Hải quân Mỹ tiếp nhận siêu tàu sân bay

24/07/2017 10:30 GMT+7

Tàu sân bay USS Gerald R.Ford chính thức gia nhập hải quân Mỹ trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump tích cực yêu cầu tăng ngân sách để đóng thêm nhiều tàu chiến.

Trong một buổi lễ trọng thể vào ngày 22.7 (giờ địa phương) tại căn cứ hải quân Norfolk, bang Virginia, hải quân Mỹ đã tiếp nhận hàng không mẫu hạm USS Gerald R.Ford, chiếc đầu tiên thuộc một lớp tàu sân bay mới của Mỹ sau 42 năm, kể từ khi lớp Nimitz gia nhập hạm đội vào ngày 3.5.1975, theo tờ The New York Times. Dù mất nhiều thời gian và chi phí hơn so với dự tính, con tàu khổng lồ vẫn đại diện cho một mốc lịch sử quan trọng của hải quân Mỹ.
Với những lời tán dương và chúc lành đối với quân đội Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã chủ trì buổi lễ chuyển giao tàu sân bay USS Gerald R.Ford. Vị tổng tư lệnh quân đội Mỹ đã so sánh con tàu 12,9 tỉ USD như là “một tác phẩm nghệ thuật ấn tượng”, đồng thời nhấn mạnh đây là sản phẩm do Mỹ sản xuất. “Sắt thép do Mỹ sản xuất và đôi tay của người lao động Mỹ đã tạo nên “thông điệp” nặng 100.000 tấn gửi đến toàn thế giới: sức mạnh Mỹ là vô song”, theo Reuters dẫn lời Tổng thống Trump.
Đặt tên theo vị tổng thống thứ 38, con tàu được khởi công từ năm 2005 có kích cỡ tương đương lớp Nimitz nhưng uy lực hơn hẳn. Phần cấu trúc bên trên của USS Gerald R.Ford, cụ thể là tháp điều khiển, nhỏ hơn và nằm ở xa hơn về hướng đuôi, cho phép tăng tốc độ tiếp nhiên liệu, nạp lại vũ khí và phóng máy bay. Tần suất phóng chiến đấu cơ trong ngày cũng tăng thêm 33% so với lớp tàu trước, nhờ vào máy phóng điện từ (so với thủy lực trước đây) và hệ thống đáp đời mới.
Diện tích boong tàu lên đến 20.234 m2, cho phép chở theo ít nhất 75 máy bay, trong đó có dòng chiến đấu cơ đời mới F-35C Lightning II. Với 2 lò phản ứng đời mới, giúp sản xuất điện năng cao gấp 2,5 lần lớp tàu trước đó, kèm theo hệ thống hoa tiêu kỹ thuật số và công nghệ màn hình chạm, USS Gerald R.Ford chỉ cần khoảng 2.600 thủy thủ để vận hành, ít hơn 600 người so với Nimitz; di chuyển ở vận tốc khoảng 56 km/giờ và hoạt động trong vòng 20 năm mà không cần bổ sung nhiên liệu. Từ những điểm này, hải quân tính toán con tàu sẽ tiết kiệm được hơn 4 tỉ USD trong 50 năm hoạt động.
Tuy nhiên, USS Gerald R.Ford vẫn đối mặt không ít thách thức trước khi chính thức hoạt động như một hàng không mẫu hạm. Chi phí đóng tàu đã tăng thêm 2 tỉ USD so với mức đề xuất trước đây là khoảng 10,5 tỉ USD, bị trì hoãn đến 2 năm so với thời điểm xuất xưởng dự kiến do gặp trục trặc với các máy phóng điện từ. Thậm chí, đến nay con tàu vẫn cần thêm 4 năm để chạy thử trước khi được triển khai, và dự kiến Lầu Năm Góc sẽ phải rót thêm 780 triệu USD trong giai đoạn này.
Tổng thống Donald Trump cũng tận dụng cơ hội chuyển giao hàng không mẫu hạm mới cho hải quân để yêu cầu quốc hội Mỹ thông qua đề xuất ngân sách với khoản chi bổ sung 54 tỉ USD cho hoạt động của quân đội trong năm 2018. Nhà lãnh đạo này cũng cho rằng cần phải thay đổi quy trình cung cấp vũ khí và trang thiết bị cho cánh quân sự để đảm bảo quân đội Mỹ có được thiết bị tốt nhất với mức giá phải chăng.
Tàu USS Gerald R.Ford chỉ là chiếc đầu tiên trong số 3 chiếc tàu sân bay cùng lớp được Mỹ lên kế hoạch bổ sung vào hạm đội. Chiếc thứ hai mang tên John F.Kennedy đang được đóng và dự kiến hạ thủy năm 2018, trong khi chiếc kế tiếp mang tên Enterprise dự kiến hạ thủy năm 2023.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.