Hạn chế ngộ độc mặn trên cây lúa

Trong lúc người dân ĐBSCL gồng mình chịu đựng hạn mặn và mơ hồ về cách rửa mặn thì sinh viên Trường ĐH Cần Thơ phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn kỹ thuật về biện pháp hạn chế ngộ độc mặn trên cây lúa.

Chương trình vừa diễn ra tại 5 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng, với sự tham gia của 220 sinh viên (SV) thuộc các ngành: khoa học cây trồng, nông học - công nghệ giống, bảo vệ thực vật, khoa học đất - nông nghiệp sạch. Các SV hướng dẫn nông dân cách đo độ nhiễm mặn của nước, các kỹ thuật hạn chế cây trồng bị ngộ độc mặn trong trường hợp nước nhiễm mặn đã bơm vào vùng canh tác cây lúa, đồng thời tặng sản phẩm làm giảm ngộ độc mặn trên cây lúa.
Lâm Thiện Tân, SV ngành bảo vệ thực vật, chia sẻ: “Thấy bà con nông dân ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung rất vất vả trong việc đối phó với xâm nhập mặn. Tham gia chương trình này, tôi mong muốn đóng góp một phần nào đó giúp bà con hạn chế thiệt hại do đợt hạn mặn lịch sử này gây ra. Thêm vào đó, tôi và các bạn có cơ hội trải nghiệm thực tế, tăng thêm hiểu biết cho nghề nghiệp sau này”.
Theo ông Kim Sai Huil, Chủ nhiệm HTX ấp Phước An (xã Phú Tân, H.Châu Thành, Sóc Trăng), từ trước tới nay, nông dân địa phương chủ yếu sản xuất theo tập quán canh tác truyền thống. Trước tình hình mặn xâm nhập khó lường, nông dân chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật để ứng phó với xâm nhập mặn. Vì vậy, chương trình tập huấn này rất kịp thời và cần thiết cho bà con trong tình hình hạn mặn hiện nay.
Anh Lâm Phước Thành, Phó bí thư Đoàn Khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng, cho biết: “Đây là hoạt động hướng đến cộng đồng nhằm góp phần giảm thiểu và hạn chế ảnh hưởng của ngộ độc mặn lên cây lúa cho người dân. Qua đó, tăng cường sự gắn kết giữa nông dân với đội ngũ trí thức trẻ”. Ngoài ra, thông qua chương trình sẽ giúp SV áp dụng tốt kiến thức đã học trên lớp vào thực tế sản xuất, phát huy việc chuyển giao kỹ thuật, hạn chế được những biến đổi môi trường trong canh tác nông nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.