Hạn chót cận kề, gỡ 'thẻ vàng' thủy sản được không ?

29/09/2023 06:34 GMT+7

Trong tháng 10.2023, đoàn công tác của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang VN để thanh tra tình hình, kết quả thực hiện chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) lần thứ 4. Đây được xem là cơ hội sát hạch lần cuối để VN gỡ "thẻ vàng", gia tăng xuất khẩu thủy sản.

Tất bật trước giờ G

Theo kế hoạch ban đầu, đoàn công tác của EC sẽ sang VN lần thứ 4 để thanh tra tình hình, kết quả thực hiện IUU vào cuối tháng 5.2023. Tuy nhiên, sau đó đại diện EC đã có thông báo đề nghị dời việc thanh tra sang thời điểm từ ngày 11 - 18.10.2023. Đây có thể xem là một cơ hội mà EC dành cho VN để có thêm thời gian triển khai các hoạt động khắc phục những mặt hạn chế. Vì thế trong tháng 9 vừa qua, từ cấp Chính phủ đến Bộ NN-PTNT và các địa phương đều hết sức khẩn trương và quyết liệt để chuẩn bị cho đợt sát hạch mang tính quyết định này.

Hạn chót cận kề, gỡ “thẻ vàng” thủy sản được không ?  - Ảnh 1.

Ngành khai thác thủy sản đang chạy đua gỡ thẻ vàng IUU từ châu Âu

PHẠM ANH

Cụ thể, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã có nhiều chuyến thị sát để kiểm tra tình hình chống khai thác thủy sản bất hợp pháp. Tại tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Tỉnh xác định công tác chống khai thác IUU là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Hiện nay tỉnh Quảng Ngãi có hơn 4.290 tàu cá với tổng công suất gần 1,8 triệu CV. 

Với sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên và liên tục, những bất cập trong hoạt động khai thác thủy sản mà EC chỉ ra đã được tỉnh Quảng Ngãi tiến hành khắc phục khá hiệu quả. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 100% tàu cá đăng ký, tỷ lệ tàu cá đã thực hiện đánh dấu tàu cá trên 97%. 

Quảng Ngãi là địa phương có tỷ lệ cao về số tàu cá được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) với 99,1% tàu có chiều dài 15 m trở lên. Hiện còn 26 tàu cá hoạt động trong tỉnh chưa thực hiện lắp đặt nhưng chủ yếu là tàu cá có công suất nhỏ, làm nghề khai thác cá nổi nhỏ, hoạt động gần bờ, đi về ở các bãi ngang ven biển...

Sau gần 6 năm chống khai thác IUU, kết quả thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU đã có nhiều chuyển biến tích cực được phía EC ghi nhận. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn rất nhiều tồn tại, hạn chế chưa được xử lý dứt điểm, triệt để theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 3. Cụ thể về một số vấn đề: Việc thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU còn rất hạn chế, chưa quyết liệt, đồng đều giữa các địa phương… Phía EC đã khẳng định sẽ không xem xét gỡ "thẻ vàng" nếu tiếp tục để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và có nguy cơ bị cảnh báo "thẻ đỏ". Việc này không chỉ tác động nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh, uy tín, vị thế ngoại giao của quốc gia trên trường quốc tế.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang

Đặc biệt các tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi đã chấm dứt tình trạng vi phạm đánh cá trái phép ở vùng biển nước ngoài. Đây là một trong những chuyển biến tích cực của ngành thủy sản Quảng Ngãi trong công tác chống khai thác thủy sản IUU.

Còn tại Bình Định, Sở NN-PTNT tỉnh thông tin đến nay toàn tỉnh còn 34 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS trên tổng số 3.259 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên (chiếm 1,04%). Nguyên nhân chính là số tàu tàu này bị hư hỏng, nằm bờ, hoặc làm ăn thua lỗ không hoạt động sản xuất. Sở đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố ven biển tiến hành kiểm tra, xác định nguyên nhân, vị trí, địa điểm neo đậu của từng tàu cá và yêu cầu các chủ tàu ký cam kết phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước khi tham gia hoạt động khai thác thủy sản.

Tại Tiền Giang, công tác gỡ thẻ vàng IUU trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, 100% tàu đang hoạt động đã được lắp VMS. Từ đầu năm 2023 đến nay chưa phát hiện tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn tình trạng mua bán tàu cá nhưng chưa thực hiện thủ tục sang tên, đổi chủ, xóa/đăng ký lại tàu cá; có 40 tàu bán ngoài tỉnh, gây khó khăn cho việc quản lý chống khai thác IUU. 

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, khó khăn hiện nay là thiết bị VMS chưa được công nhận là thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nên chưa có căn cứ pháp lý để xử phạt các trường hợp vượt ranh giới cho phép trên biển, hoạt động sai vùng khai thác; chưa có quy định xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài đối với thuyền trưởng nên chưa khắc phục triệt để hành vi cố ý vượt ranh giới trên biển để khai thác hải sản của thuyền trưởng.

Vẫn chưa yên tâm

Chưa lúc nào công tác chỉ đạo chống khai thác IUU lại dồn dập, quyết liệt như lúc này. Đầu tháng 9.2023, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã có công điện gửi các bộ, ngành và các cơ quan liên quan để đôn đốc, chỉ đạo việc gỡ "thẻ vàng". Được điểm danh trong những địa phương còn nổi cộm về những mặt hạn chế, tỉnh Cà Mau cho biết từ đầu năm đến nay đã theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá thông qua VMS. Có 3.654 lượt tàu cá bị mất tín hiệu kết nối ngoài khơi; số liệu tàu cá mất tín hiệu 10 ngày trở lên là 278 lượt, cơ quan chức năng tỉnh đã lập danh sách, thông báo đến các cơ quan, đơn vị liên quan để phối hợp xác minh nguyên nhân tàu mất tín hiệu kết nối trên 10 ngày. 

Các lực lượng chức năng được giao nhiệm vụ theo dõi, kiểm soát đã kịp thời phát hiện, phối hợp xử lý, đặc biệt là những trường hợp vượt ranh giới. Qua theo dõi 24/24 giờ trên hệ thống giám sát tàu cá, cơ quan chức năng của tỉnh đã kịp thời phát hiện, xác minh, kêu gọi 58 tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển quay trở về vùng biển VN; đồng thời yêu cầu chủ tàu cam kết không khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài.

Tại cuộc gặp mặt mới đây với Cao ủy Môi trường, Đại dương, Nghề cá và Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản (DG MARE) thuộc EC, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã chia sẻ một số kết quả nổi bật sau những nỗ lực xử lý vấn đề IUU. 

Điển hình như công tác quản lý tàu cá tại VN đã chuyển biến một cách rõ rệt, đã xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về tàu cá kết nối từ trung ương đến địa phương, liên thông với các lực lượng thực thi pháp luật (Kiểm ngư, Biên phòng, Cảnh sát biển) và các cơ quan quản lý cảng để kiểm soát hoạt động của tàu cá. Trên 98% tàu cá (có chiều dài từ 15 m trở lên) hoạt động vùng khơi đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản đã được thực hiện và kiểm soát theo chuỗi từ khâu kiểm soát sản lượng qua cảng đến cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm soát nguyên liệu tại các nhà máy chế biến. 

Công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được triển khai tích cực tại nhiều địa phương. Các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài từ năm 2015 đến nay đã giảm rõ rệt. Đến nay, tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý đã giảm 84,35% so với năm 2016; trong đó đã ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển các nước, quốc đảo Thái Bình Dương từ năm 2018 đến nay.

Tại buổi làm việc, đại diện DG MARE cho rằng khung pháp lý về quản lý nghề cá và chống khai thác IUU mà VN đã xây dựng hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, việc thực thi còn một số tồn tại như vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU tại các vùng biển nước ngoài mặc dù đã giảm so với trước đây; việc thực thi pháp luật chưa đồng bộ giữa các địa phương. Cường lực khai thác hải sản còn cao, cần cân đối giữa nguồn lợi thủy sản và cường lực khai thác. EU cũng mong muốn hỗ trợ VN trở thành một hình mẫu của thế giới trong việc phát triển bền vững ngành thủy sản và chống khai thác IUU.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.