Mỗi tàu mới được đưa vào biên chế trong hạm đội tàu nổi của hải quân Mỹ đều có mang một quyển bách khoa toàn thư The American Practical Navigator (tạm dịch: Hoa tiêu Thực dụng Mỹ) của tác giả Nathaniel Bowditch (được xuất bản lần đầu vào năm 1802), theo báo Nikkei Asia.
Quyển sách này được đặt trên đài chỉ huy của tàu, có dữ liệu về vĩ độ và kinh độ của các cột mốc khác nhau, từ ngọn hải đăng Bugio ở thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha, đến ngọn hải đăng Kannonzaki ở thành phố Yokosuka của Nhật Bản. Bộ sách này còn cung cấp các chỉ dẫn chi tiết về cách dùng kính lục phân để đo vị trí hiện hành của con tàu bằng cách quan sát mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao và chân trời.
Dù việc để bộ bách khoa toàn thư về điều hướng trên mỗi con tàu phần lớn mang tính nghi thức, nhưng mối đe dọa từ năng lực tác chiến điện tử của Trung Quốc đang làm gia tăng khả năng các hạ sĩ quan phụ lái tàu sẽ dùng tới quyển sách này.
|
Hồi tháng 8.2020, tàu quét thủy lôi USS Patriot của hải quân Mỹ đóng ở thành phố Sasebo, Nhật Bản đã di chuyển dọc bờ biển phía tây của Nhật với khoảng cách hơn 1.770 km mà chỉ dựa vào thiên văn hàng hải. Theo đó, vào lúc trưa, các thủy thủ dùng kính lục phân để đo góc của mặt trời tại điểm cao nhất trong ngày. Dữ liệu này sẽ được đưa vào một chương trình máy tính được gọi là Hệ thống ước tính vĩ độ và kinh độ theo cách liên quan thiên văn (STELLA). Các thủy thủ cũng quan sát khoảng cách góc giữa chân trời với mặt trăng, các hành tinh và ngôi sao để tính vĩ độ và kinh độ. Trên đài chỉ huy của tàu, một đội điều hướng dùng dữ liệu đó để lái tàu vào ban ngày lẫn đêm.
"Trận chiến mở đầu thầm lặng"
Thiên văn hàng hải không còn nằm trong chương trình giảng dạy của Học viện Hải quân Mỹ vào năm 2006 vì ngành này dường như lỗi thời. Tuy nhiên, đến năm 2015, học viện đưa thiên văn hàng hải trở lại chương trình giảng dạy. Động thái này xuất phát từ nhận thức rằng khi các lực lượng Mỹ ngày càng phụ thuộc vào liên lạc kỹ thuật số, vốn dựa vào Hệ thống định vị toàn cầu (GPS), có thể hạn chế khả năng của quân đội Mỹ. Quan ngại này càng tăng khi Trung Quốc nâng cao các khả năng tác chiến điện tử và tấn công mạng, theo Nikkei Asia.
“Trận chiến mở đầu của cuộc chiến tranh lớn kế tiếp sẽ diễn ra thầm lặng”, nhà chiến lược Peter Singer thuộc tổ chức nghiên cứu New America nhận định. Trận chiến này sẽ không giống như trận tập kích trên không vào Trân Châu cảng - trận thảm bại đã kéo Mỹ vào cuộc chiến tranh với Nhật Ban vào năm 1941. Trong không gian mạng, những động thái gây ra vấn đề diễn ra nhiều tuần, tháng hoặc năm trước khi chiến tranh bùng nổ. “Bạn xâm nhập mạng rồi tận dụng việc đó vào ngày khai chiến”, ông Singer bình luận.
|
Nếu liên lạc kỹ thuật số bị vô hiệu hóa, hải quân Mỹ sẽ trở lại một thế giới tự nhiên, dựa vào mắt và tai để sống sót, dùng trở lại kính lục phân. Tuy nhiên, ông Singer cho rằng vẫn có hai lựa chọn khác ngoài việc phải sử dụng các công cụ từ thời thế kỷ 18 như kính lục phân. Một là xây dựng hệ thống liên lạc có khả năng mau phục hồi hơn và việc cải thiện an ninh mạng cũng có thể giúp quân đội đẩy lùi bất kỳ thách thức nào đối với GPS. Lựa chọn thứ 2 là phát triển các hệ thống rất thông minh mà không cần GPS.
Cuộc xung đột tương lai Mỹ-Trung
Ngoài ra, nhà phân tích kỳ cựu Billy Fabian tại công ty phân tích và dữ liệu Govini cho rằng trong việc xem xét bản chất của một cuộc chiến tranh tiềm tàng với Trung Quốc, điều quan trọng là cần chuẩn bị một kịch bản mà theo đó các liên lạc bị gián đoạn. “Một cuộc xung đột tương lai giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khác với các cuộc xung đột trong quá khứ về 2 phương diện. Một là mỗi lĩnh vực đều có sự giằng co quyết liệt và điều đó khác với những gì chúng ta đã luôn thực hiện - nhanh chóng chiếm ưu thế trong tất cả lĩnh vực để rồi tự do hoạt động trong môi trường thông tin, trên không và trên biển”, ông Fabian phân tích.
“Hai là chúng ta sẽ có áp lực thời gian rất lớn. Hầu hết những nơi Mỹ có thể sẽ có chiến tranh trong tương lai là ở sân sau của Trung Quốc”, ông Fabian nhận định. Ông còn cho rằng Trung Quốc “có thể cố đạt được các mục tiêu tấn công của họ trước khi chúng ta có thể ứng phó đầy đủ và rất khó để đảo ngược những gì họ giành được. Vì vậy, chúng ta cần phải hành động nhanh chóng để ngăn chặn điều đó”.
Lục quân Mỹ đang thực hiện khái niệm được gọi là “bộ chỉ huy nhiệm vụ” mà theo đó các chỉ huy cấp thấp ở tiền tuyến được trao quyền lên kế hoạch, điều phối và thực hiện các quyết định mà không cần phải xin lệnh từ cấp trên. Theo cách này, các đơn vị nhỏ có thể tiếp tục hoạt động dù liên lạc có bị gián đoạn.
Trong báo cáo thường niên mang tên Sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2020 gửi cho quốc hội, Lầu Năm Góc lưu ý quân đội Trung Quốc lập Lực lượng Hỗ trợ chiến lược hồi năm 2016 để tập trung vào không gian, mạng và các khả năng tác chiến điện tử và tâm lý chiến. Việc tạo ra lực lượng này phản ánh mối lo ngại của Trung Quốc về sự cách biệt giữa các khả năng mạng của nước này với các khả năng tương ứng của Mỹ, theo báo cáo. Lầu Năm Góc còn nhận định giới lãnh đạo Trung Quốc tin rằng “việc đạt được ưu thế về thông tin và ngăn chặn đối thủ sử dụng phổ điện từ là cần thiết để chiếm và duy trì thế chủ động trong một cuộc xung đột”.
Bình luận (0)