Hài hước kẻ lừa đảo từng bán cả Cung điện Mùa đông của Nga cho người Mỹ

Phạm Bá Thủy
Phạm Bá Thủy
06/02/2021 14:05 GMT+7

Không ai có thể nghĩ rằng Nikolai Savin, một trong những kẻ lừa đảo "khét tiếng" nhất nước Nga, lại xuất thân từ một dòng họ vinh quang.

Dòng họ quý tộc Savin đã sinh cho nước Nga nhiều người con xứng đáng. Ông tổ đầu tiên là cận vệ trung thành của sa hoàng Ivan Bạo chúa, và sau đó hậu duệ của ông trong hơn ba thế kỷ thường xuyên nổi bật cả trong quân đội lẫn các lĩnh vực dân sự. Châm ngôn "Vì lòng trung thành với Tổ quốc Đại Nga" đã được khắc trên gia huy của dòng họ Savin. Không ai có thể nghĩ rằng một trong những kẻ lừa đảo lớn nhất của Nga sẽ nảy mầm từ dòng dõi vinh quang này, để lại dấu ấn trên một nửa địa cầu, “bán đứt” biểu tượng kiến trúc chính của ước Nga Sa hoàng cho người Mỹ, và một vài năm trước đó còn suýt trở thành quốc vương của một trong những quốc gia Balkan.
Nikolai Gerasimovich Savin, được biết đến với cái tên Cornet (kỵ sĩ) Savin, đã sống một cuộc đời dài đáng kinh ngạc đối với một kẻ phiêu lưu. Vào thời điểm qua đời (Savin chết vì bệnh xơ gan, ở Thượng Hải, Trung Quốc năm 1937), ông ta đã trải qua hàng chục năm lang thang vô định, lừa đảo tài chính, nhiều lần lên voi xuống chó.

Ảnh được cho là của Nikolai Gerasimovich Savin

Mặc dù tên tuổi của Savin vang dội không chỉ khắp nước Nga, mà còn cả trên lục địa châu Âu, nhưng không ai biết tiểu sử thực sự của ông ta. Về nguồn gốc của mình, ông ta viết đại khái như sau: sinh ở Canada năm 1854, năm sau được làm lễ rửa tội tại Nga, cha mẹ là nhà quý tộc Nga Gerasim Savin và nữ bá tước de Toulouse-Lautrec.

Chỉ cách ngai vàng một bước chân

Là con nhà quý tộc, Nikolai Savin bắt đầu cuộc đời binh nghiệp trong kỵ binh hoàng gia Nga. Chàng hạ sĩ quan hư đốn sớm chìm vào cuộc sống thác loạn với rượu chè và những vụ xô xát, vì vậy mà nhiều lần bị chuyển từ trung đoàn này qua trung đoàn khác. Số tiền thừa kế từ cha mẹ nhanh chóng cạn kiệt, và chàng trai gốc quý tộc đành xuất ngũ trong nghèo khó. Trong cuộc chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ tiếp theo, Savin lại nỗ lực lần nữa để xây dựng sự nghiệp trong quân đội Nga và tự nguyện lên đường giải phóng Bulgaria khỏi ách thống trị của Ottoman. Năm 1877, Savin bị thương nặng ở tay trong một trận chiến gần Plevna. Sau một thời gian dài điều trị, Savin quyết định xuất ngũ.
Trở về Nga, anh ta lại cảm thấy khao khát được sống sung sướng, nhưng sự thiếu thốn tiền bạc trầm trọng đã ngăn cản việc thực hiện những khát vọng này. Vì vậy, chàng cựu chiến binh đã dấn thân vào con đường lừa đảo. Savin bị cáo buộc đã giúp tình nhân của Đại công tước Nikolai Konstantinovich, nàng Fanny Lear, lấy trộm kim cương từ khung biểu tượng trong Cung điện Cẩm thạch. Sau khi vụ trộm bị phát hiện, Savin đã chạy trốn sang châu Âu. Tên tuổi của ông ta không xuất hiện trong bất kỳ giao thức chính thức nào, nhưng điều này không ngăn cản kẻ lừa đảo sống sung sướng ở Paris và kiếm tiền nhờ "kiến thức" của mình về những bí mật của triều đình Nga.
Địa điểm tiếp theo của cuộc đời Savin là Rome, nơi ông ta sống từ năm 1886 đến năm 1887, với tư cách là một nhà chăn nuôi ngựa người Nga, đảm bảo cung cấp ngựa cho kỵ binh và pháo binh của quân đội Ý. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng tất cả các giấy tờ tài liệu, chính nhà vua đã bổ nhiệm Savin vào vị trí này. Tuy nhiên, Ý chẳng có được một con ngựa nào: sau khi cầm được tiền bán ngựa (một con số khổng lồ), Savin biến mất tăm hơi.

Ảnh Nikolai Savin đăng trên một tờ báo năm 1913

Nhưng sự kiện đáng kinh ngạc nhất trong cuộc đời Savin là việc suýt được ngồi trên ngai vàng của Bulgaria, đất nước vào thời điểm đó (năm 1887) là một công quốc tự trị, cần gấp một người cai trị. Gặp gỡ chính trị gia nổi tiếng người Bulgaria, S. Stambolov, Savin đã giới thiệu các “năng lực” của bản thân. Ngoài nguồn gốc bá tước của mình, ông ta còn hứa sẽ mang đến sự trợ giúp từ Nga và một khoản vay từ các chủ ngân hàng Pháp. Khi Hội đồng Nhiếp chính nhất trí thông qua ứng cử viên "Bá tước Nga", Savin đã đến gặp Quốc vương Thổ Nhĩ Kỳ để được ông này ban sắc phong chính thức lên ngôi. Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra. Một thợ làm tóc làm việc ở Istanbul, người từng sống ở St. Petersburg trong nhiều năm, đã phát hiện ra kẻ mạo danh. Kết quả, Savin bị dẫn độ sang Nga và rồi phải đối mặt với án tù dài hạn.

Bán Cung điện Mùa Đông lấy tiền mặt

Cách mạng Tư sản tháng Hai (1917) bùng nổ đã giải phóng một số lượng lớn tù nhân của chế độ Nga hoàng, trong đó có Nikolai Savin. Với sự che chở của người bạn cũ là Alexander Kerensky (người đứng đầu chính phủ lâm thời lúc đó), Savin được bổ nhiệm làm người đứng đầu đội bảo vệ Cung điện Mùa đông - công trình vĩ đại về mặt kiến trúc và lịch sử tại St. Petersburg, nơi lưu giữ nhiều báu vật của nước Nga.

Cung điện Mùa đông ở TP. St. Petersburg, Nga

Nhận thấy tình trạng hỗn quân hỗn quan trong xã hội, ông ta quyết định thực hiện một nước đi chưa từng có: tiếp cận một người Mỹ giàu có (nhưng lập dị) muốn mua Cung điện Mùa đông và tháo rời ra để vận chuyển về Mỹ. Khách hàng là thượng đế. Savin lấy một tờ giấy có in tiêu đề của Chính phủ lâm thời, viết lên đó nội dung văn tự khế ước mua bán công trình vĩ đại này, có đóng "con dấu" hẳn hoi (chỉ là dấu ấn của một đồng xu có hình đại bàng hai đầu) và kiếm đâu đó một chùm chìa khóa han gỉ. Người Mỹ “may mắn” nọ đã vô cùng sung sướng khi nhận chùm chìa khóa các phòng trong cung điện và một chứng thư chức vụ chính thức. Đổi lại, ông ta đã trao cho chủ cũ của Cung điện Mùa đông hai vali tiền mặt, tổng trị giá 2 triệu đô la.
Tất nhiên, rất nhanh sau đó vụ lừa đảo bị bại lộ. Khi những người tốt bụng dịch văn bản của thỏa thuận cho người mua “không may mắn”, ông ta đã kinh hoàng khi biết rằng mình không chỉ mất tiền, mà còn nợ một số tiền lớn của Khlestakov, một công dân Nga. Savin vào thời điểm đó đã an toàn từ chức Trưởng ban bảo vệ Cung điện Mùa đông và biến mất một lần nữa để một thời gian sau xuất hiện trở lại ở châu Á.
Năm 1918, Savin xuất hiện ở Nhật Bản, sau đó chuyển đến Trung Quốc. Năm 1937, kẻ lừa đảo tài năng Savin trút hơi thở cuối cùng tại Thượng Hải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.