Hàng chục ngàn trẻ từ 1 - 2 tuổi chưa tiêm vắc xin

Duy Tính
Duy Tính
22/06/2022 06:05 GMT+7

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) kêu gọi phụ huynh đưa con em đi tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Ngày 21.6, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) kêu gọi phụ huynh đưa con em đi tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Ngày 21.6: Cả nước 748 ca Covid-19, 5.780 ca khỏi | Hà Nội 145 ca | TP.HCM 26 ca

Nguy cơ bùng dịch

Theo HCDC, có 2 nhóm đối tượng là trẻ em hiện đang thiếu mũi tiêm rất nhiều. Nguyên nhân do thời gian dịch bệnh phụ huynh ngại đưa con em đi tiêm.

Cụ thể, TP.HCM có 56.140 trẻ dưới 1 tuổi (trẻ sinh 8 tháng đầu 2021) nhưng mới có 43.351 trẻ đã tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin, đạt 71,1%, trong khi chỉ tiêu cần đạt là 95%. Cả 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức đều không đạt chỉ tiêu 95%. Đặc biệt, có nhiều quận, huyện có tỷ lệ tiêm rất thấp, dưới 70% gồm: quận 5, 11, 12, Bình Thạnh, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.

Tiêm đúng lịch, đủ liều giúp bảo vệ bản thân trẻ và duy trì miễn dịch cộng đồng

Xuân Khánh

Đối với tỷ lệ tiêm mũi nhắc 18 tháng (trẻ sinh 11 tháng đầu 2020) là 94.778 em. Trong đó, số trẻ đã tiêm nhắc sởi đạt tỷ lệ 58,6%; và bạch hầu, uốn ván và ho gà - DPT4 đạt 42,6%. Trong khi đó, chỉ tiêu tiêm cần đạt của tiêm sởi là 95% và DPT4 là 85%. Cả 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức đều không đạt chỉ tiêu ở cả 2 mũi nhắc này. Ngành y tế đã có kế hoạch tiêm bù cho trẻ sinh năm 2019, 2000 nhưng vẫn chưa đạt so với chỉ tiêu đặt ra.

Trước tình hình trên, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo các trung tâm y tế xây dựng kế hoạch tổ chức tiêm bù, tiêm vét; đồng thời theo dõi tiến độ tiêm chủng của trẻ sinh năm 2022, đảm bảo độ bao phủ phòng bệnh cho trẻ.

Sở Y tế cũng chỉ đạo các địa phương phải có phương án huy động nhân sự tổ chức rà soát đối tượng trên địa bàn và thực hiện mời tiêm theo nhóm đối tượng ưu tiên của từng địa phương, đặc biệt các quận huyện có tỷ lệ tiêm thấp và chỉ tiêu chưa đạt. HCDC tăng cường giám sát công tác tổ chức tiêm bù, quản lý trẻ của trạm y tế để kịp thời hỗ trợ về chuyên môn và báo cáo lãnh đạo các vấn đề khác như thiếu nhân sự…

Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã có vắc xin ở trẻ em do thiếu tiêm chủng thường xuyên, đặc biệt nguy cơ xảy ra dịch sởi trong năm 2022 theo chu kỳ 4 năm. Do vậy, tiêm nhắc lại cho trẻ em là bắt buộc. Cha mẹ có thể chọn tiêm miễn phí tại các địa điểm tiêm chủng mở rộng hoặc tự trả phí nếu lựa chọn vắc xin thu phí cùng loại. Sở Y tế kêu gọi phụ huynh đưa con đi tiêm đúng lịch, đủ liều giúp bảo vệ bản thân trẻ và duy trì miễn dịch cộng đồng.

Không nên bỏ tiêm vắc xin Covid-19

Đối với tiêm vắc xin Covid-19, tính đến nay TP.HCM đã tiêm hơn 21,1 triệu mũi. Trong đó, có hơn 8,4 triệu mũi 1, hơn 7,5 triệu mũi 2; 684.615 mũi bổ sung; gần 4,3 triệu mũi nhắc lần 1; 138.109 mũi nhắc lần 2.

Theo Sở Y tế, có nhiều người đi tiêm mũi nhắc lại lần 1, lần 2 sau chiến dịch phát động. Cụ thể, tổng số mũi tiêm tính từ ngày 14 - 18.6 (tuần 24) là 141.321 mũi, tăng gần 2,5 lần so với tuần trước. Trong đó, ngày thứ 4 sau khi phát động đợt cao điểm có số lượng mũi tiêm cao nhất với 31.655 mũi. Nhưng số mũi tiêm vẫn chưa đạt như mong muốn.

Đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là 898.537 em, nhưng TP.HCM mới tiêm được 452.540 mũi. Trong đó, 331.941 mũi 1 (đạt 34,72%) và 120.599 mũi 2 (đạt 13,42%). Dịch bệnh giảm sâu, nhưng mầm bệnh vẫn còn trong cộng đồng nên Sở Y tế khuyến cáo người dân không nên chủ quan mà bỏ tiêm vắc xin.

Sở Y tế cũng khuyến cáo, phòng bệnh Covid-19, tay chân miệng, bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh khác như sởi, rubella, thủy đậu, bên cạnh việc tiêm chủng đầy đủ (nếu có vắc xin) thì rửa tay thường xuyên là biện pháp hữu hiệu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.