Cụ thể, có 14 nhiệm vụ được Quốc hội giao và 13 nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND TP.HCM được thông qua, là cơ sở pháp lý để thể chế hóa các cơ chế đặc thù.
Trong phần thảo luận sau đó, nhiều đại biểu HĐND TP.HCM đặt vấn đề về khả năng "hấp thụ" của TP khi số lượng cơ chế, chính sách khá lớn. Ông Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn, nhìn nhận Nghị quyết 98 là cơ hội để thực hiện đề án 5 huyện trở thành đô thị của TP.HCM, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, mở rộng không gian đô thị. ĐB Khuyên kiến nghị UBND TP.HCM phân công trách nhiệm trong công tác điều hành, nhất là vai trò tham mưu của các sở ngành; mạnh dạn phân cấp, ủy quyền cho sở ngành, quận huyện giải quyết các công việc sát thực tiễn.
Ông Trần Văn Bảy, Phó giám đốc Sở TN-MT, cho biết 14 nhiệm vụ của HĐND TP.HCM hầu hết sẽ ban hành dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật. Công việc này rất khó khăn, phức tạp nhưng dự kiến UBND TP.HCM phải trình HĐND TP.HCM trong năm 2023 và các năm tiếp theo nên sẽ khó xác định thời gian thông qua các thể chế. Cho rằng cần rút kinh nghiệm từ Nghị quyết 54/2017 phải mất nhiều thời gian xin ý kiến cơ quan T.Ư, ông Bảy đề xuất UBND TP.HCM cân nhắc ấn định luôn thời gian kết thúc xây dựng thể chế.
Trao đổi lại với đại biểu, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP phấn đấu những nội dung cơ bản cần thể chế hóa sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng sẽ cố gắng hoàn thành trong năm 2023 để các năm còn lại thực hiện. Với những cơ chế, chính sách mới, ông Mãi đánh giá sẽ tạo điều kiện cho TP khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế xã hội của cả nước. Sắp tới, TP.HCM sẽ nghiên cứu tổ chức bộ máy, đội ngũ thực hiện các cơ chế đặc thù, phân công trách nhiệm rõ ràng; đồng thời rà soát những việc tồn đọng để xem xét kết hợp giải quyết.
Metro số 1 sẽ hoàn thành trong năm 2023, cầu Cần Giờ khởi công năm 2025
KHÔNG CÓ CHỖ CHO NGƯỜI "LÀNG NHÀNG"
Trao đổi với các đại biểu, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá đây là cuộc họp thường kỳ nhưng có tính "lịch sử" của HĐND TP.HCM. Bí thư TP.HCM nhấn mạnh, việc triển khai nghị quyết phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, đồng thời quy định về chế tài phải rành mạch để người thực thi công vụ yên tâm thực hiện.
Thu hồi hơn 287 ha làm dự án trọng điểm
Theo tờ trình danh mục 13 dự án cần thu hồi đất trong năm 2023, có 6 dự án đăng ký mới và 7 dự án đã có nghị quyết của HĐND TP.HCM thông qua đã quá 3 năm nay mới trình lại, tổng diện tích thu hồi đất hơn 287 ha.
Một số dự án lớn có diện tích thu hồi lớn như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (hơn 204 ha), cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (hơn 10 ha), trạm biến áp 500 kV Củ Chi (gần 12 ha), nâng cấp đường Trần Đại Nghĩa (H.Bình Chánh, gần 9 ha), nạo vét trục thoát nước rạch Xóm Củi (hơn 3,4 ha), Vành đai 2 đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội (gần 48 ha), mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (hơn 3 ha)…
Cũng tại kỳ họp, UBND TP.HCM xin chủ trương đầu tư dự án đầu tư hạ tầng, trường học, công viên cây xanh trong phạm vi nghĩa trang Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân) - giai đoạn 3. Dự án này rộng hơn 17 ha, tổng vốn 1.497 tỉ đồng từ ngân sách TP.HCM, thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2026.
Vấn đề thứ 2 theo người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM là vai trò giám sát của HĐND TP.HCM có tính quyết định. Mặc dù, giám sát là chức năng chính lâu nay của HĐND TP.HCM nhưng lần này cần đổi mới nội dung, phương pháp, cách tiếp cận để hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra. "Thí điểm thì không thể nào tránh khỏi rủi ro. Vì vậy, công tác giám sát phải kịp thời ngăn chặn, không để xảy ra những rủi ro lớn", ông Nên lưu ý. Song song đó, cần xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời những hành vi cố tình vi phạm, như cố tình không làm những việc phải làm hoặc làm những việc không phải làm.
Nhấn mạnh đến đội ngũ cán bộ, công chức, Bí thư TP.HCM khẳng định, trong "chiến dịch" thực hiện Nghị quyết 98 không có chỗ cho người thiếu trách nhiệm, không có nỗ lực, bàng quan, làng nhàng trong bộ máy. Ông cũng đề nghị HĐND TP.HCM nâng cao chất lượng giám sát, nhất là các lĩnh vực đầu tư công, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ. Hoạt động giám sát của HĐND TP.HCM cần gắn kết với hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và người dân. Sắp tới, TP.HCM sẽ mời báo chí cùng tham gia giám sát.
Ngoài thông qua nghị quyết chung để triển khai Nghị quyết 98, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết kỳ họp cũng thông qua các nghị quyết trong lĩnh vực đầu tư công, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, bầu bổ sung Ủy viên UBND TP.HCM, đổi tên đoạn đường xa lộ Hà Nội thành Võ Nguyên Giáp…
Kỳ họp giữa năm của HĐND TP.HCM diễn ra trong 3 ngày, hôm nay (11.7) sẽ chất vấn Giám đốc Sở GTVT, Sở Du lịch và Chủ tịch UBND Q.1, giám sát chuyên đề về công tác đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025.
Khách du lịch đến TP.HCM chi tiêu 70% số tiền vào ban đêm
Bình luận (0)