Trước “người láng giềng bí ẩn” CHDCND Triều Tiên luôn có những hành động bất ngờ, Hàn Quốc đang huy động tiềm lực công nghệ và tài chính, nhằm sở hữu những loại vũ khí và phương tiện quân sự có thể giúp bảo đảm an ninh quốc gia.
Vũ khí laser chống UAV
Theo tờ The Korea Times hôm 29.9, quân đội nước này đã lên kế hoạch chế tạo hoặc thu mua một loại vũ khí laser nhằm bắn hạ các máy bay không người lái (UAV) của Triều Tiên vượt qua biên giới. “Trong bối cảnh các mối lo ngại về nguy cơ tấn công bằng UAV của Triều Tiên ngày càng gia tăng, chúng tôi đang có kế hoạch trang bị một hệ thống vũ khí độ chính xác cao có thể phát hiện, theo dõi và bắn hạ các UAV loại nhỏ”, tờ báo dẫn lời một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.
Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) đã triển khai một dự án nghiên cứu những phát triển công nghệ cơ bản dùng cho vũ khí laser. Còn Cơ quan Phát triển quốc phòng Hàn Quốc (ADD) đã chỉ định Tập đoàn công nghệ quốc phòng Hanwha chịu trách nhiệm thử nghiệm sản phẩm.
Theo một quan chức của ADD, phụ thuộc vào kết quả nghiên cứu và phát triển mà cơ quan này sẽ đánh giá và quyết định có nên tự sản xuất và triển khai hệ thống phòng không nội địa hay không. “Nếu không, quân đội Hàn Quốc dự định sẽ nhập khẩu hệ thống phòng không nước ngoài để đối phó UAV từ Triều Tiên”, ông nói thêm.
Tháng 6.2016, trang Russia Beyond The Headlines đưa tin nhằm đáp trả việc Triều Tiên triển khai tên lửa hạt nhân và tàu ngầm, Seoul đã tăng cường vận dụng công nghệ Nga cho ngành công nghiệp vũ khí nội địa, bao gồm công nghệ dùng cho hệ thống phòng không S-400 Triumf cự phách của Moscow.
Kế hoạch thiết lập một hệ thống phòng không mới cho Hàn Quốc được đưa ra giữa lúc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không ngừng gia tăng. Theo tờ International Business Times, giới chức tại Seoul tin rằng các UAV của miền Bắc đã vượt qua ranh giới quân sự giữa 2 miền ít nhất 5 lần trong tháng 8. Nỗ lực phát triển vũ khí laser nhằm đối phó với UAV của Triều Tiên cho thấy, từ việc xem nhẹ, Hàn Quốc đang ra sức tìm kiếm biện pháp đối phó hữu hiệu trước sự phát triển khó ngờ của Triều Tiên trong lĩnh vực quân sự, bao gồm UAV.
Hiện tại, Hàn Quốc sử dụng pháo phòng không hoặc tên lửa đất đối không để ngăn chặn sự xâm nhập của UAV từ miền Bắc. Vũ khí laser phát huy tác dụng bằng cách đốt cháy một lỗ trên UAV, làm tê liệt các bộ phận bên trong máy bay, hay đơn giản là làm cho nó rơi vì bị thủng lỗ ở phần cánh. Việc chế tạo loại vũ khí này đòi hỏi nhiều công nghệ và thiết bị tinh vi nên đây sẽ là một thách thức không nhỏ đối với Hàn Quốc.
Vũ khí “sát thương mềm”
Theo tờ The Korea Herald, ngoài vũ khí laser, Hàn Quốc cũng đã đặt mục tiêu chế tạo nhiều loại vũ khí công nghệ cao khác, bao gồm các loại vũ khí vi sóng năng lượng cao (HPM) và bom xung điện từ (EMP) vào đầu thập niên 2020. HPM, còn được gọi là bom E, sinh ra các tia xung điện từ phá hủy toàn bộ các thiết bị điện tử trong một bán kính nhất định. Tương tự, EMP cũng sinh ra trường điện từ cực lớn gây hư hại thiết bị điện.
Những loại vũ khí được thiết kế nhằm làm gián đoạn hoạt động của các thiết bị điện tử và các cơ sở hạ tầng xã hội này được gọi là vũ khí “sát thương mềm”, so với các loại vũ khí “sát thương cứng” chẳng hạn như tên lửa vốn được dùng để tấn công trực tiếp vào các mục tiêu của đối phương. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết họ sẽ phát triển khả năng “sát thương mềm” thông qua việc hợp tác chặt chẽ với khu vực dân sự. Đây là một phần chương trình quốc phòng sáng tạo, được Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xây dựng, nhằm răn đe Triều Tiên với chi phí thấp. Chương trình này cũng bao gồm việc phát triển các hệ thống chiến đấu không người lái, robot chiến đấu, công cụ do thám và tàu không người lái... nhằm hạn chế thiệt hại nhân mạng.
Tàu chuyển quân siêu tốc
Yonhap hôm qua 29.9 dẫn một nguồn tin quốc phòng cho biết hải quân Hàn Quốc đang có kế hoạch triển khai phương tiện vận tải quân sự tốc độ cao vào năm 2020. Đây là một phần nỗ lực của chính phủ nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của binh sĩ Hàn Quốc trước “những sự khiêu khích không ngừng” của Triều Tiên dọc giới tuyến 2 miền. Cũng theo nguồn tin trên, dự kiến phương tiện mới sẽ được triển khai nhằm vận chuyển lực lượng viện binh từ TP.Incheon, cách thủ đô Seoul khoảng 40 km về phía tây, đến các đảo tiền tiêu ở phía tây bắc.
|
Bình luận (0)