Đáng nói, H.Hướng Hóa là huyện vùng cao của tỉnh Quảng Trị, là nơi cư trú của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều, đời sống còn rất nhiều khó khăn nên khi hạn đến, khó lại chồng khó.
Đất nứt, cây khô, người khát
Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện này thì trên địa bàn hiện có gần 600/980ha lúa vụ đông xuân, 500ha cà phê và hàng ngàn diện tích sắn đang khát nước nghiêm trọng. Thiếu nước, đất nứt nẻ, các loại cây trồng chủ lực của huyện đã bắt đầu héo quắt queo. Hạn hán đặc biệt khốc liệt tại các xã vùng Lìa (A Túc, A Xing, A Dơi, Thuận, Thanh, Xi...) và 2 xã trọng điểm trồng cà phê là Tân Liên và Hướng Tân.
|
Dọc tuyến đường Lìa nối từ Quốc lộ 9 sang tận biên giới nước bạn Lào mới chừng gần 10 giờ sáng, nhưng cái nắng đã rất bỏng rát, bầu không khí khô khốc. Người dân lỉnh kỉnh những can nhựa cáu bẩn đi lấy nước, người gánh, người đẩy đủ kiểu. Đến con trâu lẽo đẽo đi theo họ cũng đang mang một lớp bùn khô đét trên cơ thể do lâu ngày không có nước để đằm mình. Suốt 3 tháng hầu như không có mưa, cỏ cây, gia súc và cả con người nơi này như rúm ró lại.
Già Ăm Ý (50 tuổi, thôn A Rô Mơ, xã A Xing, H.Hướng Hóa) thở dài não nuột: “Lúa mới lên được gang tay thì hạn. Cứu lúa, cả nhà hì hục vét từng can nước đổ vào đồng ruộng nhưng cũng không đủ ướt đất". Không riêng gì mảnh ruộng của già Ăm Ý mà gần 10ha lúa nước của thôn A Rô Mơ cũng đang chết đứng. “Anh nhìn đi, lúa chết khô, trâu bò đến gặm người ta không buồn đuổi”, anh Hồ Văn Ý, trưởng thôn A Rô Mơ cười gượng.
|
Thông tin từ ông Hồ Văn Dược, Chủ tịch UBND xã A Xing thì địa phương này là một trong những vùng trọng điểm của đợt hạn đầu năm. “Hạn đến chúng tôi đã huy động dân thực hiện rất nhiều biện pháp như nạo vét kênh mương, bơm nước từ chỗ thấp lên chỗ cao, giữ độ ẩm của đất... nhằm giữ cho được 27ha lúa, 300ha sắn và hơn 22ha cao su. Nhưng nếu cứ tiếp tục không có mưa thì đành chịu”, ông Dược nói.
Trong khi đó một lãnh đạo H.Hướng Hóa cho hay, đến tháng 6 tháng 7 nước mới thực sự kiệt, cái hạn mới khốc liệt... Năm nay hạn đến quá sớm, người dân và chính quyền địa phương trở tay không kịp nên khả năng thiệt hại sẽ nặng.
Khẩn cấp chống khát cho dân
Cái khát ở vùng Lìa làm cho người dân địa phương xây xẩm mặt mày. Tại xã A Dơi, nhiều người dân đã phải tận dụng mọi nguồn nước từ khe suối, vũng nước đọng... sinh hoạt. Dù nhắm mắt sử dụng nước, không cần biết sạch bẩn nhưng họ vẫn lo lắng bởi chỗ nước đó rồi sẽ cạn vì quá nhiều người cùng dùng mà trời mãi không chịu mưa.
Chen chúc nhau tại một vũng nước đen kịt, bà Hồ Thị Cơ (61 tuổi) vẫn cười mếu và cho rằng mình vẫn may mắn khi lấy được nước. Đoạn bà đưa can nhựa cáu vàng lên thì thứ nước cũng sóng sánh bao nhiêu rong rêu, bùn đất... Vậy mà, cũng vũng nước đó, nhiều người khác vẫn thản nhiên tắm gội...
“Hệ thống nước tự chảy trên địa bàn đa số đã hư hỏng, lại gặp đúng dịp hạn hán. Có muốn tuyên truyền cho người dân về vệ sinh, an toàn thì cũng chịu vì nếu không dùng nước bẩn thì ...chết khát. Hiện, nước sinh hoạt của người dân là hết sức bức bách. Chúng tôi đã có văn bản đề xuất ra cho huyện để sớm khắc phục tình trạng này”, ông Hồ Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã A Dơi cho biết.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho hay, ông vừa đi kiểm tra thực tế tại Hướng Hóa vào ngày 7.3, nhận định ban đầu là khô hạn đầu năm tại địa phương này hết sức khốc liệt. “Tôi đã chỉ đạo anh em triển khai các biện pháp chống hạn nhưng bây giờ phải ưu tiên nước cho người dân sử dụng cái đã, còn nước sản xuất nông nghiệp tận dụng được chừng nào thì tận dụng. Đối với những vùng không quá kiệt nước, cần huy động mọi nguồn lực cứu các loại cây trồng, tránh một mùa vụ thất bát”, ông Bài nói.
Nguyễn Phúc
>> Khô hạn có thể trầm trọng
>> Tây nguyên khô hạn nghiêm trọng
>> Khô hạn, hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước
>> Khô hạn có khả năng xảy ra nghiêm trọng trên diện rộng
>> Thiệt hại gần 550 tỉ đồng do khô hạn
Bình luận (0)