Hàn Quốc cho phép robot giao hàng trên đường vào năm 2023

17/02/2022 10:13 GMT+7

Các robot đang được thử nghiệm để giao thực phẩm và những mặt hàng khác ở Hàn Quốc , trong kế hoạch quốc gia cho phép chúng di chuyển trên đường phố công cộng từ năm 2023, theo Nikkei.

Woowa Brothers, nhà điều hành ứng dụng giao đồ ăn lớn nhất Hàn Quốc, bắt đầu sử dụng robot trên cơ sở thử nghiệm vào năm 2020. Chính phủ Hàn Quốc cũng có kế hoạch phát triển những robot như vậy để xuất khẩu trong tương lai. Hiện tại, chính phủ đang làm việc để đưa ra định nghĩa pháp lý cho robot vào cuối năm nay, cho phép chúng có thể hoạt động trên đường. Hiện tại, robot đang bị cấm trên các con đường công cộng vì luật pháp coi chúng là “phương tiện” không người điều khiển.

Robot giao hàng do Woowa Brothers phát triển Dilly Drive đang giao hàng thử nghiệm tại một khu chung cư

chụp màn hình Nikkei

Để thử nghiệm robot, chính phủ đã thành lập một khu đặc biệt xung quanh khu chung cư ở Suwon, thành phố ở ngoại ô thủ đô Seoul, nơi Woowa đã bắt đầu dịch vụ giao đồ ăn bằng cách sử dụng robot do công ty phát triển. Robot của Woona có tên là “Dilly Drive”, cao khoảng 70 cm. Trong một lần thử nghiệm giao hàng, nhân viên một quán cà phê đã đặt vào trong Dilly những ly cà phê đá và bánh mì sandwich. Sau khi được đóng nắp, Dilly bắt đầu giao hàng với tốc độ từ 5 đến 6 km/giờ. Được trang bị ba máy ảnh, Dilly nhận ra đèn đỏ ở một ngã tư và dừng lại. Nó cũng có thể tránh người đi bộ. Khi Dilly đến điểm đến, khách hàng nhận được tin nhắn trên điện thoại và ra nhận hàng. Sau đó Dilly quay trở lại nơi chờ đợi của nó. Được biết, Dilly còn được trang bị các cảm biến và hệ thống định vị.

“Khi nhận được đơn đặt hàng qua ứng dụng, tôi đặt những món khách đã đặt vào robot. Tôi chỉ làm có vậy thôi. Tôi rất ngạc nhiên vì công nghệ robot đã tiến xa đến mức này”, chủ quán cà phê nói.

Woowa bắt đầu phát triển loại robot như vậy vào năm 2017 do lao động ngày càng đắt đỏ ở Hàn Quốc. Mức lương tối thiểu mỗi giờ đã tăng 42% trong 5 năm qua lên 9.160 won (khoảng 7,66 USD) vào năm 2022, theo chính sách tăng lương của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Trong các công ty bán lẻ lớn tại quốc gia Đông Á, doanh số bán hàng trực tuyến chiếm 48% tổng doanh số bán hàng. Con số này cao hơn nhiều so với ở Nhật Bản. Trước việc chuyển sang bán hàng trực tuyến ngày càng tăng giữa lúc dịch Covid-19 diễn ra, robot giao hàng đang trở nên hiệu quả về mặt chi phí đối với các cửa hàng thực đang mất dần khách hàng.

Lotte, nhà điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven, đã bắt đầu sử dụng dịch vụ giao hàng bằng robot mà công ty cùng phát triển với Neubility xung quanh một khu chung cư ở Seoul. Trong thử nghiệm, một robot được điều khiển bằng công nghệ camera và cảm biến sẽ chuyển những gói hàng nặng tổng cộng 25 kg đến các điểm đến trong khu phức hợp.

Theo Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Hàn Quốc, trong 5 năm tính đến năm 2020, có 234 bằng sáng chế liên quan đến phát triển robot để bán sản phẩm đã được nộp, tăng 29% hằng năm. Nhiều công ty sản xuất chủ chốt, ngoài các công ty khởi nghiệp chuyên về robot, cũng đẩy mạnh việc nghiên cứu và phát triển robot. Năm 2020, Hyundai Motor đã mua lại công ty liên doanh về robot của Mỹ Boston Dynamics từ Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản, để đẩy nhanh sự phát triển công nghệ điều khiển robot trên nền tảng công nghệ tự lái. Tập đoàn sản xuất ô tô này còn đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển robot giao hàng tại nhà dạng phương tiện nhỏ và các tùy chọn giao hàng khác nhau dựa trên phương tiện bay không người lái.

Robot do LG Electronics phát triển để giao thức ăn từ bếp đến bàn cho khách trong quán ăn, nhà hàng cũng xuất hiện ngày càng nhiều ở Hàn Quốc. Trong khi đó, Samsung Electronics đang phát triển robot có thể thực hiện công việc gia đình cùng với các thiết bị gia dụng. Ví dụ, robot sẽ có thể lấy đĩa ra khỏi bàn và đưa chúng vào máy rửa bát.

Robot phục vụ cocktail và kem 'như phim' tại Olympic Bắc Kinh 2022
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.