TP.HCM bước vào cao điểm ùn tắc đăng kiểm

06/04/2023 06:01 GMT+7

Đúng như dự báo từ đầu năm, lượng xe đến hạn đăng kiểm sẽ gia tăng đột biến từ tháng 4 - 6.2023, trong đó, TP.HCM dự kiến lượng xe đến hạn đăng kiểm sẽ vượt gấp 4 lần công suất hoạt động của các trung tâm đăng kiểm hiện nay.

Xếp hàng đăng kiểm xuyên đêm

Sáng 4.4, tình hình ùn tắc tại Trung tâm Đăng kiểm (TTĐK) 50-03S trên QL13, P.Hiệp Bình Chánh trở nên nghiêm trọng hơn lúc nào hết. Dòng xe xếp hàng từ trong TTĐK kéo dài hơn 2 - 3 km ra đến tận QL13. Chị H.T.V, ngụ tại P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức (TP.HCM) bức xúc kể: "Sáng nay tôi đi đăng kiểm xe tại TTĐK 50-03S trên QL13 và không ngờ tình trạng ùn tắc nghiêm trọng thế này. Vài ngày gần đây lượng xe đổ về nhiều hơn, xếp hàng ra cả QL13 và kéo dài đến tận khu đô thị Vạn Phúc. Khu vực này vốn dĩ thường xuyên ách tắc vào giờ cao điểm, hôm nay lại có thêm một làn xe xếp hàng kiểm định, tình trạng kẹt xe còn trầm trọng hơn".

TP.HCM bước vào cao điểm ùn tắc đăng kiểm - Ảnh 1.

Ùn tắc tại TTĐK ở TP.HCM sẽ bước vào giai đoạn cao điểm từ tháng 4.2023

QUANG THUẦN

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, ùn tắc ở các TTĐK trên địa bàn TP.HCM đang gia tăng nghiêm trọng trở lại ở các trung tâm như 50-03V, P.Bình Chiểu; 50-03S, P.Hiệp Bình Phước; 50-04V, P.Cát Lái (TP.Thủ Đức). Các phương tiện xếp hàng chờ đợi kéo dài, gây ách tắc giao thông và ảnh hưởng việc di chuyển, vận tải hàng hóa, kinh doanh mua bán của người dân khu vực nói trên.

Tại TTĐK 50-03S, nhiều tài xế cho biết đã đến xếp hàng từ 4 giờ sáng nhưng đến gần trưa vẫn không vào được bên trong. Ông N.V.V, chủ xe ngụ tại Q.Phú Nhuận (TP.HCM) than thở: "Xe của tôi hết hạn kiểm định vào ngày 12.4, tôi chạy đến nhiều nơi gần nhà nhưng đều quá tải, nếu muốn đi sang các điểm khác phải mất đến 20 km. Tình trạng này kéo dài lâu nay phải nói là rất khổ sở".

Về lâu dài ngành đăng kiểm cần tập huấn đăng kiểm viên cấp bách, nhanh chóng. Bộ GTVT không cần bổ nhiệm mà có thể hợp đồng với các chuyên gia, kỹ sư và công nhân là đăng kiểm viên để làm cho nhanh.


Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM

Một số tài xế cho biết sẽ ngủ lại qua đêm trên xe để chờ đến lượt đăng kiểm. Nhiều người khác hướng dẫn gửi xe lại qua đêm, có người trông giữ xe để đỡ mất công xếp hàng. Theo tìm hiểu của PV, hiện nay có hơn một nửa (5/10) TTĐK chỉ nhận xe đăng ký qua ứng dụng điện thoại, việc này giải quyết được tình trạng ùn tắc tại các cơ sở này nhưng khiến lượng xe đổ dồn qua các TTĐK khác.

Thực tế, tình trạng quá tải hiện nay đã được dự báo từ nhiều tháng trước nhưng khi bước vào cao điểm thì vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. Theo Cục Đăng kiểm, từ tháng 4.2023, số lượng xe đến hạn kiểm định sẽ tăng cao nhất trong năm. Cụ thể, tại TP.HCM tháng 4 có 84.669 xe, tháng 5 có 72.276 xe, tháng 6 có 69.298 xe. Trong khi đó, năng lực kiểm định tại TP chỉ vào khoảng 1.040 xe/ngày, tương đương 27.040 xe/tháng.

Cục Đăng kiểm dự báo nếu không có sự thay đổi thì với số lượng TTĐK tại Hà Nội và TP.HCM hiện tại, trong các tháng tiếp theo của năm 2023 sẽ không đáp ứng được nhu cầu kiểm định xe của người dân. Đặc biệt có những tháng sẽ xuất hiện ùn tắc nghiêm trọng do năng lực kiểm tra chỉ đáp ứng 31% nhu cầu.

Giãn kiểm định chưa giải quyết ùn tắc lập tức

Theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, hiện nay công an hay quân đội hỗ trợ đăng kiểm nhưng chỉ một thời gian nhất định, chứ không thể kéo dài. Do đó, cái nào ảnh hưởng đến an toàn giao thông thì có thể nên giữ đăng kiểm, cái nào ảnh hưởng đến thời gian đăng kiểm thì nên có cách xử lý khác. Ví dụ như lốp vỏ xe, trong trạm đăng kiểm cũng nên có các bộ phận sửa chữa cho thuận tiện nếu xe đăng kiểm không đạt thì làm tại chỗ.

"Chúng tôi mong muốn có app chung, sử dụng công nghệ thông tin đặt lịch để không mất thời gian và chi phí đi lại. Ứng dụng chung cho cả nước sẽ giúp cho tài xế lựa chọn tỉnh này nếu đang trên đường đi, hay TTĐK nào không quá tải sẽ ghé vào. Bên cạnh đó, tiêu chí nội dung của đăng kiểm rất chi li phức tạp. Nếu đáp ứng được theo Cục Đăng kiểm thì xe cũ thành xe mới. Nếu thời gian cấp thiết sẽ gây khó khăn cho người dân, vì vậy đề nghị Cục Đăng kiểm nên xem xét lại để giảm bớt thủ tục và áp lực cho các TTĐK", ông Quản kiến nghị.

Cục đang gấp rút triển khai ứng dụng như đăng ký kiểm định trực tuyến đồng bộ, người dân thực hiện nộp phí hay mua phí cũng trực tuyến… Sau này nữa giảm thiểu nguồn lực, vừa giãn chu kỳ để giảm tần suất, nhân lực cũng sẽ giảm dần không cần nhiều để đáp ứng như hiện tại. Đồng thời, cục cũng nghiên cứu áp dụng hạn chế con người tham gia dây chuyền đăng kiểm. Ngành đăng kiểm cũng tiến tới mục tiêu là sự hài lòng người dân và doanh nghiệp, từ đó đạt được mục tiêu và các văn bản được sửa chữa, bổ sung dần nhằm đảm bảo công tác đăng kiểm phát triển và ổn định lâu dài.


Ông Nguyễn Tô An, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, cũng đề xuất: "Trước khi khủng hoảng chúng ta chỉ đáp ứng được 50%. Vì vậy, việc cần làm là sớm có giải pháp, huy động thêm đăng kiểm viên từ công an, quân đội và cả đăng kiểm viên đã về hưu hoạt động lại. Tuy nhiên, về lâu dài ngành đăng kiểm cần tập huấn đăng kiểm viên cấp bách, nhanh chóng. Bộ GTVT không cần bổ nhiệm mà có thể hợp đồng với các chuyên gia, kỹ sư và công nhân là đăng kiểm viên để làm cho nhanh. Trường hợp đào tạo dài hạn 3 - 5 năm là rất lâu. Vì vậy, Bộ GTVT và Chính phủ cần tính toán đến việc đào tạo đăng kiểm viên dài hạn".

Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, nhìn nhận: "Thông tư 02 là một điểm tích cực của Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm góp phần giải quyết sự ùn ứ, nhưng nó chỉ góp phần cho 6 tháng sau. Theo thống kê, công suất kiểm định tại TP.HCM một ngày được 570 xe, một chuyền/60 xe. Riêng đối với các loại xe mới thì số lượng thống kê 130 xe mới đăng ký 1 ngày nên số lượng này không ảnh hưởng quá nhiều. Quy định của Thông tư 02 không hồi tố nên các xe vẫn đi xét. Hiện nay lực lượng công an, quân đội đã hỗ trợ, biện pháp này đang có hiệu quả và thiết thực. Nhưng lực lượng này chỉ hỗ trợ cho các TTĐK, trong đó các đăng kiểm viên hiện cũng đã làm việc hết sức lực. Với áp lực hiện nay không thể giải quyết được nếu xe quay đi quay lại đăng kiểm nhiều lần. Theo thông tin, có ngày đã có 30 - 50% xe đăng kiểm không đạt ảnh hưởng rất nhiều đến người dân và các trạm đăng kiểm. Do đó, cần khuyến cáo người dân các vấn đề bảo dưỡng, sửa chữa trước khi kiểm định".

Ông Nguyễn Tô An, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, cũng chia sẻ: "Hiện tại lĩnh vực đăng kiểm chưa thể nói là vượt qua được giai đoạn khủng hoảng và khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do đến ngày hôm nay tổng số lượng TTĐK đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM chỉ còn 10 trung tâm. Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm cũng đang cố gắng khôi phục lại một số TTĐK nhằm khẩn trương giải tỏa ách tắc, nhưng nghiêm trọng hơn là thiếu hụt nhân sự. Đấy là những điểm nghẽn cơ bản, nếu có đủ số lượng TTĐK như trước thì không xảy ra như hiện tượng ùn ứ như bây giờ. Việc sử dụng lực lượng chức năng như công an, quân đội là giải pháp tạm thời, cấp bách và đây chưa phải là giải pháp dài hạn. Điểm nghẽn ở đây là các đăng kiểm viên đang thiếu, chứ hệ thống các TTĐK có nhiều nhưng phải có con người và nhân lực mới sử dụng các dây chuyền có sẵn, các trạm mới hoạt động được".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.