Hàn Quốc chính thức 'hồi sinh' thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản

21/03/2023 17:53 GMT+7

Hàn Quốc ngày 21.3 thông báo nước này đã "hồi sinh" hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản.

Hàn Quốc chính thức 'hồi sinh' thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản - Ảnh 1.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Tokyo vào tuần trước

REUTERS

Theo AFP, Hàn Quốc ngày 21.3 xác nhận nước này đã chuyển sang bình thường hóa hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản. Động thái được thực hiện trong bối cảnh quan hệ hai nước đang tan băng trước các mối đe dọa ngày càng tăng mà họ nói là từ CHDCND Triều Tiên.

Hàn Quốc "đã gửi cho Nhật Bản một văn bản" về quyết định bình thường hóa hiệp ước quân sự, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết ngày 21.3.

Điều này đã "đặt nền móng cho việc tăng cường chia sẻ thông tin tình báo quân sự giữa Hàn Quốc-Nhật Bản và giữa Hàn Quốc-Nhật Bản-Mỹ bằng cách loại bỏ những điều không chắc chắn", Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói thêm.

Quyết định của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Tokyo vào tuần trước.

Trong cuộc gặp song phương cấp cao đầu tiên sau 12 năm, hai bên đã đồng ý hàn gắn các tranh chấp lịch sử bắt nguồn từ 35 năm Nhật Bản xem bán đảo Triều Tiên là thuộc địa.

Tổng thống Yoon cũng được cho là đã nói với Thủ tướng Kishida rằng ông muốn "hoàn toàn bình thường hóa" một thỏa thuận quân sự năm 2016 có tên là Thỏa thuận an ninh chung về thông tin quân sự (GSOMIA).

Xem nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng con gái quan sát phóng tên lửa Hwasong-17

Thỏa thuận cho phép hai đồng minh của Mỹ chia sẻ bí mật quân sự, đặc biệt là về năng lực hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, Seoul năm 2019 đã đe dọa sẽ xé bỏ thỏa thuận do quan hệ với Tokyo trở nên xấu đi. Lời đe dọa được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Hàn - Nhật trở nên căng thẳng xuống do tranh chấp thương mại và tranh chấp về lao động cưỡng bức.

Sau khi bị Mỹ phản đối, Hàn Quốc đã giữ nguyên thỏa thuận. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc áp dụng GSOMIA trên thực tế đã bị hạn chế do quan hệ căng thẳng giữa hai nước.

Dù vậy, đối mặt với một loạt vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng, Seoul và Tokyo đã làm ấm lại quan hệ.

Tổng thống Yoon đang tìm cách tăng cường quan hệ với Nhật Bản, viện dẫn những thách thức an ninh trên bán đảo Triều Tiên. Động thái được thực hiện bất chấp sự phản đối mạnh mẽ trong nước, bao gồm từ các nạn nhân của lao động cưỡng bức.

Ông Yoon ngày 21.3 trong một cuộc họp nội các nói rằng những lời chỉ trích có động cơ "chính trị", nhấn mạnh Tokyo đã "bày tỏ sự hối hận và xin lỗi về các vấn đề lịch sử hàng chục lần".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.