Cùng với quá trình đô thị hóa và do mộ của hai cô hầu tả quân Lê Văn Duyệt không nằm trong khuôn viên của di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nên cả hai ngôi mộ cổ quý này có nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng.
Theo tài liệu của Sở VH-TT TP.HCM, ngôi mộ người hầu thứ nhất của Tả quân Lê Văn Duyệt có diện tích khuôn viên khoảng 164 m2, tọa lạc trong khu nhà đất số 129 Đinh Tiên Hoàng (P.3, Q.Bình Thạnh), được xây dựng khoảng cuối thế kỷ 19, nằm ngoài vòng thành lăng, trong khuôn viên Trường Quốc gia hành chánh cũ. Mộ gồm bình phong tiền, bình phong hậu, nấm mộ, trụ búp sen và thành mộ, xung quanh có xây tường và cổng bảo vệ. Thời gian qua, mộ được Học viện Cán bộ TP.HCM quản lý nhưng do hiện nay trường chuyển về cơ sở mới nên không đơn vị nào trông nom, chăm sóc.
Ngôi mộ cổ của người hầu thứ hai cũng được xây dựng cùng thời điểm ngôi mộ thứ nhất, nằm bên trái lăng Ông, góc hông chợ Bà Chiểu và cũng nằm ngoài vòng thành lăng Lê Văn Duyệt. Ngôi mộ cổ thứ hai có khuôn viên rộng rãi, cây xanh thoáng mát, có tường cao, cổng bảo vệ kiên cố hướng ra đường Trịnh Hoài Đức. Mộ có kiến trúc đẹp với bình phong tiền, bình phong hậu, nấm mộ, trụ búp sen và tường thành đầy đủ.
Cha chung không ai khóc
Hai ngôi mộ trên với những đường nét chạm trổ tinh xảo, dù không có tên tuổi nhưng ai cũng biết đây là nơi yên giấc ngàn thu của hai người hầu mà Tả quân Lê Văn Duyệt vô cùng yêu quý. Tuy nhiên, điều khá đau lòng là hiện nay do không ai trông coi nên mạnh ai nấy thờ.
|
Đặt tay lên di tích mộ cổ, bà Lâm Thị Hoàng Oanh, Trưởng ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt, than thở: “Mỗi năm, mọi người lại đến sơn quét đủ thứ màu, cố làm cho ngôi mộ sạch sẽ nhưng đâu biết chính hành vi này là xâm hại di tích. Ngôi mộ cổ với đường nét cổ kính vậy mà giờ phủ sơn màu hồng, làm hư hỏng hết các hoa văn, kiến trúc. Dù cổng rào đầy đủ nhưng ai muốn vào cũng được và nói chung muốn làm gì thì làm trong khi chúng tôi không thể có ý kiến. Quá nóng ruột, ban quản lý đề bảng “di tích” để mọi người cẩn thận hơn nhưng đó là biển hiệu tự phong chứ hồ sơ công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia lại bỏ sót hai ngôi mộ này”.
|
Bỏ sót hai ngôi mộ
Trước hiện trạng trên, Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa (Sở VH-TT TP.HCM) Trương Kim Quân cho biết: “Trước đây, khi tiến hành làm hồ sơ để Bộ VH-TT ra quyết định công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1988 cho lăng Ông Bà Chiểu đã bỏ sót hai ngôi mộ này. Tuy nhiên, trong danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020 của UBND TP.HCM đều đưa hai ngôi mộ vào danh sách. Vì chưa được công nhận là di tích nên sắp tới chúng tôi không tách hồ sơ ra làm riêng mà sẽ điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích, bổ sung hai ngôi mộ vào khu vực di tích của lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, có điều kiện làm cho cảnh quan khu lăng đẹp hơn chứ không để hẩm hiu như vậy được”.
Bà Lâm Thị Hoàng Oanh bức xúc: “Nếu không khẩn trương kiến nghị lên Sở VH-TT TP.HCM và cấp cao hơn thì việc xây dựng cấp tập của chủ mới tại khu đất này có nguy cơ xâm hại nghiêm trọng đến quần thể di tích quốc gia lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, một di tích mang dấu ấn và đậm đà bản sắc của vùng đất Nam bộ”.
Bình luận (0)