Hai cô gái lên núi 'cõng' chè đâm về Thủ đô

01/12/2016 19:19 GMT+7

Chè đâm của dân tộc Thái vốn là đặc sản ở H.Quỳ Hợp, Nghệ An, được trồng ở trong bản Hạt, xã Châu Thái, cách thị trấn vài chục cây số đường rừng. Thế nhưng nó đã về tới Thủ đô, nhờ hai cô gái xinh đẹp.

Bỏ nghề đi theo chè
Đó là hai cô gái sống ở Hà thành. Một cô có tên rất lạ: Phốm. Tuy nhiên đó lại là tên cái quán chè nhỏ mà cô là chủ nhân. Còn tên thật của cô là Phạm Minh Hậu, 31 tuổi, từng là phóng viên một tờ báo nhưng vì yêu chè đâm nên đã bỏ nghề mở quán Phốm (tên đầy đủ là Phốm Hóm, nghĩa trong tiếng dân tộc Thái là “nàng tóc thơm”). Bây giờ nhiều người gọi luôn tên cô là Phốm. Cô gái khác tên Trần Thị Lý, 26 tuổi, chỉ là một người quen biết của Phốm, đang làm kế toán cho một công ty, nhưng vì sức hút của chè đâm đã bỏ nghề, theo gót Phốm.
Kể lại chặng đường đưa chè về Hà Nội, Phốm cho biết: hơn 2 năm trước, trong một lần đi công tác, Phốm được một người bạn đưa ra hồ Thung Mây, uống chè đâm Quỳ Hợp, lần đầu tiên cô gái trẻ biết đến vị chan chát, thanh khiết của đồ uống lạ lẫm này. Một lần khác, trong một lần đi tìm lá thuốc, cô được già làng dẫn tới bản Hạt, xã Châu Thái, thật tình cờ, đây chính là cội nguồn của chè đâm. Được hái chè, đâm (giã ) chè và thưởng thức chè cùng những người dân tộc Thái, Phốm đem lòng yêu mến thức uống tinh túy này, cô dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về nó.
Nhờ sự giúp đỡ của những người bản xứ, một thời gian sau, Phốm quán ra đời ở một góc nhỏ phố Nguyên Hồng. Thức uống của người Thái đã chinh phục những cư dân thành phố vốn quen với trà sữa, nước có ga… Mới đây, Phốm quán được dời về số 12 ngách 89 ngõ Thịnh Quang, Ngã Tư Sở. Đây là không gian yên tĩnh hơn, trầm mặc hơn, đúng tính chất không gian thưởng thức chè.
Bán chè “tùy hỉ”
Phốm quán “kỳ thị” túi nilon và các đồ dùng có hại với môi trường. Phốm đi nhặt nhạnh cánh cửa bỏ đi, chiếc thang gỗ cũ, cái lờ đánh cá, hòn sỏi ven đường về trang trí cho không gian của mình. Quán chỉ có một chiếc bàn dài, trải khăn thổ cẩm để khách ngồi quây quần, uống chè, làm quen với nhau. Chè được bà con dân bản Thái ngắt cành từ chiều hôm trước, bọc lá chuối, gửi ô tô xuống Hà Nội qua đêm, sớm hôm sau những cành chè tươi ngăn ngắt đã đến tay Phốm. Hai cô gái nhặt những lá và thân chè, rửa sạch, lọc qua nước muối, bỏ vào ống tre và dùng cối gỗ đâm liên tiếp. Chè mịn thì đổ thêm nước lọc đã đun sôi để nguội, rây bã, chắt nước ra chén, thế là đã có thức uống xanh ngát, thơm mùi lá.
Quán của Phốm bây giờ không thu tiền khách đến uống chè, trừ khi họ mua nhiều mang về. Quán có một chiếc hộp có chữ “tùy hỉ”, tùy tâm người uống bỏ vào, Phốm và bạn bè dùng tiền đó để ủng hộ những số phận khó khăn mỗi nơi cô đi qua. Vì cái sự lạ ấy, Phốm quán ngày càng có nhiều khách mới hơn, đa phần là những người trẻ hưởng ứng cách ăn xanh, sống sạch, thân thiện với môi trường.
Mới đây, chè đâm của Phốm được chọn lựa để trình diễn trong tuần lễ di sản VN tại ngôi nhà cổ 87 Mã Mây. Khách Nhật, Pháp, Đan Mạch đều trầm trồ khi xem Phốm và Lý mặc đồ dân tộc Thái đâm chè. Chè đâm nhâm nhi cùng một chút kẹo cu đơ Hà Tĩnh, hoặc pha thêm chút mật mía, mật ong càng thơm ngon.
Ông Nguyễn Cao Sơn, nghệ nhân trà, người có một trà thất nổi tiếng tại phố Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân cho hay, ông cực kỳ cảm kích trước tấm lòng dành cho lá chè Việt của Phốm. “Cô gái ấy đã cho chúng ta thấy rằng, người trẻ vẫn đang ngày ngày gìn giữ những nét đẹp văn hóa VN, dù cuộc sống ngày càng xô bồ, bận rộn”, ông Sơn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.