Hai đứa trẻ trong phiên tòa xử vụ bố chết sau khi cãi CSGT

30/12/2015 08:57 GMT+7

Bách nói: “Vì em muốn biết trên báo nói có đúng sự thật bố chết sau khi cãi nhau với cảnh sát không. Và vì bố là thần tượng của em, em không tin bố có thể bị đánh chết…”.

Sau khi vụ án được đem ra xét xử hôm 23.12, tôi quay trở lại căn nhà của ông Chín. Còn nhớ lần đầu đến đây là hôm đám tang ông, trên những chiếc bàn dành cho khách đến viếng không có bánh trái, hạt dưa mà là những tờ báo được in ra nói về cái chết của một người sau khi bị CSGT đo nồng độ cồn.
"Em nhớ nhất là mỗi tối được về chơi Candy Crush với bố"
Hơn một năm trước, khi đọc báo thấy câu chuyện này, tôi đã tìm đến nhà để viếng và chia buồn với gia đình ông Chín. Hình ảnh ám ảnh tôi nhất có lẽ là bà Thảo vợ ông ngồi thẫn thờ nhìn di ảnh chồng. Nước mắt bà không rơi nhưng đôi mắt ấy vô hồn và ráo hoảnh. Ai đi ngang vỗ vai dặn dò ráng giữ sức khỏe bà cũng chỉ gật gật nhè nhẹ. Sau này tôi mới nghe Thông – con trai lớn của ông Chín - kể lại: “Lúc bố mất là hai người đang giận nhau nên mẹ sốc dữ lắm.”
Theo sát câu chuyện gia đình ông Chín, chính bản thân tôi cũng không hiểu động lực nào khiến cả ba con người ấy lại kiên trì đến vậy. Bà Thảo thì gác lại nỗi đau mất chồng, chạy đôn chạy đáo đi tìm luật sư, chật vật với hàng trăm giấy tờ kiện tụng mà trước đó chưa bao giờ đụng đến. Còn Thông giấu nhẹm nước mắt vào trong mà bước vào kỳ thi đại học. Cậu nói đã hứa với bố sẽ đậu: “Đâu ai ngờ ước nguyện của bố sau một đêm trở thành di nguyện. Ngay cả khi chạy lên thăm bố trong bệnh viện vẫn không tin đó là lần cuối cùng”.
Năm đó, Thông đậu đại học như bố cậu mong ước. Nhưng điều bố cậu hứa sẽ mua xe và hai bố con sẽ cùng tập lái chỉ còn lại là nhang khói nơi bàn thờ. Người bố ấy đã chết vì bể ruột sau một ngày rời khỏi nhà như bình thường.
Sau khi ông Chín mất, ngôi nhà trong con hẻm trên đường Quang Trung im ắng hẳn. Người ta bước vô nhà bỗng thấy ngần ngại với bàn thờ được dựng lên khi gương mặt người trong ảnh còn quá trẻ. Bà Thảo vẫn đi làm và tiếp tục chiến đấu cho cái chết của chồng. Thông và Bách tiếp tục học, tối về lại quẩn quanh chơi cùng nhau.
Bách, 11 tuổi, là con út cũng là đứa được bố cưng nhất. Vừa chơi game, Bách vừa kể: “Em nhớ nhất là mỗi tối được về chơi Candy Crush với bố. Từ ngày đó tới giờ, em chưa xóa nhưng cũng không còn chơi nữa. Em chơi trò khác. Mỗi lần nhớ bố em lại chơi game. Như lúc này…”.
Tôi còn nhớ ngày tòa xét xử, chủ tọa đã hỏi bà Thảo cân nhắc cho Bách dự phiên tòa vì em còn quá nhỏ, có thể sẽ ảnh hưởng phát triển tâm lý của em về sau. Mọi ánh mắt đổ dồn về Bách và trước mắt em là những người bị buộc tội giết bố, cuối cùng Bách trả lời muốn tham dự.
Tôi hỏi sao em lại muốn nghe, Bách nói: “Vì em muốn biết trên báo nói có đúng sự thật bố chết sau khi cãi nhau với cảnh sát không. Và vì bố là thần tượng của em, em không tin bố có thể bị đánh chết…”.
Câu nói của em làm tôi cứng họng. Việc đối mặt với tin tức cướp – giết – hiếp hằng ngày khiến tôi quên mất rất một mạng người đáng giá như thế nào và cái chết dễ dàng chỉ gói gọn trong vài giây là một điều bất thường.
Gia đình ông Chín đáng lẽ đã rất hạnh phúc, có thể đi chơi cùng nhau vàp dịp lễ tết như bao gia đình khác
Xã hội này sẽ trở thành như thế nào trong mắt đứa trẻ kia khi nỗi sợ và sự im lặng của người lớn gặp chuyện bất bình quay đi ngày càng nhân lên như dịch bệnh?
Để rồi, một mạng người rơi xuống dễ dàng như cái ly bị hất vỡ tan tành trên nền đất cứng. Có lẽ cái đêm kinh hoàng ấy, ruột ông Chín cũng bể nát như vậy khi những đứa trẻ bằng tuổi con ông xông vào đánh ông.
Tôi tự hỏi, phía sau một phiên tòa được dựng lên là bao nhiêu nước mắt chen lẫn nỗi đau của gia đình có chồng, có cha bị chết trong cuộc đập đánh vô cớ?
Thông lặng lẽ ngồi một góc làm bài tập chuẩn bị thi cuối kỳ, cậu nói với tôi: “Nhớ nhất chắc là khi nhỏ được bố chở đi chơi Giáng sinh. Hai bố con đi tìm ông già Noel. Hai năm rồi, ba mẹ con chưa biết đi chơi là gì. Ngày bố còn sống, bố lái xe hơi chở cả nhà đi vui lắm”.
Vuốt tấm hình in bốn chiếc mô tô dán ngay ngắn trên kệ tủ, Thông nói tiếp: “Khi bố mất là thời gian mình ôn thi đại học. Trước đó, đêm nào hai bố con cũng bàn chuyện xe cộ. Mấy chiếc này là hai bố con thống nhất rồi bố in ra, dán lên đây để mình có động lực thi đậu. Bố chiều hai anh em lắm, chưa bao giờ đánh roi nào. Câu cuối cùng bố nói lúc mình lên thăm là dặn đi taxi về nhà trông em chứ đừng đi xe máy, đường khuya nguy hiểm”.
“Hai người bằng tuổi mình và một người nhỏ tuổi hơn đánh bố hôm đó, họ không ngờ đã đánh chết thì mình cũng không ngờ đó là lời cuối cùng giữa hai bố con”, Thông cười buồn.
Sau tất cả mọi chuyện, tôi hỏi hai đứa con ông Chín có oán hận những người đã đánh chết bố không, có ghét CSGT không. Cả hai đều nói chỉ mong có người nhận tội để bố được thanh thản, để cho mẹ cởi bỏ được nỗi đau và sự nặng nề đang gánh trong lòng. Giờ hằng ngày sau buổi học, hai anh em tự tập võ với nhau, tôi đùa hỏi bộ hai đứa tính trả thù à. Thông cười bảo: “Võ để tự vệ thôi, không hiểu sao cứ ám ảnh và sợ”.
Trong phiên tòa, bà Thảo đã khóc trước mặt nguyên CSGT để xin anh thành khẩn nhận tội và sau đó, bà tiếp tục viết tâm thư gửi đến gia đình Như – người cự cãi với chồng bà - thuyết phục anh thừa nhận tội lỗi. Khi gửi đi bức thư, bà nói với tôi hy vọng dù chỉ 1% bà cũng sẽ làm vì chồng: “Trong suốt gần hai năm qua, chưa có việc gì trả lại được công bằng cho anh ấy mà tôi không làm”.
“Trong suốt gần hai năm qua, chưa có việc gì trả lại được công bằng cho anh ấy mà tôi không làm”
Gia đình ông Chín đáng lẽ đã rất hạnh phúc, có thể đi chơi cùng nhau vàp dịp lễ tết như bao gia đình khác. Nhưng chỉ sau một cuộc cự cãi, vài giây trong cuộc đánh đập, ông Chín đã chết. Hãy thử tưởng tượng một ngày người thân của chúng ta ra đường đi làm, nửa đêm có người gọi điện thông báo đến bệnh viện và rồi hôm sau trông thấy người ta khiêng quan tài về…
Đó là tất cả những điều mà Thông và Bách đã phải đối mặt, riêng Bách, em còn chưa được gặp bố ngay từ khi biết bố nhập viện. Mọi hình ảnh của bố những ngày cuối trong em đều phải qua lời kể của người khác, chắc đó cũng là lý do em tự quyết định tham gia phiên tòa ngày hôm ấy.
Thông bảo sau khi bố mất, hàng ngàn lần trong đêm cậu đã nhắm mắt tưởng tượng mình là bố trong những giây chống chọi với 3 kẻ đó. Chính cậu cũng không biết cách nào thoát ra, chính cậu nghĩ đến cũng chỉ thấy cô đơn và bất lực rồi thức dậy chỉ toàn nước mắt…
Tôi không biết câu chuyện này sẽ đi đến đâu và rồi công bằng có được trả về hay không. Nhưng tôi tin vào pháp luật và bản thân tôi bấu víu vào lời những người “cầm cân nảy mực” nói trong hôm xét xử: “Bị cáo có thừa nhận hay không thì các tài liệu, chứng cứ khách quan và lời khai của các bị cáo khác đủ chứng minh hành vi của bị cáo”. 
Vì ngay cả tôi, cũng tự cảm thấy bất lực khi viết những dòng này. Nhưng rồi nhớ đến câu nói của Trịnh Công Sơn: “Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau”. Tôi lại hy vọng án sẽ xử đúng người, đúng tội và rồi người ta sẽ tự tha thứ cho chính mình và cho người khác. Nước mắt, nỗi đau quá nhiều rồi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.