Hãi hùng những cống nước thải bức tử vịnh Hạ Long, Bái Tử Long

Lã Nghĩa Hiếu
Lã Nghĩa Hiếu
21/07/2019 11:06 GMT+7

Từ nhiều năm nay, tại Quảng Ninh đang tồn tại hàng trăm cống nước thải sinh hoạt không qua xử lý được đổ thẳng ra môi trường, uy hiếp vịnh Hạ Long, Bái Tử Long.

Bờ biển từ thành phố Hạ Long đến thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) dài khoảng 30 km nhưng có tới hàng trăm cống nước thải đổ trực tiếp ra môi trường. Đáng chú ý, trong số này, còn có cả nước thải nhiễm kim loại nặng từ các khai trường của ngành than trút xuống vịnh Bái Tử Long.
Tình trạng trên diễn ra hàng chục năm qua khiến môi trường nhiều nơi trên địa bàn bị huỷ hoại.
Ghi nhận của phóng viên tại TP.Cẩm Phả, dọc ven bờ vịnh Bái Tử Long với chiều dài khoảng 15 km, từ khu vực phường Quang Hanh đến phường Mông Dương, chi chít những cống nước thải không qua xử lý được đổ thẳng ra môi trường.
Điển hình như khu 4, phường Cẩm Trung, thành phố Cẩm Phả, cống nước thải tại đây suốt nhiều năm qua lúc nào cũng một màu đen kịt, kèm theo mùi hôi thối. Người dân địa phương đã nhiều lần gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết.
Ông Nguyễn Văn Duy (tổ 6, khu 4, phường Cẩm Trung) cho biết: “Cống nước thải ở đây không được qua xử lý với đủ loại chất thải, bao gồm cả nước thải mỏ. Có lần xác động vật chết nổi lềnh phềnh ở đây bốc mùi hôi thối mà không có ai đến dọp dẹp. Rồi tất cả thứ nước ô nhiễm này lại cứ thế mà chảy hết ra vịnh Bái Tử Long”.

20.000 mnước thải không qua xử lý đổ thẳng ra vịnh Bái Tử Long mỗi ngày

Theo UBND thành phố Cẩm Phả, mỗi ngày địa phương này có khoảng 20.000 m3 nước thải từ các cống không được qua xử lý, đổ thẳng ra vịnh Bái Tử Long.
Tình trạng nước thải sinh hoạt, chất thải mỏ đổ thẳng ra biển cũng diễn ra tương tự tại thành phố Hạ Long. Dọc ven bờ vịnh Hạ Long, mỗi ngày có hàng chục cống nước thải kéo theo đủ loại chất thải, bùn đất đá trôi xuống biển.
Theo Công ty Môi trường đô thị Hạ Long, mỗi ngày lượng nước sinh hoạt đổ ra vịnh Hạ Long khoảng 30.000 m3, nhưng chỉ có khoảng 30% nước thải sinh hoạt được xử lý trước khi đổ ra vịnh.
Đươc biết, vào năm 2017, Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Ninh đã tiến hành quan trắc tại một số khu vực ven bờ vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Kết quả cho thấy, môi trường nước ở đây bị nhiễm kim loại nặng gấp 3 lần cho phép.
Ông Phạm Văn Kính, Phó chủ tịch UBND thành phố Cẩm Phả, cho biết để xử lý được nguồn nước thải, phải có một nguồn kinh phí rất lớn. Nên, ngoài việc đổ thẳng ra biển thì địa phương này chưa có phương án nào khác.
Còn theo một lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Ninh, địa phương này đang làm hồ sơ vay vốn ODA của Nhật Bản cho dự án xử lý nước thải sinh hoạt thành phố Hạ Long, với tổng giá trị khoảng 150 triệu USD. Trong đó, vốn vay ODA dự kiến là 125 triệu USD, số còn lại là vốn đối ứng.
Theo thiết kế, dự án khi đi vào hoạt động sẽ thu gom và xử lý cơ bản nước thải sinh hoạt của thành phố để đạt mức độ thuộc diện tốt nhất hiện nay trước khi đổ ra vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn đang dẫm chân tại chỗ.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi lại về hình ảnh nước thải từ cống thoát nước không qua xử lý đổ trực tiếp ra vịnh Hạ Long, Bái Tử Long:

Cống nước thải sinh hoạt tại khu vực đường bao biển Hạ Long đổ bùn đất từ ra vịnh Hạ Long

Ảnh Lã Nghĩa Hiếu

Tại khu vực phường Bạch Đằng thành phố Hạ Long, nước thải đen ngòm cũng được đổ trực tiếp ra biển

Ảnh Lã Nghĩa Hiếu

Tại suối cống nước tại khu vực Lộ Phong (phường Hà Phong), nước thải từ các khai trường của ngành than chung với cống thoát nước của khu dân cư

Ảnh Lã Nghĩa Hiếu

Ở thành phố Cẩm Phả đang tồn tại các cống nước thải đổ ra biển như thế này

Ảnh Lã Nghĩa Hiếu

Cống thoát nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối

Ảnh Lã Nghĩa Hiếu

Nước thải không qua xử lý, đổ trực tiếp ra cống thoát nước chung, rồi tiếp tục chảy ra biển

Ảnh Lã Nghĩa Hiếu

Tại cụm công nghiệp Cẩm Thịnh (thành phố Cẩm Phả), bùn đất từ hoạt động khai thác than đổ trực tiếp ra vịnh Bái Tử Long

Ảnh Lã Nghĩa Hiếu

Mỗi ngày vịnh Bái Tử Long đều phải gánh chịu nước thải từ hoạt động khai thác than đổ ra

Ảnh Lã Nghĩa Hiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.