Hải trình tháng 3: Người trẻ bám trụ đảo

17/03/2017 10:02 GMT+7

Sau hơn 8 giờ lênh đênh trên biển, chiếc tàu của Vùng 5 Hải quân đưa chúng tôi từ đảo ngọc Phú Quốc cập cảng đảo Thổ Chu - đảo Thanh niên.

Từ bãi Ngự, một cầu tàu rộng lớn, dài hàng trăm mét vươn thẳng ra phía cửa vịnh. Hai bên là hàng trăm ghe, tàu đánh bắt hải sản của ngư dân neo đậu tấp nập bán cá cho tàu thu mua và chuẩn bị cho những chuyến ra khơi tiếp theo. “Thật khó có thể hình dung, sau một hành trình dài trên biển, trước mắt tôi lại là quang cảnh nhộn nhịp như vậy”, anh Hiếu (ngụ TP.HCM), một du khách lần đầu đến Thổ Chu, nói...
Cuộc sống phát triển từng ngày
Con đường bê tông rộng khoảng 10 m, cong như một cánh cung uốn theo bờ vịnh bãi Ngự. Hai bên đường là những dãy hàng quán san sát với đủ các dịch vụ ăn uống, giải khát, chiếu phim, tạp hóa, ca hát... Cách đường ra cầu cảng không xa là một khu chợ buôn bán thực phẩm, rau củ, quả tươi. Hàng hóa được người dân nuôi trồng trên đảo, một số đưa từ đất liền ra, không thiếu thứ gì. Anh Trịnh Thanh Bình, chủ quán nước Bình Sinh, cho biết: “Quán sá ở đây sống được chủ yếu là nhờ phục vụ cho ngư dân từ khắp nơi ra vào đảo. Khi ghe, tàu vào nhiều thì các dịch vụ phát triển theo và đời sống người dân cải thiện hơn”.
Theo UBND xã Thổ Châu, năm 2016 tổng mức hàng hóa bán lẻ trên đảo Thổ Chu ước đạt 26 tỉ đồng. Các hoạt động tiểu thủ công nghiệp, chế biến thủy hải sản cũng phát triển mạnh với sản lượng đạt gần 1.000 tấn. Ngoài ra nghề nuôi trồng hải sản cũng phát triển khởi sắc khi đạt khoảng 30 tấn, trong đó chủ yếu là các lồng bè nuôi cá bớp, cá mú... với giá trị kinh tế cao.
Ngoài vẻ sầm uất của một “trạm chung chuyển” hậu cần nghề cá, Thổ Chu còn có tiềm năng rất lớn về du lịch. Đến Thổ Chu, bất cứ ai cũng có thể bị mê hoặc bởi những bãi biển cát trắng mịn, trải dài; những rạn san hô sát mé biển; nhiều bãi biển, bãi đá hoang sơ.
Người trẻ bám trụ đảo 1
Bãi Ngự, đảo Thổ Chu
Vững vàng bám đảo, bám biển
Ông Đỗ Văn Dừng, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu, cho biết sau khi có điện 24/24 vào năm 2015, thì mới đây một ước mơ lớn khác của người dân trên đảo đã trở thành hiện thực, đó là có một con tàu cao tốc từ Phú Quốc ra Thổ Chu. Con tàu đã hoàn thành, được Sở GTVT Kiên Giang và Công ty đóng tàu 189 (Bộ Quốc phòng) cho hạ thủy vào đầu tháng 3 vừa rồi; dự kiến đưa vào sử dụng chào mừng ngày giải phóng miền Nam 30.4 tới đây.

tin liên quan

Hải trình tháng 3: Sức sống Cồn Cỏ
Đảo Cồn Cỏ - đảo Thanh niên (thuộc địa phận tỉnh Quảng Trị) được ví là 'Đất Việt giữa trùng khơi' có một sức sống rất mãnh liệt. Sức sống đó phần nhiều nhờ dấu ấn của những người trẻ...
“Có tàu cao tốc, thời gian từ Phú Quốc đi Thổ Chu và ngược lại sẽ rút ngắn chỉ còn 3 - 4 tiếng. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã đề xuất chạy 3 ngày 1 chuyến tàu ra - vào. Nếu được như vậy thì chắc chắn Thổ Chu rồi đây sẽ càng có điều kiện phát triển hơn. Trong đó, xã rất kỳ vọng vào lĩnh vực du lịch khám phá”, ông Dừng nói.
Một điểm quan trọng khác là y tế, giáo dục ở Thổ Chu cũng đang được đầu tư mạnh mẽ. Bệnh xá Quân dân y trên đảo được đầu tư khá đầy đủ trang thiết bị, có cả xe cứu thương chuyên dụng…
Gác lại ước mơ làm thầy giáo vì đảo chưa có trường THPT, nhưng đó lại là cơ duyên để Vũ Minh Trí (27 tuổi) trở thành một cán bộ Đoàn giàu nhiệt huyết, khát vọng của xã đảo Thổ Châu.
Ông Đỗ Văn Dừng tự hào khi nói về chàng trai hiện là thủ quỹ kiêm Phó chủ tịch Hội LHTN VN xã Thổ Châu: “Thật đáng mừng khi đảo có những người con như Trí, một trong hai người đầu tiên ở đảo tốt nghiệp ĐH. Ra trường, Trí tình nguyện về xây dựng biển đảo quê hương”.
Công việc một thủ quỹ ở xã đảo tuy không khó khăn với người có trình độ như Trí nhưng lại mất thời gian và cả tốn kém. Trí cho biết: “Lúc trước 7 ngày và sau này là 10 ngày mới có một chuyến tàu từ Thổ Chu vào Phú Quốc nên mỗi lần đi lĩnh lương cho xã, tôi đều bị kẹt lại ngần ấy ngày. Các chi phí phát sinh khiến cho số tiền lương hợp đồng của tôi chẳng đủ chi tiêu”.

tin liên quan

Lính trẻ dạy ngựa hiểu tiếng người
“Đừng có lì...!”, nghe tiếng quát của chàng lính trẻ Ta Ngo Na, cả 4 chú ngựa vội nhảy lồng lên, không dám bén mảng tới gần nương rẫy của đồng bào và chạy sang thảm cỏ bên rìa núi Ga Ri (Quảng Nam).
Trí kể tiếp: “Đã có những ngày tôi bị dằn vặt giữa ý định đi đến nơi khác tìm công việc đúng chuyên môn, có thu nhập cao hơn và suy nghĩ phải cố gắng bám trụ ở đảo, khó khăn nhưng gần gia đình. Mọi thứ như rối tung trong đầu”.
Đúng lúc dao động tinh thần trở nên nặng nề thì Trí gặp “tình yêu sét đánh”. Trên chuyến tàu từ Thổ Chu vào Phú Quốc cuối năm 2014, Trí gặp cô giáo trẻ Tạ Thị Hồng Kiều (lúc đó 22 tuổi). Kiều tốt nghiệp một trường CĐ ở Hải Dương, vừa từ Hà Nội xin tình nguyện ra Thổ Chu dạy học.
Niềm vui nối tiếp khi cuối năm 2016, Trí được bầu vào chức Phó chủ tịch Hội LHTN VN xã Thổ Châu. Ngoài công việc thủ quỹ, Trí lại tất bật hơn với công tác thanh niên. “Tôi thực sự hứng khởi từ khi tham gia công tác Đoàn, những việc tôi đã tham gia nhiều từ thời sinh viên. Chúng tôi cùng nhau làm đường nông thôn trên đảo, trang trí cột mốc chủ quyền, rồi những đợt ra quân tuyên truyền về biển đảo quê hương”.
Ông Đỗ Văn Dừng cho rằng: “Chính những người trẻ có trình độ và nhiệt huyết như vợ chồng Trí, hay các bạn Loan, Trân... sẽ là tương lai, là nguồn lực để xã đảo không ngừng phát triển, luôn vững vàng nơi biển xa Tổ quốc”.
Đưa chúng tôi tham quan đảo, thủ quỹ kiêm cán bộ Đoàn của xã Thổ Châu giới thiệu về đảo chẳng thua gì những hướng dẫn viên du lịch. Trí nói về cầu cảng, bãi Ngự, nơi hàng trăm ghe, tàu đang neo đậu, tấp nập giao thương. Con đường vòng quanh đảo từ bãi Ngự đến bãi Dong ôm theo những sườn núi giữa một bên là rừng cây, vách đá, một bên biển xanh bao la. Trong tiếng gió, tiếng sóng rì rào, Trí say sưa nói về những địa danh của quần đảo Thổ Chu như hòn Xanh, hòn Từ, hòn Nhạn, bãi Nhất, bãi Dong, bãi Chiến Thắng và những rạn san hô đẹp mê hồn…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.