Hàng chục người Hàn Quốc cúi đầu xin lỗi tại lễ tưởng niệm vụ thảm sát Hà My

Mạnh Cường
Mạnh Cường
14/02/2023 19:26 GMT+7

Tại lễ tưởng niệm vụ thảm sát 135 dân thường ở làng Hà My (nay thuộc P.Điện Dương, TX.Điện Bàn, Quảng Nam), có 37 người Hàn Quốc, là thành viên Quỹ Hòa bình Hàn - Việt, đã cúi đầu xin lỗi gia đình nạn nhân.

Sáng 14.2, tại làng Hà My, UBND TX.Điện Bàn phối hợp với Quỹ Hòa bình Hàn - Việt tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát Hà My diễn ra 55 năm trước (năm 1968).

Lễ tưởng niệm có sự tham gia của đông đảo thân nhân các nạn nhân vụ thảm sát năm xưa, người dân địa phương và 37 người Hàn Quốc, là thành viên Quỹ Hòa bình Hàn - Việt.

Hàng chục người Hàn Quốc cúi đầu xin lỗi tại lễ tưởng niệm thảm sát Hà My - Ảnh 1.

Ông Kim Chang Sup, Trưởng đoàn Quỹ Hòa bình Hàn - Việt, rơi nước mắt khi đọc thư xin lỗi

K.L.

Tại lễ tưởng niệm, ông Kim Chang Sup, Trưởng đoàn Quỹ Hòa bình Hàn - Việt, đọc thư xin lỗi trước văn bia Hà My ghi tên các thường dân bị thảm sát. Sau lời xin lỗi của ông Kim, các thành viên đến từ Hàn Quốc bước lên bục lễ rồi quỳ xuống, cúi đầu xin lỗi thân nhân các nạn nhân vụ thảm sát.

Các thành viên Quỹ Hòa bình Hàn - Việt cũng đã bày tỏ sự xấu hổ và hối lỗi vì những tội ác mà binh sĩ Nam Triều Tiên đã gây ra trong quá khứ. Đồng thời cầu mong sự tha thứ từ người dân làng Hà My, thân nhân những nạn nhân vụ thảm sát, đặc biệt những nạn nhân vô tội.

Hàng chục người Hàn Quốc cúi đầu xin lỗi tại lễ tưởng niệm thảm sát Hà My - Ảnh 2.

Những người Hàn Quốc, là thành viên Quỹ Hòa bình Hàn - Việt, cúi đầu xin lỗi

K.L.

Ngày 24 tháng Giêng năm Mậu Thân 1968, tại xóm Tây, làng Hà My, xã Điện Dương, H.Điện Bàn (nay là P.Điện Dương, TX.Điện Bàn) xảy ra vụ thảm sát tập thể do các binh lính thuộc Lữ đoàn Rồng Xanh (Nam Triều Tiên) gây ra, giết hại 135 người dân vô tội. Đây là vụ thảm sát lớn nhất trên địa bàn H.Điện Bàn lúc bấy giờ.

Mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của vụ thảm sát tại làng Hà My để lại hết sức nặng nề với bao đau thương, mất mát và nỗi ám ảnh kinh hoàng của những người sống sót.

Năm 2000, được sự hỗ trợ của Hội Cựu chiến binh Hàn Quốc, nguồn kinh phí địa phương và sự đóng góp của người dân, một nhà bia tưởng niệm được xây dựng tại nơi từng xảy ra vụ thảm sát. Trước đó, năm 2011, nơi xảy ra vụ thảm sát tại xóm Tây - Hà My được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận và xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.