Siêu tàu ngầm hạt nhân mới của Nga

06/10/2016 10:20 GMT+7

Nga khẩn trương thúc đẩy kế hoạch chế tạo tàu ngầm tấn công hạt nhân thế hệ 5 được kỳ vọng giúp thay đổi sức mạnh hải quân nước này.

Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov ngày 4.10 xác nhận Moscow đã bắt đầu triển khai việc phác họa thiết kế sơ bộ tàu ngầm hạt nhân thế hệ 5 lớp Husky. “Việc thiết kế sơ bộ tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ 5 đang được tiến hành, kết quả của công việc này sẽ quyết định tiến độ thi công”, theo tờ báo Nga Moskovsky Komsomolets dẫn lời ông Borisov. Tập đoàn đóng tàu Thống nhất của Nga (UAC) trước đó cũng thông báo bắt đầu xúc tiến kế hoạch phát triển tàu ngầm hạt nhân Husky để thay thế cho đội tàu lớp Yasen đang vận hành của nước này.
Hãng Tass đưa tin việc thiết kế sơ bộ được giao cho Viện Thiết kế Malakhit tại TP.St Petersburg và quá trình này sẽ hoàn tất trong vòng 2 năm tới. Giám đốc điều hành Vladimir Dorofeev của Malakhit tiết lộ việc đóng tàu lớp Husky có thể bắt đầu sau năm 2020. Moscow hiện cũng đang đóng một loạt tàu ngầm lớp Yasen thế hệ 4 được trang bị tên lửa và ngư lôi, thuộc Đề án 885.
Tàu ngầm đa nhiệm
Tạp chí The National Interest cho hay tàu ngầm lớp Husky nhiều khả năng sẽ được thiết kế để tối đa hóa tính tương đồng với các tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Borei thuộc Đề án 955A của Nga.
Theo đó, các chuyên gia sẽ chế tạo tàu ngầm thế hệ 5 với hai phiên bản khác nhau song có cùng thiết kế về lớp vỏ. Điểm khác biệt chính yếu sẽ là hệ thống vũ khí của hai tàu, với phiên bản đánh chặn không có ống phóng tên lửa hành trình hay tên lửa tầm xa chống hạm. Phiên bản đánh chặn này sẽ thay cho các tàu ngầm lớp Shchuka-B thuộc Đề án 971, tàu lớp Sierra của Đề án 945 và tàu lớp Shchuka thuộc Đề án 671RTM. Còn phiên bản tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SSGN) sẽ thay thế tàu ngầm lớp Antey của Đề án 949A và sẽ được trang bị tên lửa hành trình bội siêu thanh Zircon đạt tốc độ khoảng Mach 6 (hơn 6.000 km/giờ), vốn sẽ trình làng vào năm 2018, Hãng Sputnik cho hay.
Các chuyên gia ước tính tàu ngầm thế hệ mới sẽ có lượng choán nước khoảng 6.000 tấn, được đánh giá là nhỏ và có giá thành thấp hơn hẳn so với các thế hệ tàu ngầm trước đây của Nga. Điểm khác biệt mới của tàu ngầm lớp Husky còn là sử dụng cấu trúc composite nhằm giảm đáng kể tiếng ồn, một nỗ lực được cho là tham vọng hơn so với Mỹ, vốn chỉ sử dụng vật liệu này để giảm trọng lượng, độ phức tạp và chi phí sản xuất tàu ngầm lớp Virginia. “Loại vật liệu composite đa tầng mới có tác dụng giảm tín hiệu thủy âm phát ra từ tàu ngầm, giúp bảo vệ tàu khỏi các thiết bị do thám cũng như hạn chế độ rung từ máy...”, tờ Izvestia dẫn lời chuyên gia quốc phòng Nga Valeriy Polovinkin cho biết.
Moscow hy vọng có thể sử dụng vật liệu composite để chế tạo mọi thứ từ lớp phủ ngoài vỏ tàu cho đến bánh lái, chân vịt... Công nghệ này được kỳ vọng làm giảm đáng kể trọng lượng, tăng độ tin cậy và giảm chi phí vận hành tàu do composite không bị ăn mòn nên không cần sơn quét, theo chuyên gia Polovinkin. Vật liệu composite hiện vẫn đang trong quá trình thử nghiệm song Nga sẽ thử mẫu động cơ đẩy bằng composite đầu tiên vào năm 2018.
Tăng cường sức mạnh tại Bắc Cực
Việc đóng tàu ngầm kể trên là một phần trong chiến lược quân sự của Nga trong tương lai, bên cạnh động thái gia cố sức mạnh quân sự tại Bắc cực.
Theo Tass, Moscow gần đây bất ngờ điều các hệ thống vũ khí tối tân đến Bắc cực, đồng thời cho thiết lập một mạng lưới thống nhất các cơ sở quân sự trong khu vực để đón tàu chiến, chiến đấu cơ hiện đại nhằm tăng cường bảo vệ biên giới.
Một trong những bước đi đó là điều 2 tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumph tới Bắc cực, theo Tass dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Tổng tham mưu Nga. Ngoài S-400, Nga cũng đã triển khai các khẩu đội tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S đến khu vực trên nhằm hỗ trợ năng lực phòng thủ tầm ngắn.
Bên cạnh đó, một tiểu đoàn tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion cũng đã được đưa tới Novaya Zemlya để phòng thủ trước các cuộc tấn công từ biển vào đất liền.
Việc bảo vệ biên giới Nga tại Bắc cực là một trong những nhiệm vụ của quân đội từ năm 2014, theo Hãng Tass. Moscow cũng đã thiết lập Bộ Tư lệnh chiến lược liên quân Bắc cực, sáp nhập các đơn vị và cơ quan chỉ huy ở khu vực phía bắc của nước này. Ông Mikhail Mizintsev, người đứng đầu Trung tâm kiểm soát quốc phòng Nga, tiết lộ nước này sẽ xây dựng 13 sân bay, một căn cứ huấn luyện bay và 10 hệ thống radar phòng không cùng đài hướng dẫn không lưu tại Bắc cực...
Bộ Quốc phòng Nga cũng vừa lập các nhóm quân tại quần đảo Novaya Zemlya, quần đảo Frantz Joseph Land, quần đảo New Siberia, đảo Wrangel và mũi Schmidt, đồng thời đã bắt đầu xây dựng 7 sân bay tại Yakutia, Taimyr và Chukotka. Các nhóm quân trên đều thuộc Bộ Tư lệnh liên quân Bắc cực, có nhiệm vụ bảo vệ các lợi ích của Nga tại khu vực cực Bắc.
Động thái tăng cường hiện diện quân sự của Moscow thật sự gây quan ngại cho Na Uy, Mỹ và NATO, theo tờ The Wall Street Journal. “Năng lực quân sự của Nga và phương Tây sắp ngang nhau, giống như thời Chiến tranh lạnh”, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Haakon Bruun-Hanssen cho biết nhân chuyến thăm nước này mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Ông thừa nhận lực lượng NATO hiện vẫn nắm ưu thế về vũ khí và năng lực tác chiến song Nga đang bắt kịp với các thiết bị cảm biến, tàu ngầm...
Phó đô đốc James Foggo III, Tư lệnh Hạm đội 6 thuộc hải quân Mỹ, gần đây cũng cảnh báo Nga đang nhanh chóng rút ngắn khoảng cách công nghệ vũ khí với các nước phương Tây. Rõ ràng, việc Nga đẩy mạnh năng lực quân sự tại Bắc cực được xem là lời cảnh tỉnh cho giới chức quân sự Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa Washington và Moscow trong tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt” liên quan đến vấn đề Syria.
Cũng theo The Wall Street Journal dẫn nguồn từ giới chức NATO, liên minh này đang đẩy mạnh các cuộc tập trận chống tàu ngầm cùng nhiều cuộc tập trận hải quân khác nhằm đối phó Nga.
Nga triển khai tên lửa S-300 đến Syria
Nga ngày 4.10 xác nhận đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-300 đến căn cứ hải quân của nước này tại TP.Tartus ở Syria.
Theo BBC trích lời phát ngôn viên Igor Konashenkov của Bộ Quốc phòng Nga, quyết định trên nhằm bảo vệ căn cứ khỏi các cuộc tấn công từ trên không. “Để tôi nhắc lại cho các bạn biết rằng S-300 chỉ là hệ thống phòng thủ và chẳng gây đe dọa cho bất cứ ai. Không rõ tại sao việc triển khai hệ thống trên lại khiến các đối tác phương Tây của chúng tôi ầm ĩ như vậy”, ông Konashenkov nói. Đài Fox News dẫn lời giới chức quân sự Mỹ cho biết S-300 đã được triển khai hồi cuối tuần qua.
Động thái trên diễn ra giữa lúc Mỹ ngưng mọi cuộc đối thoại với Nga liên quan đến nỗ lực chấm dứt chiến sự tại Syria. Còn thỏa thuận ngừng bắn tại Syria do Washington và Moscow làm trung gian đã sụp đổ hồi tháng trước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.