Hải Dương: Cá ế ẩm, tiểu thương thất thu

Minh Phong
Minh Phong
12/04/2024 21:35 GMT+7

Lượng cá tiêu thụ trên địa bàn TP.Hải Dương (tỉnh Hải Dương) giảm mạnh khiến tiểu thương thất thu.

Theo khảo sát của PV Báo Thanh Niên tại một số khu chợ dân sinh lớn trên địa bàn TP.Hải Dương, ngoài việc cung cấp các mặt hàng về lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu của người dân, thì các gian hàng bán cá của tiểu thương rất ít người mua, lâm vào tình trạng ế ẩm.

Tại chợ Tân Kim (đường Nguyễn Văn Linh, P.Tân Bình), có khoảng hơn 10 gian hàng bán cá, chủ yếu bán cá trắm cỏ, trắm đen, rô phi và một số gian hàng bán cá biển. Ngoài những gian hàng bán cá biển, cá nước ngọt tiêu thụ rất chậm.

Hải Dương: Cá ế ẩm, tiểu thương thất thu- Ảnh 1.

Cá được chị Thúy lọc sẵn nhưng chỉ lác đác người đến mua

MINH PHONG

Chị Thúy, một tiểu thương kinh doanh cá tại chợ Tân Kim 12 năm nay, cho biết khoảng 1 tuần trở lại đây, lượng cá bán ra giảm mạnh. "Xuất phát từ tâm lý e ngại của người dân khi hiện nay cá lồng của các hộ dân ở xã Tiền Tiến và P.Nam Đồng (TP.Hải Dương) nuôi trên sông Thái Bình chết nhiều. Họ lo sợ cá bán ở chợ được mua từ những nơi này.

Nhưng thực tế cá chúng tôi lấy của các hộ dân nuôi ở H.Bình Giang và H.Gia Lộc (Hải Dương). Tình hình kinh doanh đang rất khó khăn, thời điểm này lượng tiêu thụ giảm tới 80%. Kinh doanh không có lãi, tôi đã nghỉ bán cá 3 ngày, nay mới bán hàng trở lại", chị Thúy chia sẻ.

Bà Chiến buồn bã khi không bán được hàng

Bà Chiến buồn bã khi không bán được hàng

MINH PHONG

Bà Vũ Thị Chiến, một tiểu thương bán cá, cho hay ngày bình thường bà bán được khoảng 10 con cá các loại, nhưng nay đã gần về trưa, bà mới chỉ bán được 2 con.

Theo bà Chiến, người dân lo ngại cũng đúng, nhưng cá nuôi lồng đang xảy ra tình trạng chết nhiều thì sẽ yếu, thiếu ô xy và sẽ chết ngay khi chưa được đưa đến chợ. "Cá của chúng tôi đều là hàng tươi sống có xuất xứ rõ ràng, dân không mua chúng tôi cũng phải chịu thôi, vì cũng chẳng thể bán rẻ hơn giá nhập vào được. Không chỉ chúng tôi, một số hộ nuôi cá ở các khu vực lân cận cũng không xuất được hàng vì lượng tiêu thụ giảm, tiểu thương không mua, mua về cũng không biết bán cho ai", bà Chiến ngán ngẩm.

Hải Dương: Cá ế ẩm, tiểu thương thất thu- Ảnh 3.

Dù thời điểm này nhập ít cá, nhưng từ sáng đến trưa, bà Chiến mới bán được 2 con cá

MINH PHONG

Chợ Kho Đỏ (đường Chi Lăng, P.Nguyễn Trãi) được coi là chợ cung cấp lương thực thực phẩm lớn nhất nội thành TP.Hải Dương. Theo ghi nhận của PV Báo Thanh Niên, hàng chục gian hàng bán cá của các tiểu thương đều vắng khách dù bình thường, lúc 9 giờ sáng hàng ngày là "thời điểm vàng" để người dân đi chợ mua thực phẩm về nấu bữa ăn buổi trưa.

Bà Vân, một tiểu thương bán cá hơn 20 năm tại chợ Kho Đỏ, cho biết thời điểm cá của các hộ dân nuôi lồng trên sông Thái Bình chưa chết hàng loạt, mỗi ngày bà bán được khoảng 70 kg cá các loại. Nhưng đến nay, mỗi ngày chỉ khoảng gần 10 kg cá được bà Vân bán ra vì ít người mua, nên bà đem cá đến chợ rồi lại mất công đem về, dù cá của bà được nhập từ H.Gia Lộc nơi không bị ảnh hưởng bởi tình trạng cá chết.

Theo bà Vân, tình trạng ế ẩm kéo dài, sẽ phải tạm nghỉ bán hàng

Theo bà Vân, tình trạng ế ẩm kéo dài, sẽ phải tạm nghỉ bán hàng

MINH PHONG

Lượng cá rô bà Vân nhập về cũng bán rất chậm

Lượng cá rô bà Vân nhập về cũng bán rất chậm

MINH PHONG

"Do tâm lý người dân e ngại dùng cá trắm, cá chép… nên tôi nhập cá rô về để bán nhưng cũng chỉ lác đác có người mua. Tình trạng này kéo dài có lẽ tôi phải nghỉ đi chợ một thời gian", bà Vân nói.

Hải Dương: Cá ế ẩm, tiểu thương thất thu- Ảnh 6.

Các gian hàng bán cá tại chợ Kho Đỏ vắng bóng người mua

MINH PHONG

Ngày 12.4, trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Trần Đình Nam, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế tỉnh Hải Dương, cho biết đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ca ngộ độc nào liên quan đến việc sử dụng cá làm thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày.

"Người dân có sự cảnh giác đối với cá bị nhiễm bệnh là tốt. Nhưng, mẫu bệnh phẩm được Cục Thủy sản xét nghiệm trên cá của các hộ nuôi lồng bị chết đã cho kết quả cá không bị nhiễm bệnh. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị mọi người không vì tình trạng cá bị chết mà ngừng dùng loại thực phẩm này để chế biến món ăn. Trừ khi cá chết, ươn, ôi thiu, còn cá vẫn sống và có nguồn gốc rõ ràng thì người dân sử dụng bình thường", ông Nam cho hay.

Trước đó, ngày 9.4, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), đã ký văn bản gửi các sở NN-PTNT trên cả nước đang có nhiều vùng trọng điểm nuôi thủy sản lồng bè trên sông, hồ chứa nước ngọt để cảnh báo sau vụ việc cá nuôi lồng bè chết hàng loạt trên sông ở Hải Dương.

Cục Thủy sản nhận định, hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông ở Hải Dương những ngày qua là do biến động môi trường. Cụ thể, hàm lượng ô xy hòa tan thấp, nồng độ khí độc cao vượt giới hạn cho phép đã làm suy giảm sức đề kháng trên cá nuôi, là cơ hội cho tác nhân gây bệnh xâm nhập.

Cục Thủy sản đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố có nuôi cá lồng bè hướng dẫn, tuyên truyền, hỗ trợ người nuôi kiểm soát, phòng ngừa, giảm các nguồn gây ô nhiễm môi trường; tăng cường kiểm soát, phát hiện và xử lý các nguồn xả thải ở các vùng nuôi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.