Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định chi 10 triệu USD để đẩy mạnh chế tạo tên lửa sóng điện từ cực mạnh, hứa hẹn thay đổi cục diện chiến tranh hiện đại.
Tên lửa AGM-86 sẽ có công năng mới cực kỳ lợi hại nhờ chương trình CHAMP - Ảnh: Pikio |
Theo chuyên san IHS Jane’s, không quân Mỹ ra thông báo cho biết Tập đoàn quốc phòng Raytheon đã trúng gói thầu trị giá 10 triệu USD từ Lầu Năm Góc nhằm đẩy mạnh chương trình chế tạo tên lửa hành trình sử dụng năng lượng vi ba cao tần chống hệ thống điện tử (CHAMP).
Cụ thể, Ktech - chi nhánh của Raytheon - nhận được 4,8 triệu USD để tân trang 2 tên lửa hành trình quy ước AGM-86 của Hãng Boeing, thay thế đầu đạn thông thường bằng đầu phóng có thể phát vi ba. Khoản tiền 5,2 triệu USD còn lại sẽ được dùng cho “các hoạt động năng lượng định hướng” liên quan, IHS Jane’s dẫn lời Peter Duselis, Giám đốc chương trình năng lượng định hướng của Ktech, cho biết. Giới quan sát nhận định nếu thành công với dự án này, quân đội Mỹ sẽ sở hữu năng lực tác chiến vượt trội hẳn trong chiến tranh điện tử.
Khắc tinh điện tử
IHS Jane’s dẫn lời các chuyên gia của Ktech tiết lộ hệ thống tên lửa vi ba CHAMP theo lộ trình bay định sẵn sẽ nhắm thẳng mục tiêu, “nướng chín” mọi thiết bị tác chiến hoặc phòng thủ điện tử của đối phương, khiến chúng trở nên hoàn toàn vô dụng. Đó là nhờ tên lửa được trang bị công nghệ CHAMP có thể phóng các chùm sóng tần số siêu cao nhằm vào tàu chiến, căn cứ quân sự hoặc các tòa nhà cao tầng, gây tê liệt mọi thiết bị điện tử bên trong từ máy tính đến điện thoại di động.
Ngoài ra, CHAMP có khả năng triệt tiêu hệ thống phòng thủ tên lửa hoặc phát hiện mục tiêu bằng sóng vô tuyến của đối phương. Theo một phần hợp đồng với Bộ Quốc phòng Mỹ, Raytheon sẽ chuyển giao hệ thống trên cho Phòng Nghiên cứu thí nghiệm của không quân (AFRL) để phát triển thêm sau khi hoàn tất quá trình tân trang 2 tên lửa AGM-86.
Theo Sputnik, công nghệ nền tảng của CHAMP lấy cảm hứng từ vũ khí hạt nhân. Ngoài nhiệt, sức nổ và bức xạ, vũ khí hạt nhân khi nổ còn phóng ra lượng lớn năng lượng điện từ (EMP) chỉ trong tích tắc. Các xung điện từ EMP này lưu thông trong khí quyển, khiến mọi thiết bị điện tử, nhất là bộ vi xử lý máy tính, trở nên vô dụng. Dựa trên cơ chế này, CHAMP được gắn thiết bị phát ra vi ba thay cho đầu nổ truyền thống và trở thành khắc tinh của các thiết bị điện tử.
Điểm khác biệt là EMP do vũ khí hạt nhân phát ra có xung lực rộng bao một khu vực lớn, còn tên lửa CHAMP nhắm chính xác vào một hoặc nhiều mục tiêu bằng hàng loạt chùm tia vi ba khi đang bay. Theo các chuyên gia, một tên lửa có thể phóng tới 100 chùm sóng trong một lần xuất kích.
Không gây sát thương
Điều đặc biệt nhất của hệ thống vũ khí CHAMP là tên lửa không gây sát thương cho con người, không gây cháy nổ và toàn vẹn trở về sau khi tung đòn nên có thể được tái sử dụng. Theo IHS Jane’s, các cuộc thử nghiệm do Raytheon phối hợp tiến hành với AFRL đều mang lại kết quả rất khả quan.
Tại bãi thử thuộc căn cứ không quân Hill ở bang Utah (Mỹ), tên lửa điện từ CHAMP bắn tia sóng nhằm vào tòa nhà 2 tầng chứa đầy thiết bị điện tử. Vài giây sau, toàn bộ hệ thống lưới điện, mọi máy tính cũng như các thiết bị điện tử khác trong tòa nhà hỏng nặng. Thậm chí, số máy quay được bố trí để ghi lại cuộc thử nghiệm cũng tê liệt. Trong khi đó, toàn bộ tòa nhà cũng như con người không hề hấn gì.
Như vậy, lợi thế quân sự của CHAMP đã bộc lộ rõ ràng. “Công nghệ này đánh dấu một kỷ nguyên mới trong chiến tranh hiện đại. Ngày nay, chúng tôi đã biến khoa học viễn tưởng thành khoa học thực tế”, ông Keith Coleman, Giám đốc phụ trách chương trình CHAMP tuyên bố.
Ông này khẳng định thêm: “Trong tương lai gần, công nghệ CHAMP sẽ được sử dụng nhằm vô hiệu hóa mọi hệ thống dữ liệu và tác chiến điện tử của đối phương, ngay trước khi lực lượng bộ binh hoặc máy bay tiêm kích tham chiến”. Với việc đẩy mạnh chế tạo CHAMP, quân đội Mỹ hướng tới không để tụt hậu, thậm chí vượt trội so với các đối thủ tiềm tàng đang phát triển vũ khí công nghệ cao khác như Nga và Trung Quốc, theo báo mạng Business Insider.
Trợ thủ chống khủng bố
CHAMP còn được xem là trợ thủ đắc lực cho Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố dai dẳng hiện nay. Các chuyên gia nhận định hệ thống tên lửa vi ba này rất phù hợp để triển khai tại các chiến trường như Syria và Iraq khi giáng những đòn tấn công ác liệt vào mục tiêu nhưng không gây sát thương dân thường.
Theo trang tin News.com.au, mạng lưới viễn thông của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) hiện phụ thuộc vào công nghệ kỹ thuật số hiện đại, chẳng hạn như điện thoại thông minh, để tiến hành tuyên truyền lôi kéo trên mạng xã hội. Vì thế, tên lửa hành trình CHAMP, khi bay lượn trên bầu rời thành phố Raqqa, pháo đài của IS tại Syria, hoàn toàn có khả năng đánh sập hệ thống mạng và các thiết bị khác, gây rối loạn cho tổ chức này.
|
Bình luận (0)