Hãng đóng tàu Nga không xác nhận Việt Nam đặt thêm chiến hạm Gepard

22/01/2020 14:00 GMT+7

Tổng giám đốc tập đoàn đóng tàu Ak Bars (Cộng hòa Tatarstan, Nga) cho hay có tin cho rằng Việt Nam đặt đóng cặp chiến hạm Gepard thứ ba, tuy nhiên đến giờ vẫn chưa có động tĩnh gì.

Việc đàm phán đã chấm dứt

Theo trang tin RealTime (Nga) ngày 17.1, ông Renat Mistakhov, tổng giám đốc Tập đoàn đóng tàu Ak Bars (Cộng hòa Tatarstan, Nga) cho biết việc đặt đóng thêm cặp chiến hạm Gepard 3.9 cho Hải quân Việt Nam vẫn chưa có đàm phán nào thêm, và tất cả đều rơi vào “im lặng”.

“Dĩ nhiên là trên truyền hình có đưa tin về việc đặt đóng cặp tàu Gepard thứ ba, chúng tôi hy vọng nếu họ mời thì chúng tôi sẽ thực hiện. Tuy nhiên đến nay vẫn không có đơn đặt hàng nào từ quốc gia ASEAN, chỉ có sự im lặng”, ông Mistakhov nói.

Ak Bars là tập đoàn sở hữu Nhà máy đóng tàu mang tên Gorky ở Zelenodolsk (Công hòa Tatarstan, Nga), nơi chuyên đóng các tàu tên lửa, và nhà máy này đã đóng 4 chiến hạm Gepard 3.9 cho Việt Nam.

Chiến hạm Trần Hưng Đạo, một trong 4 chiến hạm lớp Gepard 3.9 của Việt Nam, trong lần thăm Nhật Bản năm 2018

Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản

Trước đó báo chí Nga cho hay trong chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với Tổng thống Cộng hòa Tatarstan vào tháng 12.2019, truyền hình Tatarstan đưa tin hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc Việt Nam đặt đóng thêm cặp chiến hạm Gepard 3.9 thứ 3.

Tuy vậy các nguồn tin công nghiệp quốc phòng Nga cho hay việc đàm phán đặt đóng thêm tàu chiến Gepard thực tế đã chấm dứt sau thời gian kéo dài hơn 2 năm, kể từ khi Việt Nam nhận cặp tàu chiến thứ hai.

Vì sao Gepard không được đặt đóng thêm?

Lý do của việc ngừng đàm phán này, theo các chuyên gia Nga, là do cặp tàu Gepard thứ ba sẽ không được trang bị động cơ turbin khí như 4 chiếc trước đó, do loại động cơ này Nga vẫn chưa thể sản xuất được mà phụ thuộc nguồn cung từ Ukraine.

Kể từ sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, Ukraine đã ngưng cung cấp động cơ turbin khí khiến ngành đóng tàu Nga phải lao đao. Cặp tàu Gepard thứ hai của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng từ sự việc này khiến thời gian giao tàu trễ gần 2 năm.

“Bạn sẽ không muốn có khinh hạm mà không trang bị động cơ turbin khí, và đây là lý do các hãng đóng tàu của chúng ta hiện chỉ thích đóng các loại tàu tuần tra cỡ nhỏ vì chúng chỉ cần động cơ diesel”, ông Andrei Frolov, tổng biên tập tạp chí Xuất khẩu vũ khí nói với RealTime.

Dàn pháo - tên lửa tầm gần Palma là vũ khí phòng không chủ lực của chiến hạm 015 Trần Hưng Đạo

Ngoài ra, ông Frolov nhận định, Việt Nam không chuộng đặt đóng thêm chiến hạm Gepard còn do lớp tàu này được phát triển từ Dự án tàu tuần tra 11661 vào những năm 1980, và lớp tàu này đã được khai thác nhiều thông qua việc sản xuất đến 6 chiếc (2 chiếc thuộc Hải đội Caspi và 4 chiếc của Hải quân Việt Nam).

Mới đây, tại cuộc triển lãm quốc phòng ở Sevastopol ngày 9.1, tập đoàn Ak Bars giới thiệu với Tổng thống Putin cùng Bộ Quốc phòng Nga một số mẫu tàu chiến, trong đó có tàu chiến thuộc dự án 11664 vốn là lớp tàu Gepard 3.9 cải tiến.

Mô hình tàu chiến lớp 11664 vốn là mẫu tàu Gepard 3.9 cải tiến

Ảnh chụp màn hình Channel One

Theo trang tin topwar.ru, tàu chiến dự án 11664 thực chất chỉ là bản Gepard có gia tăng về kích thước (dài 110 m so 102 m của Gepard 3.9), lượng choán nước (2.500 tấn) và số tên lửa mang theo nhiều hơn (16 ống phóng so với 8 ống phóng của Gepard 3.9), có hangar kín để chứa trực thăng.

Tuy nhiên nhiều ý kiến khác cho rằng tàu lớp 11664 vẫn yếu về phòng không như tàu Gepard 3.9 khi chỉ trang bị hệ thống pháo - tên lửa tầm gần Palma chỉ có thể chống được UAV hay máy bay, tên lửa hành trình riêng lẻ chứ không chống được cuộc tấn công bằng tên lửa hàng loạt.

Tàu hộ tống tàng hình Gremyashchiy thuộc lớp tàu Dự án 20385, vừa hoàn tất thử nghiệm cấp quốc gia cuối năm 2019. Tàu có lượng choán nước 2.200 tấn, vũ trang 8 ống phóng thẳng đứng (phóng được tên lửa Onyks, Kalibr), 2 dàn tên lửa phòng không Redut (8 ống phóng thẳng đứng/dàn, đặt ở phần đuôi tàu), 1 pháo 100 mm, 2 pháo bắn nhanh cận chiến AK 630M (30 mm); 4 ống phóng ngư lôi loại 330 mm

Hải quân Nga

Theo các chuyên gia, tàu 11664 do dựa trên thiết kế của Gepard 3.9 có từ những năm 1980 rõ ràng không bằng các tàu tên lửa lớp 20380 và 20385 mà các nhà máy đóng tàu Severnaya Verf và Amur (tại St.Petersburg) đang đóng cho Hải quân Nga, với kích cỡ tương đương nhưng thiết kế thiên về tàng hình và có hệ thống phòng không Redut hiện đại (12-16 ống phóng thẳng đứng, tầm bắn từ 30 đến 150 km).

Vấn đề còn lại là hãy chờ xem quyết định chọn lựa của Bộ Quốc phòng Nga, nhưng cũng không nên lạc quan thái qua, theo topwar.ru.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.