Hiện chỉ có 5% phi công trên thế giới là phụ nữ và một phần rất nhỏ trong số họ là cơ trưởng. Song điều này đang bắt đầu thay đổi khi các hãng bay đối mặt với sự bùng nổ du lịch bằng đường hàng không.
Nữ cơ trưởng Huỳnh Lý Đông Phương của Vietnam Airlines - Ảnh: Nguyen Thi Ngoc Bich |
Sophia Kuo chia sẻ rằng cô vẫn hay nghe thấy những tiếng thì thầm khi mình đi qua sân bay quốc tế trong đồng phục phi công hãng hàng không EVA Airways. “Ồ chúng ta có một phi công nữ”, “Làm sao cô ấy có thể lái máy bay?” hay “Chắc hẳn cô ấy giỏi lắm!” là những gì mà cô thường được nghe.
Hơn tám thập kỷ kể từ khi Amelia Earhart, người phụ nữ đầu tiên bay một mình qua Đại Tây Dương, sự xuất hiện của những người phụ nữ khác như cô Sophia Kuo - phi công 35 tuổi điều khiển chiếc máy bay Boeing 747 của hãng bay Đài Loan - vẫn là ngoại lệ trong buồng lái máy bay. Hiện chỉ có 5% phi công trên thế giới là phụ nữ và một phần rất nhỏ trong số đó là cơ trưởng, theo bà Liz Jennings Clark, Chủ tịch Hiệp hội Phi công Nữ Quốc tế.
Tuy vậy, các hãng hàng không giờ đây đang bị buộc phải cân đối giới tính phi công trong buồng lái vì sự phát triển của ngành hàng không châu Á có thể khiến ngành này đối mặt với sự thiếu hụt phi công. Khu vực châu Á vận chuyển 100 triệu hành khách mỗi năm và các hãng bay phải tích cực đào tạo phi công mới, Phó chủ tịch dịch vụ bay Sherry Carbary của hãng Boeing cho biết. Boeing cho biết để đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu mới, châu Á phải cần thêm 226.000 phi công trong hai thập niên tiếp theo.
Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) tọa lạc tại đất nước được Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế dự báo sẽ là một trong 10 thị trường hàng không tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đang rục rịch tạo lịch làm việc cho phi công có cân nhắc yếu tố đời sống gia đình. Hãng EasyJet của Anh có chương trình học bổng kết hợp với Hội Phi công Nữ nhằm hỗ trợ đào tạo các nữ phi công.
Phụ nữ đang góp mặt ngày càng nhiều trong các bảng quảng cáo và tin tuyển dụng. Hãng bay British Airways có đăng hình ảnh một nữ phi công trên trang web tuyển dụng ủa họ, trong khi EVA Air – hãng có 50 phi công nữ trên tổng số 1.200 phi công - đăng tin tuyển dụng ở các trường đại học Đài Loan với tấm quảng cáo có hình ảnh cô Sophia Kuo.
Cô Sophia Kuo trong buồng lái chiếc Boeing 747 của hãng EVA Airways - Ảnh: EVA Airlines
|
Dù vậy, việc học và thực tập để trở thành phi công phải mất một thời gian dài. Đa số hãng bay yêu cầu cơ trưởng phải có ít nhất 3.000 giờ hay kinh nghiệm lái máy bay thương mại. Phụ nữ được tuyển dụng vào các hãng hàng không sẽ không được chịu trách nhiệm hoàn toàn một chiếc máy bay trong từ 12 đến 15 năm sau ngày tuyển dụng, cơ trưởng Clark của hãng Transavia, công ty con của Air France-KLM nói.
“Tìm được tổ bay có khả năng không phải là việc dễ dàng. Chúng tôi cần phải cố gắng để tìm thêm nhiều người nữa như cô Sophia”, Richard Yeh, người giám sát đào tạo phi công của hãng EVA Air và hiện đang tìm cách tuyển dụng 100 phi công mỗi năm để đáp ứng nhu cầu, cho hay.
Châu Á không phải là khu vực duy nhất có nhu cầu tìm kiếm, đào tạo hàng ngàn phi công mới. 7 trong 10 thị trường hàng không phát triển nhanh nhất nằm ở châu Phi. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế cho hay trên thế giới, lượng hành khách hàng không sẽ tăng lên gấp đôi, đến 7 tỉ người vào năm 2034.
Phụ nữ nói chung gặp nhiều rào cản khi muốn theo đuổi nghề phi công. Khó khăn không chỉ đến từ thái độ của đồng nghiệp và xã hội mà còn đến từ lịch sử thiếu sự hỗ trợ dành cho phụ nữ muốn theo đuổi nghề này nhưng vẫn xây dựng gia đình của riêng họ.
“Thời gian bay của nữ phi công có thể bị giới hạn vì thời gian nghỉ thai sản và thực tế rằng họ cần phải chăm sóc con cái”, Luu Hoang Minh, Phó giám đốc phi hành đoàn Vietnam Airlines cho hay. Ông cho biết Vietnam Airlines có lưu ý đến các yếu tố này và cố gắng xếp lịch trình bay hỗ trợ phụ nữ. Hiện Vietnam Airlines đang có 11 phi công nữ trong tổng số 1.058 phi công, dự kiến sẽ phục vụ 19,2 triệu hành khách trong năm nay.
Cơ trưởng Huỳnh Lý Đông Phương của Vietnam Airlines cho hay mẹ cô ban đầu chỉ miễn cưỡng chấp nhận lựa chọn nghề nghiệp của con, và hiện giờ đôi khi cô vẫn còn được đối xử khác với các đồng nghiệp nam. “Khó khăn của tôi là làm sao khiến mọi người chấp nhận rằng tôi trước hết là phi công, sau đó mới là một phụ nữ chứ không phải ngược lại”, cô chia sẻ.
Bình luận (0)