Hai ngày thăm đất nước chùa tháp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Lê Hiệp
Lê Hiệp
23/12/2021 13:52 GMT+7

Chỉ diễn ra trong 2 ngày nhưng với 16 hoạt động thực chất, chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Vương quốc Campuchia đã đạt được những kết quả quan trọng, mang lại nhiều ý nghĩa. 

Ngày 22.12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp nhà nước tới Vương quốc Campuchia. Việt Nam và Vương quốc Campuchia ra tuyên bố chung nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước.

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định chuyến thăm mang nhiều ý nghĩa với cả hai nước.

Đúng 8 giờ 35 phút ngày 21.12, chuyên cơ chở Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao nhà nước Việt Nam đáp xuống sân bay Phnom Penh, Campuchia, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Vương quốc Campuchia.

Lê Hiệp

Đây là chuyến thăm Vương Quốc Campuchia lần đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị mới. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng là nguyên thủ quốc gia đầu tiên thăm cấp nhà nước tới Vương quốc Campuchia kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Lê Hiệp

Ngay tại sân bay quốc tế Phnom Penh, rất đông người dân Campuchia và người Việt Nam tại Campuchia xếp hàng dài, trong tay cầm ảnh của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, cờ, hoa,... chào đón người đứng đầu nhà nước Việt Nam.

Lê hiệp

Lễ đón chính thức Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc diễn ra ngay trong sáng 21.12 tại Hoàng cung Campuchia, do Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni chủ trì.

TTXVN

Quốc vương Campuchia và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tiếp tục dành ưu tiên cao nhất và làm hết sức mình vun đắp cho mối quan hệ Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam ngày càng đơm hoa kết trái.

TTXVN

Tại cuộc hội kiến, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni bày tỏ cảm ơn sâu sắc đến nhà nước và nhân dân Việt Nam đã giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng trước đây, cũng như luôn ủng hộ Campuchia trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Quốc vương cũng khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, như cố Quốc vương Norodom Sihanouk đã làm trước đây.

TTXVN

Ngay sau khi hội kiến với Quốc vương Campuchia, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng hội kiến Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Cuộc hội kiến kéo dài trong nhiều giờ. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi và thống nhất nhiều vấn đề như đẩy mạnh kết nối 2 nền kinh tế, thúc đẩy ký kết Hiệp định Thương mại biên giới, tiếp tục triển khai đàm phán 16% chiều dài đường biên giới chưa được cắm mốc, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực an ninh quốc phòng, giáo dục đào tạo, tư pháp, nông lâm ngư nghiệp...

TTXVN

Sau hội kiến, 2 nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết 7 văn kiện hợp tác giữa hai Chính phủ và các bộ, ngành hai nước hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biên giới, thương mại, giáo dục và tư pháp.

TTXVN

Chiều 21.12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đặt vòng hoa tại đài Độc Lập, tượng đài cố Quốc vương Norodom Sihanouk, tượng đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia

Lê Hiệp

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dành 1 phút tưởng niệm tại tượng đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia

Lê Hiệp

Ngay sau đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Xay Chhum. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí thúc đẩy các cơ quan lập pháp hai nước tiếp tục ủng hộ và tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn nữa cho việc tăng cường kết nối kinh tế, thương mại, đầu tư; thúc đẩy giao lưu nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, và hợp tác giữa các địa phương, nhất là các tỉnh giáp biên của hai nước.

Lê Hiệp

Tại cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin ngay sau đó, hai nhà lãnh đạo Việt Nam - Campuchia cũng nhất trí trong thời gian tới sẽ duy trì tiếp xúc, trao đổi cấp cao và các cấp thường xuyên ở tất cả các kênh, trong đó có kênh nghị viện; tăng cường trao đổi kinh nghiệm cũng như tổ chức các cuộc giao lưu giữa các nghị sĩ, nhóm nghị sĩ hữu nghị, nhóm nữ đại biểu quốc hội, nhóm đại biểu quốc hội trẻ hai nước.

Lê Hiệp

Kết thúc hội kiến, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự lễ khởi công tòa nhà hành chính mới của Quốc hội Campuchia. Đây là quà tặng của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam tặng cho Campuchia.

lê Hiệp

Công trình có giá trị lên tới 25 triệu USD, là tòa nhà hiện đại cao 12 tầng và 2 tầng hầm. Trong hình, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Campuchia tiến hành nghi thức động thổ công trình

Lê hiệp

Chiều muộn ngày 21.12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp bà Men Sam An, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quan hệ Quốc hội, Thượng viện và Thanh tra Campuchia, Chủ tịch hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam. Tối cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự quốc yến do Quốc vương Campuchia chủ trì.

Lê Hiệp

Sáng 22.12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Đại tăng thống Tep Vong tại chùa Unalom, thủ đô Phnom Penh của Campuchia.

Lê Hiệp

Chủ tịch nước cũng đến thăm Đại tăng thống Bour Kry tại chùa Svay Pope. Trong hình, Đại tăng thống Bour Kry tặng quà cho Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu của Đoàn Việt Nam.

Lê Hiệp

Ngay sau đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc thăm, nói chuyện với cán bộ Đại sứ quán, đại diện doanh nghiệp và cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia. Ông đã nghe thông báo tình hình người Việt Nam tại Campuchia, cũng như các kiến nghị của cộng đồng người Việt, lưu học sinh tại Campuchia.

Lê Hiệp

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong các cuộc hội kiến với lãnh đạo Campuchia ông đều nêu các vấn đề về hỗ trợ người Việt Nam tại Campuchia, đặc biệt là các vấn đề về địa vị pháp lý. Chủ tịch nước khẳng định sẽ sớm có giải pháp thiết thực, hiệu quả để giúp bà con có giấy tờ pháp lý, ổn định cuộc sống.

Lê Hiệp

Sau đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã dành thời gian để gặp mặt các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Khmer gốc Việt tại Campuchia để lắng nghe tình hình hoạt động cũng như các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp tại đây. Chủ tịch nước cho biết đã đề nghị Thủ tướng Campuchia Hun Sen giải quyết nhanh chóng những kiến nghị của Việt Nam như: việc thu phí 5G, các thủ tục qua biên giới, quan tâm tạo điều kiện hợp tác nói chung và DN Việt Nam nói riêng. Ông đề nghị các cơ quan T.Ư xây dựng để có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho đầu tư của DN Việt Nam tại Campuchia, đầu tư khu vực biên giới, chứ không phải chính sách chung chung.

Lê Hiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.