Ông có nghĩ việc thần tượng những người vi phạm pháp luật như một số ngôi sao Hàn Quốc đang bị điều tra, hay đăng ký theo dõi những video "giang hồ sống ảo"… là bất thường về xác định giá trị sống không, vì sao?
Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Nếu nói về xác định giá trị sống thì tôi nghĩ xưa nay không có gì khác biệt lớn, con người vẫn ngần ấy nhu cầu, chỉ có cách biểu hiện khác mà thôi.
Xem những video ấy là một chuyện, thích lại là chuyện khác, và coi đó là việc nghiêm túc lại khác nữa. Biết đâu họ chỉ coi đó là trò tiêu khiển không hơn không kém thì sao? Tôi chỉ thấy vấn đề nếu như những thứ này là món ăn tinh thần chủ đạo của đám đông. Còn biết bao thứ khác đáng xem đáng tìm hiểu, tuy nhiên đáng thất vọng là các thứ thuộc về giá trị tri thức hữu ích lại không đủ hấp dẫn để “cạnh tranh”.
Vấn đề nữa theo tôi là các mối quan hệ gia đình càng ngày nhiều rạn nứt. Việc “nuôi dạy con” mới chỉ được quan tâm ít năm gần đây và thu hẹp ở một bộ phận tầng lớp trung lưu trí thức. Phần lớn các quan hệ gia đình vẫn là dành cho việc đáp ứng các nhu cầu vật chất và giải trí theo khuynh hướng “ăn sẵn”.
Trẻ em không thấy quyến luyến hay là có nhu cầu trò chuyện với bố mẹ, chúng bị thu hút bởi các phương tiện kết nối internet và các trò chơi ảo. Khi gia đình không còn là nơi hấp dẫn thì đương nhiên các thành viên của nó sẽ đi tìm những không gian khác để tìm cái vui. Ngày xưa các không gian như thế ít ỏi và không dễ tìm kiếm, ngày nay online một cú nhấp chuột là có vô tận. Tất nhiên, không ai có thể ngăn chặn các không gian ấy mà chỉ có thể làm gì đó với không gian gia đình mình.
Quấy rối tình dục trong thang máy mà chỉ bị phạt 200.000 đồng. Những vụ việc giải quyết theo pháp luật không thỏa đáng. Chấp nhận thần tượng người đang dính vào các scandal, đang bị khởi tố hình sự. Ông có nghĩ “thần tượng” mù quáng, lệch lạc bắt nguồn từ việc thượng tôn pháp luật chưa nghiêm hay không?
Nếu coi nhà nước là một hình thái tổ hợp các gia đình thì có thể suy luận rằng, sự thiếu nghiêm minh hay có khoảng trống pháp luật cũng không khác gì sự thiếu cuốn hút của không gian gia đình. Hãy thử coi quan hệ giữa người dân với chính quyền cũng như một cuộc hôn nhân hay quan hệ gia đình. Người dân tìm giang hồ để giải quyết việc của mình thay vì trông đợi chính quyền cũng giống như các vợ chồng đi ngoại tình thay vì trông đợi ở tình cảm của ông chồng hay bà vợ. Nó cũng giống những đứa con tâm sự với bạn hay những người lạ chứ nhất quyết không hé răng kể với bố mẹ hay cô giáo, những người mà chúng cho là có vẻ không biết lắng nghe.
Có lẽ vấn đề là chính quyền chưa thể hiện được vai trò quan hệ hai chiều giữa họ với công dân. Người ta sẽ cảm thấy nhanh chóng “xong việc” khi gặp trực tiếp anh A “dân xã hội” hơn là chờ đợi một bộ máy quan liêu không rõ ai là người đối thoại. Các cấp chính quyền cần làm được việc đối thoại rõ ràng với “phối ngẫu” của mình - người dân.
Có giả thuyết cho rằng việc thần tượng mù quáng trong giới trẻ lên ngôi là do người dân nhiều nơi thiếu hoạt động văn hóa xã hội, hoặc thiếu thông tin pháp luật. Ông nghĩ sao về điều này?
Chúng ta phải thành thật với nhau rằng kiến thức pháp luật của chúng ta yếu. Hệ thống tư vấn luật dường như cũng chưa đủ sức hỗ trợ. Bản thân cách giải thích về luật của các cơ quan hành pháp cũng đầy mâu thuẫn, theo những gì đăng tải trên các báo. Sự tù mù ấy khiến người ta cảm thấy thế giới “xã hội” hành xử có vẻ mạch lạc và triệt để hơn. Dĩ nhiên, họ sẽ bị hút về phía đó.
Các hoạt động văn hóa xã hội ở các địa phương chẳng bao giờ là đủ, và đáng chán là các hội đoàn văn hóa văn nghệ ở các nơi vẫn cứ giống những hội tiên chỉ hơn là tạo ra các diễn đàn, sân chơi thu hút công chúng.
Các lễ hội có vẻ ngày một hoành tráng, nhưng kỳ thực chúng chỉ diễn ra trong một vài tuần một năm, sau đó không có vẻ gì lan tỏa các giá trị văn hóa tinh thần trong cộng đồng trong những ngày tháng còn lại. Nếu không nghiêm túc làm đến nơi đến chốn (tôi nhấn mạnh: LÀM) mà chỉ nói suông thì nguy cơ chúng ta có những khoảng “nhờ nhờ” hỗn dung văn hóa là cận kề. Từ đó, sẽ có nhiều hiện tượng giới trẻ thần tượng mù quáng hơn.
Bình luận (0)