm thấp, chúng tôi tự hỏi, tối nay cả nhà ăn gì cho qua cơn đói...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.