Ngày về buồn bã
Bấy giờ nhiệm sở tác chiến đã giải tán từ lâu nhưng tới giờ tôi mới rời được đài chỉ huy. Trên hành lang xuống nơi nghỉ ngơi, tôi chứng kiến một sự nhớp nhúa kinh hoàng sau chiến trận. Do hệ thống quạt hút và quạt thổi bị trúng đạn hư hỏng hoàn toàn nên hành lang bên dưới tàu nóng hầm hập, tanh đến ngộp thở: mùi máu, mùi cồn, bông băng nhuộm máu…
|
Chuyên đề: 40 năm hải chiến Hoàng Sa
>> Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân (kỳ 5)
>> Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân (kỳ 4)
>> Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân (kỳ 3)
>> Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân (kỳ 2)
>> Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân (kỳ 1)
Mấy ngày liền không có thời gian thu dọn, hơn 180 thủy thủ đoàn bám chặt nơi vị trí chiến đấu, giờ mọi người đều mệt mỏi, nằm đâu ngủ đó.
Không cơm, các chiến sĩ chỉ cầm hơi qua ngày với mì gói, lương khô và nước ngọt. Các chiến sĩ Biệt hải mệt mỏi nằm rải rác trên hành lang phòng ăn. Ở phòng y tế, các chiến sĩ người nhái nằm la liệt, một chiến sĩ bị đạn bắn thủng cằm từ trái qua phải, mặt sưng vù, ngồi bất động, máu không còn chảy ra nữa nhưng từ khóe miệng những vệt máu lẫn nước bọt vẫn rỉ ra.
Xác thiếu úy Xá nằm trên băng ca ở trung tâm phòng tai. Cả người ông được đắp một tấm drap trắng toát. Tôi kéo tấm drap, buồn bã nhìn lần cuối cùng khuôn mặt người đồng đội mình.
Khoảng 16 giờ 30, tôi đang ở trong giấc ngủ sâu, mấy hôm rồi không chợp mắt, ngồi đâu ngủ đó thì còi tập hợp vang lên, tất cả thủy thủ đoàn tập trung đầy đủ nơi sân lái. Đại úy Diên và thượng sĩ 1 giám lộ Ry (quản nội trưởng) thông báo: “Tất cả chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, tàu sẽ quay lại Hoàng Sa, nếu cần sẽ ủi thẳng lên bờ đảo Hoàng Sa chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để giữ đảo”, rồi ông ra lệnh giải tán.
Nhìn sau lái tàu tôi thấy vệt nước đã quay sang phải 90 độ. Tôi biết tàu đang hướng thẳng về Hoàng Sa. Tất cả không ai nói với ai một lời nào và đâu đó trong thủy thủ đoàn một câu nói được thốt ra: “Dù sao đánh nhau với Trung Cộng nếu có chết cũng vinh quang hơn là đánh nhau với Việt Cộng.”
Trên đường lên đài chỉ huy, trên boong tàu, xạ thủ các khẩu đội pháo đều ráo riết thông nòng súng chuẩn bị đạn sẵn sàng cho một trận tử chiến.
Lên đến đài chỉ huy, vì quá mệt mỏi nên chẳng nghe đến lời báo cáo của Hạm trưởng về Bộ tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên hải, tôi vào phòng hải đồ phía sau đài chỉ huy mệt lả và thiếp đi. Đến khi thức dậy thì trời đã tối hẳn, trung sĩ nhất giám lộ Khiết cho tôi biết mình đang quay đầu về Đà Nẵng. Anh nói Hạm trưởng San đã báo cáo thẳng với Tư lệnh Hải quân về việc HQ-4 không còn khả năng chiến đấu, lương thực cạn, cơ số đạn không đủ để tác chiến, các khẩu đại bác đều trở ngại tác xạ.
Lúc bấy giờ, còi báo động lại vang lên, tin tức từ trung tâm hành quân (hệ thống ra đa, hệ thống tác chiến báo sau khi được sửa chữa đã trở lại hoạt động bình thường) cho biết địch đang triển khai đội hình với sự yểm trợ của phi cơ và các tàu cao tốc được trang bị hỏa tiễn Styx (tức P-15 Termit - TNO). Trung tâm tác chiến báo được lệnh làm việc tích cực hơn, ra đa hoạt động với tần suất cao, tất cả các khẩu súng đều chĩa hẳn lên bầu trời. Chúng tôi được gấp rút trang bị mỗi người một khẩu M16, các chiến sĩ Biệt hải và người nhái đều lên boong tàu sẵn sàng chiến đấu. Thời gian lặng lẽ trôi qua.
Hạm trưởng Ngụy Văn Thà cùng con tàu HQ-10 đã nằm lại giữa biển khơi - Ảnh: Tư liệu
Trong tập hồ sơ tối mật mà ngành giám lộ lưu giữ, có hình ảnh rõ ràng do hải quân Mỹ cung cấp về lực lượng hải quân Trung Quốc. Một số chiến hạm hiện đại của hải quân Trung Quốc được Liên Xô trang bị, trong đó có Komar là tàu cao tốc hạng nhẹ có tốc độ 35 hải lý/giờ, được trang bị hai giàn hỏa tiễn Styx.
Trong cuộc chiến Sáu ngày ở Trung Đông 1967, trong một trận hải chiến giữa hải quân Do Thái và hải quân Ai Cập tại vùng biển Địa Trung Hải, hai tàu Komar đã đánh chìm khu trục hạm INS Eilat tối tân của Do Thái. Ngoài ra, hải quân Trung Quốc còn có một số xuồng cao tốc tên lửa tối tân hơn là Osa (trang bị 4 gàn tên lửa hải đối hải Styx, có căn cứ tại Hải Nam và đảo Phú Lâm (thuộc cụm An Vĩnh của quần đảo Hoàng Sa).
Lúc 5 giờ 30 sáng 20.1, HQ-4 về đến cảng Tiên Sa. Hạm trưởng San lệnh cho tôi chuẩn bị đem máy thu âm kết nối vào các loa phóng thanh trên tàu. Khi cập cảng xong, loa phát ra bài “Chiến thắng Vân Đồn”. Bài hùng ca ca ngợi danh tướng Trần Khánh Dư trong trận hải chiến với quân Nguyên Mông, đập tan đoàn tàu tiếp tế lương thảo của đạo thủy quân do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy trong trận Vân Đồn. Anh em chúng tôi sau mấy ngày chiến đấu chịu lạnh giá bởi thời tiết mùa đông (hôm đó đã là ngày 28 tháng Chạp âm lịch), đói khát, mệt mỏi nhưng khi nghe bản hùng ca vang lên từ hệ thống loa phóng thanh thì cũng cảm thấy tâm hồn lâng lâng một niềm vui khó tả, một niềm tự hào dân tộc: “Đây Vân Đồn ngày xưa với tiếng reo oai hùng của đoàn quân bách chiến Việt Nam. Bao quân thù gục chết máu nhuộm hồng dòng nước, tiếng reo hò mừng chiến thắng về ta. Đây Vân Đồn ngập sóng, gương anh hùng liệt oanh, nhắc chúng ta chiến công ngày trước, nhớ gương Trần Khánh Dư, quyết noi theo anh hùng năm xưa”. Đây là bản hùng ca được Hạm trưởng San chọn làm nhạc hiệu cho HQ-4, được phát thanh hằng ngày sau khi chào cờ xong.
Trên cầu tàu, các xe cứu thương đã chờ sẵn. Cầu thang được bắc xuống, các bác sĩ quân y và y tá nhanh nhẹn chạy lên tàu để chuyển xác tử sĩ và thương bệnh binh đi viện. Tiếp theo, nhiều đoàn xe quân sự của Tư lệnh vùng I chiến thuật - Trung tướng Ngô Quang Trưởng - xuống tàu thăm viếng. Đến hơn 9 giờ, HQ-5 tiến vào vịnh Đà Nẵng. Trên vịnh Đà Nẵng, một số chiến hạm được lệnh ra Hoàng Sa nhưng đang trên đường đi thì trận đánh đã nổ ra nên được lệnh vào vịnh Đà Nẵng nằm chờ lệnh.
Lúc 12 giờ 30, HQ-16 đang bị thương nặng từ từ tiến vào vịnh với sự trợ giúp của hai tàu lai dắt biển. Chiến hạm nghiêng hẳn về bên phải, hông tàu nơi hầm máy bị thủng một lỗ thật lớn, cột cờ an-ten gãy sụp xuống boong tàu.
Tiểu đội thủy thủ tàu HQ-16 đổ bộ ngay trong đêm 19.1 đã lặng lẽ lên phao bè rời đảo Hữu Nhật (Robert). Lênh đênh trên biển tới 15 ngày, họ mới được ngư dân vùng Bình Định cứu đưa vào bờ. Tất cả đều bị phỏng nắng và ngất lịm vì thiếu nước, lương thực, trong đó có một hạ sĩ quan chết vì kiệt sức.
Tiểu đội thủy thủ tàu HQ-4 nằm lại đảo Quang Ảnh, sang hôm sau bị đông đảo lực lượng Trung Quốc đổ bộ lên đảo, với sự yểm trợ của tàu chiến và phi cơ MiG-21, bắt sống.
Quân đồn trú trên đảo Hoàng Sa và nhân viên đài khí tượng bị bắt làm tù binh, mấy tháng sau được Trung Quốc trao trả qua địa giới Trung Quốc - Hồng Kông.
Hộ tống hạm HQ-10 bị đánh chìm với thủy thủ đoàn còn lại hơn 40 người đã anh dũng hy sinh.
Trận hải chiến chấm dứt để lại bản hùng ca bi thương; 74 quân nhân tử trận, một số bị thương và bị bắt.
Giờ đây ghi lại những dòng hồi ký này để tưởng nhớ các chiến sĩ vị quốc vong thân, cầu mong linh hồn các anh được phiêu du nơi lạc cảnh và có một điều tôi muốn nói với các anh là: “Lịch sử bao giờ cũng công bằng cho tất cả mọi người; rồi một ngày nào đó các anh cũng được phục hồi danh dự”.
Cả ngày 20, 21 và 22.1.1974, tàu được sửa chữa khẩn cấp, đạn dược, nhiên liệu, lương thực được bổ sung đầy đủ chuẩn bị cho một trận tái chiếm Hoàng Sa.
Tối 22.1 (đêm 30 Tết âm lịch), anh em thủy thủ đoàn cả ba tàu còn lại được dự buổi liên hoan văn nghệ cuối năm theo truyền thống trên cầu tàu. Giữa mâm cao cỗ đầy nhưng ai nấy đều buồn bã không thiết gì đến ăn uống. Mọi người vẫn hết sức lo lắng cho số phận đồng đội còn lại trên đảo hay đang trôi dạt trên sóng biển trong những ngày Tết. Ai cũng hồi tưởng lại trận hải chiến bảo vệ lãnh thổ vừa qua và đau xót trước một thực tế, dù đã cố gắng hết sức cũng không thể giữ được mảnh đất thiêng liêng mà tổ tiên để lại. Nỗi đau ấy vẫn làm quặn thắt trái tim chúng tôi dù đã 35 năm trôi qua.
Lữ Công Bảy
(Hoàn tất 15.1.2009 - bổ sung tháng 11.2011)
>> Hồ sơ ngoại giao Mỹ về Hải chiến Hoàng Sa - Kỳ 3: Toan tính của Trung Quốc
>> Hồ sơ ngoại giao Mỹ về Hải chiến Hoàng Sa - Kỳ 2: Hoàng Sa ở Hội đồng Bảo an LHQ
>> Hồ sơ ngoại giao Mỹ về Hải chiến Hoàng Sa - Kỳ 1: Bàn cờ nước lớn
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 5: Mùa xuân nhớ con anh hùng
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 4: Cuộc trở về của Nguyễn Văn Lanh
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 3: 1.000 ngày bị địch bắt
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 2: Anh hùng đất Việt
>> 25 năm hải chiến Trường Sa
Bình luận (0)