Hai anh em tìm hài cốt anh ruột mình là nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà văn Trung Trung Đỉnh. Một người quê Vĩnh Phúc, một người quê Hải Phòng.
Anh ruột của nhà thơ Hữu Thỉnh hy sinh ở Phan Thiết (Bình Thuận). Nơi anh hy sinh rất gần đường số Một, rất gần biển. Năm 1981, Hữu Thỉnh đã viết bài thơ Phan Thiết có anh tôi, nói về hoàn cảnh hy sinh của anh mình, có đoạn thơ rất cảm động:
Những ngôi sao tìm cách sáng về khuya
Những người lính mở đường đi lấy nước
Họ lách qua những cánh đồi tháng chạp
Trong đoàn người dò dẫm có anh tôi
Biển ùa ra xoắn lấy mọi người
Vì yêu biển mà họ thành sơ hở
Anh tôi mất sau loạt bom tọa độ
Mất chỉ còn cách nước một vài gang (Phan Thiết có anh tôi)
Trước và sau giải phóng, nhà thơ Hữu Thỉnh đã mải tìm nơi anh mình hy sinh, khi nhà thơ theo đoàn xe tăng hành quân về hướng Sài Gòn:
Anh ở đây mà em mãi đi tìm
Em hy vọng để lấy đà vượt dốc
Tân Cảnh
Sa Thầy
Đắt Pét
Đắc Tô
Em đã qua những cơn sốt anh qua
Em đã gặp trận mưa rừng anh gặp
Vẫn không ngờ có một trưa Phan Thiết
Em một mình đứng khóc ở sau xe (Phan Thiết có anh tôi)
Còn nhà văn Trung Trung Đỉnh, anh ruột của Đỉnh hy sinh ở Hoài Châu, Hoài Nhơn (Bình Định). Cùng trong trường hợp gắn với nước, đây là nước mưa. Anh ruột Đỉnh là bộ đội địa phương Bình Định, hy sinh khi đang nằm hầm bí mật, bị mưa, phải bò lên trú vào bếp nhà dân thì bị địch phát hiện, bắn chết.
Hai người anh của Hữu Thỉnh và Trung Trung Đỉnh hy sinh trong hoàn cảnh như vậy. May cho Trung Trung Đỉnh là người anh được nhân dân Hoài Châu an táng, nên từ năm 1972, Đỉnh đã từ Tây nguyên đi bộ về Hoài Châu tìm được mộ anh mình.
Khoảng năm 1991, Trung Trung Đỉnh vào Hoài Châu bốc mộ anh, hài cốt anh đã rã thành đất, em đưa anh trong túi du lịch, vào ga Diêu Trì đi tàu lửa về quê.
Tôi là người bạn may mắn chứng kiến cả hai nhà thơ nhà văn Hữu Thỉnh và Trung Trung Đỉnh đưa anh ruột mình về quê. Chỉ khác, Đỉnh thì đi tàu lửa, còn Hữu Thỉnh thì đưa anh mình đi xe ô tô.
Năm 1991, tôi có việc vào Quy Nhơn và biết tin Đỉnh đang chờ tàu lửa ở ga Diêu Trì nên vội chạy ra ga. Anh em gặp nhau, cùng ngồi đợi tàu.
Trung Trung Đỉnh mang túi du lịch rước hài cốt anh ruột mình trong đó.
Mười mấy năm sau, năm 2008, tôi lại đón Hữu Thỉnh ở Quảng Ngãi, khi Thỉnh tìm được mộ anh mình ở Phan Thiết, rước anh mình về quê trên chiếc xe ô tô nhỏ. Đón Hữu Thỉnh, tôi mời anh ăn cơm, chứng kiến cảnh đứa cháu Thỉnh mang một bát cơm mời bác ruột mình ngoài xe.
Ngay sau đó, tôi viết được bài thơ Hai anh em về câu chuyện đau buồn này. Hai anh em đó gồm cả Hữu Thỉnh và Trung Trung Đỉnh trong hành trình đưa hai người anh ruột của mình về quê.
Hai nhà thơ nhà văn đều là lính tham gia chiến trường, đều có anh ruột là liệt sĩ vào chiến trường trước mình và đã hy sinh. Xin trình bài thơ nhỏ của tôi viết về câu chuyện này:
(tặng Hữu Thỉnh - ngày đưa anh ruột từ Phan Thiết về quê Vĩnh Phúc)
không xe tăng không đại pháo
hai anh em đi bên nhau nghìn cây số
đi bên nhau kẻ mất người còn
đi bên nhau hai thế giới
hai nỗi buồn
40 năm âm dương
xa xưa lắm ngày hai anh em đi bên nhau
phía sau con trâu phía trước con bò
những ngọn đồi sim mua xơ xác
dù anh em kiến giải nhất phận
nhưng đâu phải đi bên nhau thế này
mỗi lúc xe dừng thằng cháu vật vờ thắp nén hương
mỗi bữa cháo chợ cơm đường giấu giếm mời anh một bát
không dám nói không dám nấc
anh hun hút thế giới chảy ngược
em ngẩn ngơ rát mặt bụi đường
đâu dám nghĩ ngày hai anh em về quê hương
lại dằng dặc thế
nếu cõi kia có cây số
sẽ hiện cột - 1500
xe chở hai anh em chạy lầm thầm đường Một
mà khác dấu âm (-) dương (+)
nghĩ còn may trời cho em tìm đúng anh
nghĩ còn may sau 40 năm có ngày anh về lại quê nhà
nghĩ còn may hơn hai anh em nhà Trung Trung Đỉnh
em ôm anh trong chiếc túi du lịch
đêm đông se sắt đợi tàu
nghĩ còn may hơn hàng chục vạn anh em khác
mỏi mòn mờ mịt tìm nhau
6.10.2008
Bình luận (0)