Phát hiện 100 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ
Bà Vũ Thị Ánh Hồng - Tổng biên tập Tạp chí Hải quan, Trưởng Ban tổ chức tọa đàm phát biểu: "Tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng phức tạp, tinh vi, khó lường, nhất là đối với hàng cấm như ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu, động vật hoang dã nguy cấp, khoáng sản, xăng dầu. Bên cạnh đó, hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng, thực phẩm, mỹ phẩm, điện tử, phụ tùng xe đạp, xe máy… là hàng lậu có chiều hướng gia tăng trên các tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không, địa bàn trong cả nước".
Ông Vũ Hoài Linh - Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Đội 4) - Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan bổ sung, các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ qua thương mại điện tử, chuyển phát nhanh, bưu chính quốc tế ngày càng tinh vi. Cao điểm nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán nếu thiếu sự quản lý, vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.
Tại các cửa khẩu, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại khá phức tạp. Trong 10 tháng năm 2023, toàn ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 14.141 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 5.692 tỉ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố 35 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 97 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 433,5 tỉ đồng. Riêng về hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, từ năm 2022 đến nay, lực lượng hải quan đã phát hiện, xử lý gần 100 vụ việc với tổng trị giá hàng hóa trên 18 tỉ đồng.
Hải quan không có thẩm quyền xử phạt, chuyển qua về... và hết thời hạn
Tuy vậy, thông tin tại tọa đàm, cơ quan hải quan cho biết, công tác đấu tranh chống buôn lậu hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan còn những khó khăn, vướng mắc. Các quy định của pháp luật còn có vướng mắc, bất cập. Tuy số vụ phát hiện bắt giữ về vi phạm sở hữu trí tuệ nhiều, nhưng chưa xử lý hình sự vụ nào vì theo điều 192 của Bộ luật Hình sự, chỉ áp dụng cho hành vi sản xuất hàng giả, buôn bán hàng giả, không áp dụng cho hàng giả về sở hữu trí tuệ. Sản xuất có dấu hiệu hàng giả, liên quan đến xuất khẩu, chỉ xử theo quy định tại điều 12 Nghị định 99/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, không quy định thẩm quyền xử lý của lực lượng hải quan…
Ông Lê Nguyên Linh - Trưởng phòng Tham mưu chống buôn lậu và xử lý vi phạm (Cục Hải quan TP.HCM) thông tin, khó khăn là các loại hàng hóa không phải đang bán trôi nổi ngoài thị trường để có thể nhìn thấy và nhận diện được mà đa số để trong container kín, trong khi chủ hàng thường không khai báo nhãn hiệu nên cơ quan hải quan không thể tra cứu. Thứ hai là Trung Quốc đã áp dụng phân luồng nên muốn phát hiện thực tế hàng hóa cũng không đơn giản. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa doanh nghiệp vi phạm sở hữu trí tuệ và hải quan chưa được triệt để.
Ông Lê Nguyên Linh cho biết: "Năm vừa rồi, chúng tôi phát hiện một lô hàng khoảng gần 30.000 sản phẩm mang nhãn hiệu của Chanel, Dior, Versace… giả. Dù các nhãn hiệu này có đại diện tại Việt Nam, nhưng việc liên hệ vô cùng khó khăn, với những chủ thể quyền không có đại diện lại càng khó hơn. Hơn nữa, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính số 126/2021 quy định, hải quan chỉ có quyền xử phạt vi phạm hành chính với hàng quá cảnh, nhập khẩu chứ không có thẩm quyền đối với hàng xuất khẩu. Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần về vấn đề này. Chẳng hạn, Hải quan TP.HCM đã theo đuổi 1 vụ kiện của Công ty Hoàng Nguyễn xuất khẩu bánh kẹo cho Công ty Chocopie. Các dữ liệu xác định đó là hàng giả, lập biên bản xử lý, nhưng do hải quan không có thẩm quyền xử phạt nên vụ việc vi phạm này kéo dài, chuyển qua nhiều cơ quan và sau đó hết thời hạn xử phạt. Thế nên, chúng tôi kiến nghị hải quan cần thiết phải có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực xuất khẩu vi phạm".
Bình luận (0)