Hai mặt cuộc đời Diego: “Gã điên” ám ảnh nhà báo

Tây Nguyên
Tây Nguyên
03/12/2020 08:46 GMT+7

Tính tình nóng nảy và ngang ngược đã biến một cầu thủ vĩ đại như Diego Maradona thành một “gã điên” hay “khát máu” trong mắt của nhiều người, đặc biệt là cánh nhà báo.

Xả súng bắn nhà báo

Tháng 2.1994, dư luận bóng đá thế giới sửng sốt khi hay tin về việc cảnh sát Argentina đột kích vào nhà riêng bắt giữ Maradona sau khi siêu sao bóng đá này nổ súng hơi vào một nhóm phóng viên vì cho rằng đang bao vây nhà ông ở Buenos Aires. Vụ nổ súng khiến 4 nhà báo bị thương do trúng đạn. Sau khi điều tra hiện trường và lấy dấu vân tay, cảnh sát xác định “Cậu bé vàng” bóng đá Argentina chính là người đã xả súng vào nhóm nhà báo. Sau khi Maradona qua đời hôm 25.11 ở tuổi 60, vụ án này đã được “đào bới” một lần nữa và những ai nghe thấy đều hãi hùng.

Bác sĩ riêng phủ nhận trách nhiệm và tiết lộ Maradona là người quá nổi loạn

Trong đoạn clip được ghi lại, Maradona nép mình với 2 người đàn ông khác sau một chiếc Mercedes với khẩu súng trường trên tay rồi nhắm vào nhóm nhà báo xả đạn. “Nếu các người không ra khỏi đây, chúng tôi sẽ bắn đạn thật”, Maradona hét lên. “Nếu các ông cứ làm ồn, tôi sẽ quay lại và gây ra thảm kịch”, lời đe dọa tiếp theo của “Cậu bé vàng” được tờ Chicago Tribune thuật lại. Vụ nổ súng xảy ra vào tháng 2.1994 khi các kênh truyền hình tường thuật trực tiếp và nhiếp ảnh gia từ bên ngoài nơi ở của Maradona đã bị xịt nước từ vòi bên trong bức tường cao 8 m. Vụ việc xảy đến một ngày sau khi Maradona (lúc bấy giờ 33 tuổi), người hùng của tuyển Argentina tại World Cup 1986, được CLB Newell's Old Boys cho về nhà sau nhiều lần không thể ra sân tập luyện. Chủ tịch CLB lúc ấy là Walter Cattanio cho biết Maradona mắc chứng trầm cảm. Bất chấp những rắc rối của mình, “Cậu bé vàng” nói trước cuộc đụng độ với các phóng viên rằng anh dự định tiếp tục thi đấu và mong chờ World Cup 1994 tại Mỹ.
Sau đó, dù bị kết tội, nhưng Maradona chỉ nhận án 2 năm 10 tháng tù treo. Bản án đã gây ra nhiều tranh cãi cho đến tận ngày nay. Các nhà báo bị Maradona gây thương tích sau đó kháng cáo vì cho rằng mức án quá nhẹ nhưng bất thành. Phóng viên Daniel Talamoni, 1 trong 4 nhà báo đã kiện Maradona cho biết: “Đây là số ít trường hợp cho thấy rằng công lý dường như không công bằng với tất cả mọi người. Khi vụ án xảy ra cách đây 4 năm, mọi người đều nói rằng họ không thể kết án một người đàn ông được thần tượng ở Argentina và tha thứ cho mọi thứ”. Vài tháng sau vụ việc rúng động, Maradona bị đuổi về nhà trong nỗi nhục nhã ở World Cup 1994 trên đất Mỹ vì kết quả xét nghiệm dương tính với chất kích thích.

Coi thường giới truyền thông

Vụ xả súng không phải là lần đầu tiên Maradona tỏ thái độ coi thường giới truyền thông. Đó là ngày mà Maradona điền tên vào danh sách 23 cầu thủ tuyển Argentina tham dự World Cup 2010 khi ông còn dẫn dắt đội bóng quê hương. Vốn có tính tình nóng nảy, sự đeo bám của cánh nhà báo khiến “Cậu bé vàng” căng thẳng và có thể làm những điều khó có thể nghĩ tới. Trong đó, khi lái xe đến buổi họp báo, Maradona đã cán thẳng bánh xe qua chân của một phóng viên truyền hình đang vác máy để quay ông. Thay vì xin lỗi và hỏi xem người kia có ổn không, Maradona lại buông lời chửi bới và đổ lỗi cho anh nhà báo. “Anh thật là tệ. Tại sao có thể đưa cái chân vào nơi bánh xe để bị cán qua hả anh bạn?”, theo BBC thuật lại lời của Maradona từ một số nhân chứng. Trước đó, vào năm 2000, một phóng viên ảnh đã sửng sốt khi cố đuổi theo xe của ông để chụp ảnh. Maradona đáp trả bằng cách đấm vỡ cửa kính ô tô của mình. Xa hơn, vào năm 1989, khi nhận được câu hỏi về việc không mời báo giới Ý đến Argentina dự đám cưới của mình, Maradona trả lời đầy khiêu khích: “Tôi không phải cưới bạn. Tại sao tôi phải mời bạn đến đám cưới?”…
Những vụ việc này là một trong những “cái điên” điển hình trong sự nghiệp của Maradona, người được một bộ phận lớn người Argentina tôn vinh như một vị thánh. Trong đó, một nhóm người hâm mộ ở xứ sở tango thậm chí còn dựng cả một nhà thờ để lập nên một loại hình tôn giáo mang tên Diego Maradona và biên soạn kinh thánh hẳn hoi. Đó là lý do giải thích vì sao một số nhà viết tiểu sử về huyền thoại này nói rằng, nếu không có sự ngang ngược và điên rồ, thế giới bóng đá sẽ không có một Maradona thiên tài trên sân cỏ nhưng vẫn rất “con người” và “chân thật” trong cuộc sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.