Hàng chục ngàn xe nằm bãi vì ùn tắc đăng kiểm

11/05/2023 06:15 GMT+7

Hàng ngàn xe buýt và hàng chục ngàn phương tiện khác chưa thể kinh doanh do ùn tắc đăng kiểm khiến doanh nghiệp thiệt hại nặng nề.

Xe kinh doanh lỗ nặng

Sáng qua 10.5, nhiều phương tiện vận tải tải trọng lớn đến đăng ký kiểm định tại Trung tâm đăng kiểm (TTĐK) 61-03S, TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) hết sức thất vọng khi nhìn thấy thông báo: "Xe khối lượng trên 2,5 tấn và xe khách trên 16 chỗ đã được phát phiếu hẹn kiểm định hết tháng 7.2023. Đợt phát phiếu hẹn tiếp theo cho tháng 8 sẽ tiến hành vào ngày 25.7". 

Đại diện một doanh nghiệp (DN) vận tải tại Bình Dương bức xúc: "Công ty chúng tôi cho thuê rơ moóc nhưng hiện nay nhiều rơ moóc đang phải nằm bãi vì hết hạn đăng kiểm, hoặc khách thuê trả lại do không thể đăng kiểm được. Trong khi đó, dù một số địa phương đã áp dụng việc đăng ký đặt lịch đăng kiểm trực tuyến, tuy nhiên app TTĐK đặt lịch đăng kiểm có hiện tượng quá tải, lần lượt các lịch hẹn bị xóa tự động, gây thiệt hại lớn cho chủ phương tiện và DN vận tải. Việc chờ đợi và đi lại nhiều lần làm phát sinh chi phí, xe không đăng kiểm được thì không có doanh thu, trong khi lãi ngân hàng, phí bảo trì đường bộ, lương nhân viên... vẫn phải chi trả".

Xếp hàng xuyên đêm chờ đăng kiểm, tài xế ngao ngán ‘cả ngày nhích được trăm mét’

Hàng chục ngàn xe nằm bãi vì ùn tắc đăng kiểm  - Ảnh 1.

Nếu không có giải pháp dứt khoát, tình hình ùn tắc đăng kiểm sẽ kéo dài 6 tháng nữa

TN

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Hùng, đại diện Hiệp hội Vận tải Bình Dương, cho biết tình trạng không đăng kiểm xe được khiến rất nhiều cá nhân, công ty vận tải thiệt hại rất lớn, thậm chí là có nguy cơ vi phạm hợp đồng vận chuyển và phải đền bù. "Hiệp hội Vận tải Bình Dương đề xuất triển khai trang web, ứng dụng đăng ký lịch đăng kiểm; tạo trang map trực quan địa điểm tỉnh thành nào còn bao nhiêu (chỗ) đăng kiểm real-time; để lái xe biết và sắp xếp lịch đến hoàn tất trong ngày. Thêm vào đó, kiến nghị cơ quan chức năng gia hạn thêm 3 - 6 tháng cho các xe đã đến hạn. Việc này sẽ ngay lập tức giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong đăng kiểm hiện nay và cũng là phương án hỗ trợ cho DN vận tải", ông Nguyễn Văn Hùng nói.

Ông Đinh Nam Dinh, Giám đốc HTX Vận tải số 9 (TP.HCM), cho biết: "Tình hình đăng kiểm hiện nay giống như "con chim trúng tên" nên luôn lo lắng, thận trọng. Trước đây khi chưa xảy ra sự cố, các xe đến kiểm định rất thuận lợi, thậm chí không có tiêu cực cũng rất dễ đậu. Còn hiện tại thì các xe kinh doanh gặp bất lợi khi các khâu đăng kiểm siết chặt hơn trước. Xếp hàng chờ đến lượt đã khó, vượt qua kiểm định còn khó hơn. Thậm chí xe đạt được rồi mà cũng phải chờ đợi vì TTĐK không dám cấp. Năng lực kiểm định hiện nay đã không đáp ứng nổi nhu cầu mà còn có hiện tượng e dè, không dám cấp giấy khiến DN, HTX gặp khó khăn nhiều hơn. Chúng tôi chưa thống kê chính xác nhưng số phương tiện của HTX quá hạn đăng kiểm rất nhiều, dĩ nhiên khi chưa đạt kiểm định thì xe không dám đưa ra kinh doanh nên mức thiệt hại chưa thể tính toán được".

Hàng chục ngàn xe nằm bãi vì ùn tắc đăng kiểm  - Ảnh 2.

Doanh nghiệp khổ sở vì rơ moóc nằm bãi khi chưa đăng kiểm được

QUANG THUẦN

Anh Minh Long, chủ một DN kinh doanh vận tải tại Bà Rịa-Vũng Tàu, vẫn chưa hết bức xúc vì có 6 phương tiện đã đăng ký qua ứng dụng nhưng bị hủy vô cớ. "Đến thời điểm này, đúng ra các xe của DN chúng tôi đều được kiểm định đúng kế hoạch. Tuy nhiên, sự cố hủy ngang của app TTĐK khiến cho cả 6 phương tiện đều đang nằm bãi vì lịch hẹn sau khi đặt lại đã chuyển qua đến tháng 6. Doanh thu bị thiệt hại mỗi xe khoảng 150 triệu đồng/tháng trong khi lương tài xế, nhân viên vẫn phải duy trì", anh Minh Long than thở.

Một lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cũng thừa nhận: "Trong số 1.750 xe buýt đang hoạt động thì cũng vẫn còn đến 1.300 xe chưa thể kiểm định. Quá tải trong hoạt động kiểm định xe cơ giới đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến người dân, DN khi phương tiện phải nằm một chỗ cả tháng trời. Tình trạng quá tải vẫn chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều".

Cần có giải pháp ngay lập tức

Theo khảo sát của PV Thanh Niên, trên các diễn đàn về ô tô và phỏng vấn trực tiếp, tình trạng bức xúc của người dân, DN xung quanh vấn đề đăng kiểm đang căng thẳng. Tại TP.HCM đang có 15/19 TTĐK hoạt động nhưng số chuyền kiểm định có đủ nhân sự để hoạt động chỉ chiếm khoảng 56%. Vì vậy, công suất kiểm định hằng ngày hiện chỉ đáp ứng 50% so với trước, tương đương 1.860 xe/ngày. Trong khi đó, chưa kể lượng xe chưa được kiểm định từ các tháng trước dồn lại, chỉ riêng tháng cao điểm nhất trong năm là tháng 4 vừa qua đã có 88.000 xe đến hạn phải kiểm định. Trong tháng 5 này, lượng ô tô mang biển số TP sẽ có 65.000 xe đến hạn kiểm định. Tình trạng quá tải chờ đến lượt kiểm định sẽ còn căng thẳng hơn.

Hàng chục ngàn xe nằm bãi vì ùn tắc đăng kiểm  - Ảnh 3.

Nhiều TTĐK không nhận kiểm định xe tải đến tháng 8.2023

QT

Thực tế hiện nay vấn đề hủy "slot" đã đăng ký đang diễn ra khá phổ biến. Tại TTĐK 2911D (Đông Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội), ông Bùi Minh Kiên, phụ trách TTĐK này, cho biết cả 2 dây chuyền của đơn vị vẫn đang làm hết công suất, trung bình mỗi ngày kiểm định 120 xe. Trung tâm phát phiếu hẹn trực tiếp vào 7 - 8 giờ và 13 - 14 giờ hằng ngày nhưng lịch đã kín đến ngày 6.6. Dù vậy, những ngày gần đây, liên tiếp có những trường hợp chủ xe hẹn lịch đăng kiểm nhưng không đến kiểm định. Tại TTĐK 8904D (Văn Giang, Hưng Yên), số lượng xe bỏ lịch đăng kiểm những ngày gần đây cũng lên đến 40% (khoảng hơn 50 xe/ngày).

"Có nhiều chủ xe do lo ngại quá tải không kịp kiểm định xe khi đến hạn nên đã lấy phiếu hẹn ở nhiều nơi bằng cả hình thức phát trực tiếp và qua app đăng kiểm. TTĐK nào có lịch hẹn trước thì đến kiểm định. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến tình trạng đặt lịch đăng kiểm "ảo" hay bỏ slot đăng kiểm. Ngoài ra, nguyên nhân có thể do người dân có tâm lý chờ đợi khi biết được thông tin xe chở người đến 9 chỗ ngồi, không kinh doanh vận tải có khả năng được tự động giãn chu kỳ đăng kiểm nên không đưa phương tiện đi đăng kiểm theo lịch hẹn", ông Kiên nhận định.

Ông Đinh Nam Dinh, thành viên Hiệp hội Ô tô vận tải TP.HCM, kiến nghị: "Giải pháp tự động giãn chu kỳ đăng kiểm đối với các xe dưới 9 chỗ không kinh doanh ngay trong chu kỳ kiểm định này cần được triển khai sớm để giảm tải cho các TTĐK. Bên cạnh đó, hoạt động tăng ca, làm thêm giờ, làm không nghỉ cuối tuần ở các TTĐK cần có cơ chế về chính sách tiền công, thu nhập thêm cho các kiểm định viên. Ngoài ra, tôi cũng đề xuất cơ chế thu nhập của các TTĐK nên linh động trên cả nước chứ không cứng nhắc. Ví dụ như họ có quyền thu thêm các phí dịch vụ, quỹ tiền thưởng…để tăng thu nhập cho kiểm định viên. Nếu công việc áp lực cao mà thu nhập không tương xứng thì rất dễ xảy ra tiêu cực". 

Để giảm tải kiểm định ô tô tại TP, cần phải khôi phục lại toàn bộ các chuyền kiểm định chứ không còn cách nào khác. Việc giãn tiến độ đăng kiểm được Bộ GTVT quy định vừa qua ít nhất cũng phải 6 tháng sau mới có tác dụng trên thực tế. Bởi với các xe không kinh doanh, đến hạn vẫn phải đi kiểm định, sau đó mới được cộng thêm thời gian giãn cách vào chu kỳ kiểm định mới. Đối với ô tô mới, dù không phải đưa xe đến trạm đăng kiểm, nhưng chủ xe vẫn phải đến trạm đăng kiểm để nộp giấy tờ, lấy tem kiểm định nên vẫn xảy ra tình trạng dồn ứ tại các TTĐK. Do đó, các giải pháp đang triển khai hiện nay phải 3 tháng nữa mới có tác dụng.

Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.