Nữ phóng viên Hà Nội nghỉ nghề để gìn giữ chè đâm Quỳ Hợp

28/11/2016 09:56 GMT+7

Khi Phạm Minh Hậu, 31 tuổi chia tay nghề phóng viên để chuyên tâm cho chè đâm khiến nhiều người ngạc nhiên khi còn chưa biết chè đâm là gì.

Chè đâm là đặc sản của huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Nghĩa là lá chè, cành chè, hay còn được gọi là cội chè được ngắt ra, cho vào một ống tre lớn, dùng một thanh gỗ khác làm chày, vát một đầu để đâm mạnh, liên tục cho đến khi cảm nhận được đầu chày sự mịn, dính của lá chè thì ngừng.
Đổ nước lọc đun sôi để nguội vào ống tre, lắc đều, sau đó rây qua một cái rổ tre, hứng được phần nước xanh mướt, thơm ngan ngát, có thể uống liền, đó chính là chè đâm.
[VIDEO] Nàng Phốm rước chè đâm xứ Nghệ về Hà Thành - THỰC HIỆN: THANH TÂM - THÚY HẰNG
Chè đâm có màu xanh ngắt ẢNH: THANH TÂM
Duyên cớ để Hậu biết đến chè đâm dù quê hương cô không hề ở Quỳ Hợp đó là 2 năm trước, một lần công tác, bạn cô ở đây đưa cô đến hồ Thung Mây thưởng thức chè đâm. Cô gái uống thử thứ nước xanh như ngọc, ngai ngái, chan chát nơi đầu lưỡi và tỏ ra khá thích thú.
Duyên số cho Hậu được uống chè đâm lần thứ 2 khi một lần đi tìm lá thuốc, cô được một già làng dẫn đến bản Hạt, xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An, không ngờ đây mới chính là thủ phủ của chè đâm. Nơi đây, bà con dân tộc Thái uống chè đâm mỗi ngày, họ trồng chè xung quanh nhà, làm hàng rào, vừa đẹp nhà lại làm thức uống xanh, sạch.
Hậu được vào rẫy hái chè với bà con dân bản, lần đầu tiên cô được tận tay cầm chiếc chày, đâm vào ống tre, lọc ra thứ nước xanh ngăn ngắt.
Lá chè mọc trên núi bản Hạt, Quỳ Hợp Nghệ An ẢNH: THANH TÂM
Lá chè mọc trên núi bản Hạt lớn lên bằng sương, nước mưa, ánh nắng mặt trời, không được phun, tưới bất cứ một chất nào khác nên tươi xanh, thuần khiết. Nước pha chè cũng là nước suối trong văn vắt, chính vì lẽ ấy, chén chè đâm uống tại bản Hạt tinh túy vô cùng. Từ giây phút ấy, Hậu, cô gái miền xuôi biết mình đã phải lòng chè đâm.
Cô trở về Quỳ Hợp nhiều lần hơn, để tìm hiểu cụ thể về chè đâm, học hỏi văn hóa đâm chè, uống chè của vùng đất này.
Nhờ sự giúp đỡ của những người bạn khắp nơi, trong đó có nhiều người dân bản xứ, Hậu mở một quán chè đâm ở phố Nguyên Hồng, Hà Nội. Quán lấy tên Phốm Hóm, trong tiếng Thái có nghĩa là nàng tóc thơm. Cái tên độc đáo dần trở lên thân thuộc với bạn bè bà chủ, khiến sau đó người ta quên luôn cái tên Hậu, mà gọi cô là Phốm.
Phạm Minh Hậu, được gọi với cái tên “Nàng Phốm” ẢNH: THANH TÂM
Phốm Hóm được trang trí theo phong cách lạ, bụi bặm, cho phép người ta ngồi uống chè đâm có thể nghe tiếng còi xe, phương tiện đi lại nườm nượp ngoài đường. Mới đây, Phốm quán được chuyển về số nhà 12 ngách 89 ngõ Thịnh Quang, Ngã Tư Sở, đây là một không gian hoàn toàn khác so với quán cũ.
Nhà ở sâu trong ngõ nên yên tĩnh vô cùng. Hậu nhặt nhạnh những đồ bỏ đi nơi khác, khi là hòn đá, lúc là chiếc lá cây, cánh cửa gỗ, chiếc thang hỏng… để về trang trí cho quán của mình. Bước vào Phốm quán lúc này, người ta như lạc vào một không gian khác, tĩnh tại hơn, trầm lắng hơn.
Phốm quán là nơi bạn bè đến để chia sẻ lối sống thuận tự nhiên
ẢNH: THANH TÂM
Một chiếc bàn dài trải khăn thổ cẩm giữa nhà, những chiếc ghế kê xung quanh, khách hàng, dù quen hay lạ cũng ngồi quây quần ở đây, quanh chén chè đâm, họ tự giới thiệu về mình, tự kể câu chuyện của mình để trước lạ sau quen. Lúc đầu, Hậu không lắp wifi cho quán, vì sợ mọi người đến lại ôm laptop, smart phone, không còn giao tiếp với nhau nữa. Sau này thì chè đâm có sức lôi cuốn hơn tất thảy, người ta mặc kệ công nghệ, tay xoay chén chè và hàn huyên đủ chuyện trên trời dưới bể.
Khách hàng của Phốm quán là những người thích cuộc sống xanh, sạch, gần gũi với môi trường. Người ta đến thưởng chè, ngoài việc được trải nghiệm một đồ uống mới, họ còn được nói chuyện với nhau về thực phẩm chay, về sự nhân ái trong kiếp người xô bồ.
Phốm quán bấy lâu nay không thu tiền khách đến, chủ quán có một cái hộp tùy hỉ, ai đến uống chè bỏ tiền vào tùy tâm, tiền sẽ để dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn mà Phốm quán và những người bạn gặp được trên hành trình của mình.
Hộp tuỳ hỉ để khách uống chè bỏ tiền vào tuỳ tâm ẢNH: THANH TÂM
Chè đâm kén người đâm, không phải ai đâm cũng được. Đâm chè cần sự bình an, tĩnh tại trong tâm hồn, thế thì nhát chày mới đều, chè mới mịn, cho ra nước màu xanh ngắt. Đâm chè lúc giận dữ và cáu gắt, chè chỉ giập nát chứ không nhuyễn, mịn, dễ cho ra thứ nước chè đỏ quạch. Uống chè đâm cũng cần khoan thai, chén đầu tiên có thể chưa quen, thấy chát đắng nhưng từ các chén sau, thấy sau cái đắng là cái ngọt.
Chè đâm có thể pha thêm một chút mật ong, mật mía, trộn cùng sữa, ca cao… cho ra những thức uống lạ, thơm ngon, tuy nhiên, sau khi đã thử hết những vị lạ, người ta thấy chè đâm nguyên bản là ngon lành nhất, thuần túy nhất.
Chè đâm có thể uống chung với mật ong, mật mía ẢNH: THANH TÂM
Mới đây, chè đâm của Phốm được chọn lựa để trình diễn trong tuần lễ di sản VN tại ngôi nhà cổ 87 Mã Mây. Khách Nhật, Pháp, Đan Mạch đều trầm trồ khi xem Phốm và cô em gái mặc đồ dân tộc Thái đâm chè. Chè đâm nhâm nhi cùng một chút kẹo cu đơ Hà Tĩnh, để cái chát của chè được hài hòa trong cái cay của gừng, ngọt của đường, để tất cả trở nên dễ chịu vô cùng.
Ông Nguyễn Cao Sơn, nghệ nhân trà, người có một trà thất nổi tiếng tại phố Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân cho hay ông cực kỳ cảm kích trước tấm lòng dành cho lá chè Việt của Phốm.
Riêng Phốm, cô bộc bạch, thời gian tới cô và những người bạn của mình sẽ tiếp tục phát triển chè đâm để thức uống này phổ biến trong người trẻ, giống như trà sữa, trà matcha Nhật Bản. Vì chè đâm thanh khiết, tốt cho gan, đẹp da, cân bằng âm dương tại sao chúng ta không uống nó mỗi ngày?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.