Hải quân Mỹ là lực lượng hùng mạnh nhất trên biển hiện nay với những loại khí tài tối tân. Tuy nhiên, các đối thủ của nước này cũng đang đẩy mạnh phát triển các thế hệ vũ khí mới để ứng phó. Mặt khác, Mỹ thường xuyên triển khai hải quân đến nhiều vùng biển trên thế giới. Với phạm vi hoạt động rộng khắp như vậy, những mối đe dọa nhằm vào lực lượng này rất đa dạng, từ tàu cao tốc công nghệ thấp và thủy lôi của hải quân Iran cho đến tên lửa đạn đạo chống hạm hiện đại của Trung Quốc.
“Kẻ hủy diệt” mang tên thủy lôi
Khắc tinh đầu tiên của hải quân Mỹ phải kể đến thủy lôi. Trong điều kiện chiến tranh hiện đại với các loại tên lửa diệt hạm siêu tốc và khả năng rà phá ngày càng được nâng cao của các tàu chiến thì thủy lôi có phần bị xem nhẹ. Tuy nhiên, loại vũ khí xưa cũ này có sức hủy diệt rất lớn và vẫn là công cụ phòng thủ ven biển cực kỳ lợi hại mà lại không tốn nhiều chi phí.
Chuyên san The National Interest chỉ ra rằng trong hơn 30 năm qua, nhiều tàu chiến trị giá hàng tỉ USD của Mỹ như khu trục hạm USS Samuel B.Roberts, tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường USS Princeton và tàu tấn công đổ bộ USS Tripoli đã trở thành nạn nhân của những quả thủy lôi có giá chưa tới 500.000 USD.
Các đối thủ tiềm năng của Washington hiện vẫn duy trì một lượng lớn thủy lôi trong kho vũ khí của mình. Ước tính Trung Quốc có tầm 50.000 - 100.000 quả thủy lôi các loại, còn Iran cũng sở hữu khoảng vài ngàn.
|
Ác mộng từ tàu ngầm
The National Interest dẫn lời các chuyên gia nhận định từ sau Chiến tranh Lạnh, Hải quân Mỹ có phần lơ là về tác chiến chống tàu ngầm. Đặc biệt sau vụ tấn công 11.9.2001, Washington tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố trên đất liền và năng lực săn ngầm của hải quân càng bị hao mòn. Máy bay săn ngầm S-3 Viking bị cho về hưu, chương trình thay thế bằng máy bay P-3C Orion bị trì hoãn nhiều năm, còn tàu chiến thiếu hụt thiết bị cảm biến và vũ khí chống tàu ngầm.
Trong khi đó, theo giới quan sát, mối đe dọa từ tàu ngầm đối với Mỹ đã tăng lên mức báo động trong vài năm qua khi Trung Quốc và Nga không ngừng đẩy mạnh phát triển hạm đội tàu ngầm. Ngoài lớp Kilo cực êm với biệt danh “hố đen trên biển”, Nga đang đẩy mạnh phát triển các loại tàu ngầm mới.
Hãng tin Tass dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov hồi giữa tuần thông báo Moscow đã bắt đầu triển khai bước đầu dự án tàu ngầm hạt nhân thế hệ 5 lớp Husky song song với chương trình đóng một loạt tàu ngầm lớp Yasen thế hệ 4 được trang bị tên lửa và ngư lôi. Thậm chí, cả CHDCND Triều Tiên cũng được cho là đang cấp tập đóng một lớp tàu ngầm mới lớn hơn các lớp đang sở hữu cũng như có khả năng mang tên lửa đạn đạo.
Sát thủ của tàu sân bay
Lâu nay, tàu sân bay luôn là một trong những niềm tự hào của hải quân Mỹ, đồng thời cũng là mục tiêu lớn cho các đối thủ của nước này. Trong số đó, Trung Quốc được cho là rất chú trọng vào các loại tên lửa tấn công tàu sân bay. Báo chí và giới chuyên gia quân sự Trung Quốc thường xuyên “khoe khoang” về 2 loại tên lửa DF-21D và DF-26 được ca ngợi là “sát thủ tàu sân bay”. Trong đó, DF-21D được cho là có tầm bắn 3.000 km có khả năng diệt tàu sân bay đang di chuyển, theo tờ South China Morning Post. Tình báo Mỹ ước đoán Bắc Kinh hiện có 50 - 100 tên lửa DF-21D có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Còn tên lửa DF-26 sở hữu công nghệ dẫn đường tối tân, mang được đầu đạn hạt nhân lẫn thông thường, có thể tấn công mọi mục tiêu ở cách xa khoảng 3.500 - 5.500 km. Với tầm bắn này, thậm chí căn cứ hải quân Mỹ tại đảo Guam cũng bị đưa vào tầm ngắm. Giới quan sát nhận định 2 loại tên lửa này là thành tố chủ đạo trong chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc nhằm uy hiếp hải quân các nước hoạt động ở tây Thái Bình Dương phục vụ mưu đồ thống trị khu vực.
Tên lửa diệt hạm siêu thanh
Theo các nhà phân tích quân sự, đụng độ trực tiếp giữa các chiến hạm sẽ ngày càng đẫm máu hơn trước trong bối cảnh tên lửa diệt hạm ngày càng phổ biến trên khắp hành tinh với tốc độ và mức độ gây chết chóc lớn hơn bao giờ hết.
Tên lửa hành trình diệt hạm YJ-18 của Trung Quốc ước tính có tầm bắn hơn 470 km và ở giai đoạn cuối có thể tăng tốc lên Mach 3 (gần 4.000 km/giờ), trong khi Nga cũng có khả năng phát triển vũ khí tương tự. Tầm bắn của các vũ khí như tên lửa YJ-18 khiến hải quân Mỹ phải đẩy mạnh công tác giám sát trên diện rộng và sẵn sàng tấn công phủ đầu kẻ thù. Một lựa chọn khác là bắn hạ tên lửa ngay khi vừa được phóng nhưng với vận tốc hành trình là gần 4.000 km/giờ ở độ cao 14 m, hải quân Mỹ sẽ gặp rất nhiều thách thức để ứng phó kịp thời.
Mối nguy từ vũ khí laser
Tương tự như tên lửa dẫn đường, sự xuất hiện của vũ khí laser đã mở ra kỷ nguyên mới của chiến tranh. Dù còn phải mất một thời gian dài trước khi vũ khí này chính thức đi vào thực chiến, song việc Mỹ lẫn các đối thủ tiềm tàng lao vào cuộc đua chế tạo vũ khí năng lượng cao sẽ trở thành nguy cơ đụng độ lớn trong tương lai.
Lầu Năm Góc đánh giá vũ khí laser có nhiều ưu điểm vượt trội là không gây tiếng động lớn, hầu như vô hình, chi phí cực thấp và có độ hủy diệt chính xác cao khi di chuyển với tốc độ ánh sáng. Khẩu pháo laser đang thử nghiệm trên chiến hạm USS Ponce của Mỹ chỉ có giá khoảng 40 triệu USD và tốn chi phí 1 USD/lần bắn. Trong khi đó, tính trung bình, chi phí sản xuất mỗi quả tên lửa Tomahawk đã lên tới 1,4 triệu USD.
Không chỉ Mỹ, Nga và Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh cho công nghệ laser nên loại vũ khí sát thủ này sẽ sớm trở nên phổ biến trên thế giới. Khi đó, lực lượng Mỹ sẽ có nguy cơ chịu tổn thất lớn nếu các tàu gần bờ bị tấn công bằng tia laser và tên lửa diệt hạm bị vũ khí laser “khóa mục tiêu”. Chưa kể, nếu loại vũ khí hiệu quả và giá rẻ này rơi vào tay các tổ chức vũ trang cực đoan thì sẽ trở thành hiểm họa khôn lường cho lực lượng hải quân Mỹ đang hoạt động rộng khắp trên toàn cầu.
Bình luận (0)