'Hạm đội ma' của hải quân Mỹ

Văn Khoa
Văn Khoa
29/12/2019 08:01 GMT+7

Hải quân Mỹ đang muốn có 10 tàu nổi không người lái cỡ lớn để có thể ứng phó các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc .

Quốc hội Mỹ mới đây thông qua dự luật ngân sách quốc phòng cho tài khóa 2020, cho phép chi 209 triệu USD (hơn 4.800 tỉ đồng) để đóng 2 tàu nổi không người lái cỡ lớn (LUSV) cho hải quân, theo báo Defense News. Hải quân Mỹ muốn phát triển LUSV sau khi thực hiện thành công chương trình đóng tàu nổi không người lái cỡ trung Sea Hunter (tạm dịch: Thợ săn biển), với chiều dài hơn 40 m và lượng giãn nước 140 tấn. Hai chiếc LUSV đầu tiên được cho là sẽ dựa trên thiết kế của tàu hỗ trợ xa bờ dài 60 m, được phát triển cho hải quân Iraq theo chương trình bán trang bị quân sự cho nước ngoài của Mỹ.

Tàu nổi không người lái cỡ lớn có thể dựa trên thiết kế của tàu hỗ trợ xa bờ này, dành cho hải quân Iraq

Hải quân Mỹ đề nghị mua 2 chiếc LUSV trong năm 2020 và định mua thêm 8 chiếc để lập cái gọi là “Hạm đội ma”. “LUSV sẽ được thiết kế để thực hiện hàng loạt chiến dịch tác chiến một cách độc lập hoặc liên kết với tàu chiến nổi có người lái”, chuyên trang USNI News dẫn nội dung chương trình đóng LUSV của hải quân Mỹ. Lực lượng này đã đề nghị ngân sách 400 triệu USD để nghiên cứu, phát triển 2 chiếc LUSV, với chiều dài từ 60,9 - 91 m và lượng giãn nước khoảng 2.000 tấn.
Các nghị sĩ Mỹ đã duyệt ngân sách đóng 2 chiếc LUSV đầu tiên, nhưng không hậu thuẫn yêu cầu trang bị hệ thống phóng thẳng đứng cho loại tàu này sau khi hải quân có ý định trang bị khả năng tên lửa cho tàu chiến có người lái cỡ lớn, theo Defense News.
Cũng theo USNI News, hải quân Mỹ dự tính trang bị hệ thống tác chiến Aegis cùng các bộ cảm biến cho LUSV, và xem đây là khí tài để thực hiện các sứ mệnh nguy hiểm nhất mà không phải lo ngại đến tính mạng của binh sĩ. Ngoài ra, LUSV có thể chạy trước các lực lượng đặc nhiệm để phát hiện các mối đe dọa. Một khi phát hiện được mối đe dọa, LUSV có thể báo cho các tàu hộ tống được trang bị tên lửa đối không SM-6, với tầm bắn 180 km. Nhờ đó, LUSV có thể gia tăng bảo vệ cho các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ. Từ nền tảng này, hải quân Mỹ còn muốn LUSV là một kho tên lửa bên ngoài có thể tự hành, hỗ trợ các tàu chiến nổi có người lái tiếp tục chiến đấu.

Đối phó Trung Quốc

Việc phát triển các tàu nổi không người lái được cho là nằm trong kế hoạch lớn hơn của Lầu Năm Góc là tạo ra những hệ thống có thể giúp Mỹ cạnh tranh về mặt quân sự với một đối thủ như Trung Quốc, theo USNI News. Lâu nay, Lầu Năm Góc công khai cảnh báo mối đe dọa về hai loại tên lửa đạn đạo của Trung Quốc là DF-21D và DF-26. Với tầm bắn hơn 1.500 km, DF-21D, còn được gọi là “sát thủ tàu sân bay”, được phát triển nhằm ngăn chặn tàu quân sự Mỹ tiếp cận những khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Theo một số nguồn tin, tên lửa này đã được triển khai ở Chiến khu miền nam của Trung Quốc, phụ trách hoạt động ở Biển Đông. Còn DF-26 là tên lửa đạn đạo tầm trung thế hệ mới của Trung Quốc, có khả năng tấn công các tàu cỡ trung và lớn trên biển. Loại tên lửa này có khả năng mang cả đầu đạn hạt nhân lẫn phi hạt nhân. DF-26 được cho là có tầm bắn từ 3.000 - 4.000 km, có thể vươn tới đảo Guam của Mỹ. “Chúng ta phải tự vệ trước những thứ như DF-21, DF-26 và số lượng lớn tên lửa của Trung Quốc có thể vươn tới và tấn công đội tàu nổi hoặc vùng lãnh thổ ở xa như Guam”, Trợ lý thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Alan Shaffer nhấn mạnh hồi tháng 3.2019.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.