Hai mẹ con hạnh phúc vỡ òa khi được cấp giấy chứng nhận căn cước

02/07/2024 04:00 GMT+7

Khi luật Căn cước 2023 có hiệu lực từ 1.7, hai mẹ con bà Sây Fara (một trong những người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch) rất phấn khởi, hạnh phúc vì đi làm giấy chứng nhận căn cước tại Công an Q.10, bà yên tâm ổn định cuộc sống.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Thanh Niên, lúc 17 giờ 30 ngày 1.7, mặc dù đã hết giờ hành chính nhưng các cán bộ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH (Công an Q.10, Công an TP.HCM) vẫn tiếp tục thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.

Hai mẹ con hạnh phúc vỡ òa khi được cấp giấy chứng nhận căn cước- Ảnh 1.

Công an Q.10 lấy mống mắt cho bà Sây Fara

NHẬT THỊNH

Công an Q.10 là 1 trong 3 địa điểm trên địa bàn TP.HCM được Công an TP.HCM lựa chọn thí điểm cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Trong ngày đầu triển khai, Công an Q.10 thu nhận và giải quyết 314 hồ sơ cấp đổi thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.

Bà Sây Fara (64 tuổi, ngụ Q.10) là người đầu tiên đến Công an Q.10 làm giấy chứng nhận căn cước. Bà kể, có ba là người Campuchia, mẹ là người Việt Nam. Bà sinh ra và lớn lên tại Campuchia, đến năm 1970, bà Sây Fara cùng gia đình chuyển về Việt Nam sinh sống.

Vì có một số trục trặc trong giấy tờ nên trong gia đình 6 người, chỉ duy nhất bà Sây Fara không được nhập quốc tịch Việt Nam. Kể từ đó đến nay, bà Sây Fara chỉ được Công an TP.HCM cấp thẻ thường trú, gây nhiều bất tiện trong đời sống.

Không có giấy tờ nên không mua được bảo hiểm y tế

Bà Sây Fara kể lại, do không có giấy tờ, không có quốc tịch Việt Nam nên bà không được mua bảo hiểm y tế. Tuổi đã cao, mỗi lần vào viện, bà phải chi trả tiền viện phí nhiều hơn bình thường.

Do bà Sây Fara không có CMND (sau này là CCCD) nên cũng không thể làm giấy tờ cho con gái Sây Phương Trinh. Do đó, việc học của chị Sây Phương Trinh cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.

"Khó khăn không kể đâu cho hết. Tôi từng phải đi xin nơi này, xin nơi khác, làm đủ mọi thủ tục chỉ để cho con đến trường. Tôi phải đi đến tận UBND TP.HCM hoặc công an phường, công an quận để xin giấy tờ", bà Sây Fara nhớ lại.

Hai mẹ con hạnh phúc vỡ òa khi được cấp giấy chứng nhận căn cước- Ảnh 2.

Hai mẹ con bà Sây Fara vui mừng khi được cấp giấy chứng nhận căn cước

NHẬT THỊNH

Khi được hỏi có mệt mỏi, muốn bỏ cuộc khi phải đi lại nhiều nơi để xin giấy tờ như vậy, bà Sây Fara khẳng định chắc nịch: "Tôi không bỏ cuộc đâu, mình ở Việt Nam thì mình phải chờ ngày người ta cấp giấy tờ cho mình".

Sau 10 phút làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận căn cước, bà Sây Fara cùng con gái bày tỏ sự hạnh phúc, vui mừng, liên tục cảm ơn các cán bộ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH.

Bà Sây Fara hào hứng: "Hơn nửa thế kỷ, giờ tôi chính thức là người Việt Nam rồi, yên tâm ổn định cuộc sống rồi. Cám ơn chính quyền, các cấp lãnh đạo và các đồng chí công an đã hỗ trợ cho mẹ con tôi rất nhiều".

Kêu gọi người dân đi làm giấy chứng nhận căn cước

Theo trung tá Kiều Thị Nguyệt, Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an Q.10, một trong những điểm mới của luật Căn cước 2023 là người không có quốc tịch sẽ được cấp giấy chứng nhận căn cước.

Thông qua công tác quản lý địa bàn, Đội Cảnh sát QLHC về TTXH đã thực hiện việc rà soát, nắm thông tin về những người không có quốc tịch, không có hộ khẩu thường trú, không có giấy tờ tùy thân đang sinh sống trên địa bàn quận để kêu gọi người dân đi làm giấy chứng nhận căn cước.

Hai mẹ con hạnh phúc vỡ òa khi được cấp giấy chứng nhận căn cước- Ảnh 3.

Bà Sây Fara cùng con gái được Công an Q.10 hướng dẫn thủ tục làm giấy chứng nhận căn cước

NHẬT THỊNH

Về thủ tục cấp giấy chứng nhận căn cước và thẻ căn cước, trung tá Nguyệt nói không có sự khác biệt. Riêng về thời gian trả giấy chứng nhận căn cước thì sẽ lâu hơn thẻ căn cước bởi vì sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận căn cước, lực lượng công an phải triển khai các xác minh thông tin, làm cơ sở cấp giấy chứng nhận căn cước.

"Trong quá trình triển khai thực hiện và vận động người dân đi làm giấy chứng nhận căn cước, chúng tôi không gặp khó khăn gì. Người dân rất đồng tình, ủng hộ, hợp tác với cơ quan công an để làm giấy chứng nhận căn cước", trung tá Nguyệt chia sẻ.

Trung tá Kiều Thị Nguyệt cho biết, đã chuẩn bị kỹ càng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự để thực hiện việc cấp thẻ căn cước và giấy chứng nhận căn cước cho người dân.

"Về thời gian làm việc, chúng tôi sẽ phục vụ theo nhu cầu của người dân, tức không tùy thuộc vào giờ hành chính hay là không. Miễn sao người dân còn nhu cầu thì chúng tôi vẫn còn phục vụ", trung tá Nguyệt nhấn mạnh.

Lợi ích của giấy chứng nhận căn cước

Giấy chứng nhận căn cước được cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống liên tục từ 6 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.

Việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam sẽ bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số.

Người gốc Việt Nam khi được cấp giấy chứng nhận căn cước có thể sử dụng giấy này để tham gia các giao dịch dân sự, nhất là các giao dịch thiết yếu phục vụ cuộc sống.

Ngoài ra, Nhà nước cũng quản lý được toàn bộ dân cư sinh sống tại địa phương; tạo thuận lợi cho công tác hoạch định chính sách phát triển xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.