Từ đầu năm đến nay, Hải quân Nga đã thực hiện các cuộc tập trận lớn ở những nơi xa xôi trên thế giới, thể hiện các khả năng của mình ngay cả khi quân đội nước này chịu tổn thất nặng nề trong cuộc xung đột với Ukraine, theo báo Business Insider ngày 12.5.
Những cuộc tập trận ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cho thấy quân đội Nga không xuống cấp và Điện Kremlin không bị cô lập như Kyiv và những bên ủng hộ Ukraine mong muốn.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng những lực lượng được triển khai để gửi thông điệp trên sẽ không có lợi thế hơn so với những lực lượng khác, khi Nga bắt đầu xây dựng lại quân đội mà nước này đã đưa vào tham chiến và chịu tổn thất nặng nề ở Ukraine, theo Business Insider.
Đưa tàu mang tên lửa bội siêu thanh tập trận
Các quan chức Nga hồi tháng 1 cho hay tàu hộ vệ tên lửa dẫn đường Đô đốc Gorshkov và một tàu chở dầu sẽ tham gia cuộc tập trận do Nam Phi tổ chức vào tháng 2. Tàu Đô đốc Gorshkov được trang bị tên lửa bội siêu thanh Zircon, loại vũ khí mà Moscow ca ngợi là "bất khả chiến bại". Loại tên lửa này đã được thử nghiệm khi tàu đi qua Đại Tây Dương, diễn tập tấn công "mục tiêu được mô phỏng là tàu chiến của kẻ thù", theo Bộ Quốc phòng Nga.
Trong cuộc tập trận, được gọi là Mosi II và diễn ra từ ngày 17-28.2, các tàu Nga đã huấn luyện với các tàu chiến của Nam Phi và Trung Quốc. Sau đó, tàu Nga đi về phía đông để tham gia tập trận với các tàu Trung Quốc và Iran vào giữa tháng 3, và thực hiện một chuyến thăm cảng ở Ả Rập Xê Út vào đầu tháng 4 trước khi đến căn cứ của Nga tại thành phố Tartus thuộc Syria. Đó là lần đầu tiên một tàu chiến Nga thăm cảng ở Ả Rập Xê Út, theo Business Insider.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Nga từ chức
Trong khi Trung Quốc và Iran là hai trong số những nước ủng hộ lớn nhất của Nga, Nam Phi đã tuyên bố quan điểm trung lập về cuộc chiến ở Ukraine và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Washington và Moscow. Nam Phi đã hạ thấp tầm quan trọng của cuộc tập trận, khi ngoại trưởng nước này gọi đây là "cuộc tập trận với những người bạn".
Tuy nhiên, các chính trị gia đối lập Nam Phi và Mỹ đều chỉ trích chính phủ Nam Phi vì đã cho phép Nga phô diễn sức mạnh quân sự trong dịp đánh dấu chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine tròn một năm (24.2.2022-24.2.2023). "Ngay bây giờ, điều tôi thực sự lo ngại là Mosi II", tướng Michael Langley, Chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ, nói với các nhà lập pháp Mỹ vào tháng 3, gọi cuộc tập trận là "một chiến dịch nhằm gửi thông điệp" của Nga và Trung Quốc.
Business Insider dẫn lời ông Mark Galeotti, chuyên gia về các vấn đề quân sự của Nga, cho rằng cuộc tập trận trên đối với Nga giống như một tuyên bố chính trị. Ông mô tả cuộc tập trận là "một phần trong chiến dịch tiếp tục của [Tổng thống Nga Vladimir] Putin nhằm cố gắng lôi kéo" các nước khác và thể hiện mình đang cố gắng chống lại "phương Tây xấu xa và sự bá quyền kiểu Mỹ".
Chiến hạm Nga tập trận với Nam Phi, Trung Quốc, sẽ phóng thử tên lửa bội siêu thanh Zircon?
Sau khi tàu Đô đốc Gorshkov tới Syria vào giữa tháng 4, Nga đã công bố một cuộc tập trận bất ngờ để kiểm tra sự sẵn sàng của Hạm đội Thái Bình Dương và kiểm tra "năng lực đẩy lùi một cuộc tấn công trên biển". Cuộc tập trận kéo dài một tuần với sự tham gia của 25.000 quân nhân, 167 tàu hải quân, trong đó có 12 tàu ngầm, và 89 máy bay, theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Khi đó, quân đội Nga đã phong tỏa một phần của biển Okhotsk và vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản để tập phóng ngư lôi, tên lửa và bắn pháo.
Quân đội Nga cũng đã tiến hành cuộc tập trận ở những khu vực khác kể từ khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng cuộc tập trận của Hạm đội Thái Bình Dương đáng chú ý về quy mô và địa điểm.
Nga đã sử dụng các hoạt động ở Thái Bình Dương, bao gồm những cuộc tuần tra chung với Trung Quốc cũng như các chuyến bay của máy bay ném bom và các cuộc tập trận hải quân gần bang Alaska (Mỹ), để gửi thông điệp tới Mỹ và các đồng minh của Mỹ.
Hạm đội Thái Bình Dương tập trận, Tổng thống Putin nói gì về vai trò hải quân Nga?
"Cánh tay yếu nhất" của quân đội Nga
Tuy Hải quân Nga cho đến nay vẫn tương đối bình yên trong cuộc chiến ở Ukraine, với tổn thất lớn duy nhất là soái hạm Moskva thuộc Hạm đội biển Đen, ông Galeotti nhận định với Business Insider rằng hải quân Nga luôn là "cánh tay yếu nhất" của quân đội Nga.
"Bản thân Hải quân Nga thực sự không thể làm được gì nhiều ngoài việc đóng vai trò là kẻ phá đám. Chúng ta không thể bỏ qua thực tế là Hải quân Nga vẫn có thể triển khai lực lượng của mình, nhưng ngoài việc triển khai lực lượng cho mục đích chứng tỏ rằng họ có năng lực, họ không thể làm được gì nhiều", ông Galeotti nhận định.
Những khả năng đó của Hải quân Nga có thể bị xói mòn hơn nữa khi Moscow đánh giá lại các ưu tiên quốc phòng để đối phó với môi trường địa chính trị mới và nhu cầu tái thiết các lực lượng còn lại của mình, theo Business Insider.
Hải quân Nga đã nhận được khoản đầu tư lớn vào thập niên 2000, khi Tổng thống Putin xây dựng lại quân đội sau một thập niên suy tàn thời hậu Liên Xô. Trong đó, lực lượng dưới biển được đặc biệt chú ý, với việc phát triển các tàu ngầm mới được trang bị vũ khí tốt hơn và đã khiến các chỉ huy NATO lo lắng.
Moscow cũng tập trung vào việc đóng các tàu chiến nổi nhỏ hơn, có năng lực cao hơn, như tàu lớp Đô đốc Gorshkov. Trong khi vẫn phải vật lộn với những con tàu lớn hơn, Hải quân Nga hiện có hàng chục tàu hộ vệ và khinh hạm được trang bị vũ khí tầm xa hiệu quả.
Bị Mỹ cáo buộc cung cấp vũ khí cho Nga, Nam Phi bác bỏ, hứa điều tra
Hải quân Nga sẽ đối mặt nhiều thách thức?
Trong khi lực lượng tàu ngầm của Nga có thể sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm và nguồn lực, các tham vọng khác của nước này dự kiến sẽ bị ảnh hưởng. Ông Galeotti cho rằng các kế hoạch hiện đại hóa hải quân và không quân của Nga được kỳ vọng sẽ sử dụng công nghệ mới "giờ đây hoàn toàn không thể đạt được".
Việc đóng và sửa chữa tàu không thể bị trì hoãn vô thời hạn mà không gây nguy cơ tổn hại lâu dài cho hạm đội và ngành đóng tàu của Nga, nghĩa là các nhà lãnh đạo Nga sẽ phải tìm cách cân bằng các nhu cầu, theo ông Dara Massicot, chuyên gia về quân đội Nga tại tổ chức tư vấn Rand Corporation (Mỹ).
"Nếu họ đang cố gắng phân bổ với những thách thức thực sự đối với số tiền mà họ đang có, tôi nghĩ rằng họ có thể sẽ chuyển hướng nguồn lực vào việc xây dựng lại lục quân và tên lửa, khiến việc phát triển hải quân đa nhiệm có thể không được ưu tiên", ông Massicot nhận định trong một sự kiện do Đại học Georgetown (Mỹ) tổ chức trong tháng trước.
Tàu ngầm tên lửa hạt nhân Nga sẽ sớm hoạt động thường xuyên ngoài khơi Mỹ?
Ngoài ra, ông Galeotti cho rằng Nga có thể sẽ mất một thập niên để tái xây dựng quân đội của mình với quy mô như trước chiến sự tại Ukrain, nếu nước này có thể tìm được nguồn vốn và tiếp cận được các vật liệu cần thiết cho vũ khí mới.
Việc Moscow sử dụng những nguồn tài nguyên còn lại như thế nào sẽ bị quân đội Mỹ soi xét kỹ lưỡng. Quân đội Mỹ càng lo ngại khi Nga triển khai nhiều tàu chiến tiên tiến hơn trong thập niên qua. Chuẩn đô đốc Michael Studeman, chỉ huy Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ, cho rằng Hải quân Nga "có thể sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức" về lâu dài, theo Business Insider.
Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Nga đối với những nhận định trên.
Bình luận (0)