Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) vừa có mặt trong danh sách các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) công bố sớm kết quả kinh doanh cả năm 2024 với lợi nhuận tăng vượt kế hoạch.
Dồn dập tăng đội tàu, mở lại đường bay
Theo công bố, VNA ước tính doanh thu cả năm nay đạt 113.577 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế ước thực hiện 6.264 tỉ đồng, vượt lần lượt 7% và 38,5% kế hoạch năm. Bên cạnh việc cải thiện hiệu quả hoạt động của công ty mẹ cùng các công ty con, sự tăng trưởng của thị trường quốc tế là một trong những động lực lớn giúp VNA thành công thoát lỗ. Báo cáo của VNA cho biết tổng thị trường quốc tế (bao gồm cả khách thuê chuyến) trong năm qua đạt 40,75 triệu khách, tuy giảm 1% so với 2019 nhưng tăng tới 28,4% so với cùng kỳ.
Trong các nhóm đường bay thường lệ, các hãng hàng không ghi nhận tăng trưởng mạnh nhất là nhóm đường bay Úc và Ấn Độ, nhờ việc các hãng tăng cường khai thác thông qua việc mở nhiều đường bay mới. Nhóm đường bay phục hồi chậm nhất là Trung Quốc đại lục, Hồng Kông mới đạt tốc độ phục hồi khoảng 55% so với thời điểm trước dịch.
Riêng với thị trường nội địa, tổng số khách mà các hãng hàng không phục vụ tính đến cuối năm đạt 34,35 triệu khách, giảm 14,4% so với cùng kỳ và giảm 8% so với 2019. Nguyên nhân được xác định chủ yếu do vấn đề thiếu hụt máy bay và sức mua của thị trường có suy yếu.
Thực tế, sự trỗi dậy của giao thông đường bộ với hệ thống đường cao tốc nối dài cùng sự chuyển mình của đường sắt từ đầu năm đến nay đã tác động khá lớn đến nhu cầu di chuyển đường không. Những mùa lễ, tết, ngành hàng không đều đứng trước nguy cơ "ế" khách khi giá vé máy bay tăng mạnh. Ngay cả cao điểm Tết Nguyên đán, dù các hãng hàng không mở bán vé từ khá sớm nhưng sức mua giai đoạn đầu khá chậm. Phải đến gần cuối tháng 11 khi Chính phủ quyết định số ngày nghỉ tết dài, vé máy bay mới bắt đầu "nóng" dần.
VNA ghi nhận hệ số đầy chỗ trung bình trên nhiều chuyến bay đạt 80 - 90%, có một số chuyến vào giờ tốt đã gần đầy chỗ. Nhu cầu tăng cao, VNA phải gấp rút làm việc với các đối tác để nhận liên tục 3 máy bay mới gồm 1 chiếc Boeing 787-10 với số ghế lên đến 367 chỗ, và 2 chiếc Airbus A320, lập tức đưa vào khai thác.
Tương tự, Hãng Vietjet cũng mới nhận thêm máy bay thế hệ mới A321neo ACF (Airbus Cabin Flex) và đang tiếp tục tìm kiếm thuê ướt ngắn hạn thêm từ 6 - 10 máy bay trong dịp tết. Theo đại diện hãng, tính đến thời điểm hiện tại, hãng đã bán ra hơn 1 triệu trên tổng số hơn 2,6 triệu vé đã mở bán sớm từ đầu tháng 9. Các chuyến bay trong thời gian đầu và cuối kỳ nghỉ tết cũng là những ngày cao điểm nhất thì hầu như không còn chỗ. Vietravel Airlines cũng ghi nhận hầu hết chặng bay cao điểm tết đã đạt tỷ lệ lấp đầy 80 - 100%.
Với riêng Bamboo Airways, thị trường chung khởi sắc đang giúp hãng "hồi sinh" ấn tượng. Hãng vừa đánh dấu mốc khai thác trở lại các đường bay đến "đảo ngọc" Phú Quốc ngay trước thềm năm mới 2025, đúng dịp Giáng sinh. Cùng ngày, máy bay của Bamboo Airways đã thực hiện các chuyến bay quốc tế kết nối 2 thành phố lớn của Đài Loan là Đài Bắc và Cao Hùng với Phú Quốc, sau khi chính thức tái thiết lập mạng bay thường lệ quốc tế bằng đường bay thường lệ kết nối TP.HCM và thủ đô Bangkok của Thái Lan hồi tháng 10.
Có thể thấy, sau giai đoạn khó khăn bủa vây, các hãng hàng không đã bắt đầu dần "lấy lại phong độ". Theo báo cáo chung của Cục Hàng không, tổng thị trường vận tải hành khách quốc tế năm 2024 ước đạt 76,4 triệu khách và 1,29 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 5,1% về hành khách và 20% về hàng hóa so với năm trước. Nếu so với thời điểm trước dịch Covid-19 (năm 2019), sản lượng vận chuyển năm 2024 đã đạt 96,6% về hành khách và tăng 2% về hàng hóa. Trong đó, vận chuyển quốc tế ước đạt 41,4 triệu khách, tăng 27% so năm 2023 và tương đương so với năm 2019. Hàng không Việt đang dần trở lại thời đỉnh cao như năm 2019.
Vẫn chờ cú hích mới vào 2025
Mặc dù ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, song mức độ hồi phục của thị trường quốc tế vẫn chưa đạt kỳ vọng của các hãng hàng không nói riêng cũng như ngành du lịch nói chung.
Với những chính sách visa mới cùng thị trường lớn hàng đầu thế giới là Trung Quốc mở cửa trở lại, các DN hồi đầu năm kỳ vọng ngành du lịch có thể đón 18 - 20 triệu khách quốc tế, phục hồi 100% so với thời hoàng kim 2019. Thế nhưng, hết năm 2024, lượng khách quốc tế đến VN mới đạt 17 triệu.
Đại diện Hãng hàng không VNA cho biết trên thế giới, ngành hàng không nói riêng và du lịch nói chung đang ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt. Sản lượng khách vận chuyển toàn thế giới có thể đạt 5,2 tỉ khách trong năm 2025, tăng 6,7% so 2024. Nếu đạt được dự báo trên, năm 2025 sẽ là lần đầu tiên mà số khách di chuyển bằng đường hàng không đạt trên 5 tỉ người. Đây là cơ hội rất tốt cho thị trường hàng không VN, nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức không nhỏ bởi mức độ cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng lớn.
Để đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế, góp phần thúc đẩy ngành hàng không nội địa, đại diện VNA kiến nghị Chính phủ cần xây dựng một chương trình tổng thể, dài hạn về phát triển hàng không - du lịch cũng như các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, cần xác định thị trường mục tiêu cho từng thời kỳ, được dẫn dắt bởi cơ quan quản lý nhà nước để các thành phần trong ngành du lịch, hàng không có thể quy tụ và cùng hoạt động trong một khuôn khổ thông điệp chung.
Cùng với đó, tăng cường tổ chức các chương trình sự kiện về du lịch VN có tính quốc tế (các giải thể thao, chương trình âm nhạc tầm cỡ quốc tế) hoặc sử dụng đại diện các hoạt động là những ngôi sao, người có tầm ảnh hưởng quốc tế để nâng cao khả năng quảng bá về điểm đến VN.
Đặc biệt, hãng hàng không quốc gia đề xuất tiếp tục nới lỏng các chính sách về xuất nhập cảnh, theo đó, bổ sung các nước được miễn thị thực nhập cảnh, đặc biệt các thị trường lớn nhiều tiềm năng như Mỹ, Úc, Ấn Độ… Với riêng ngành hàng không, cần tiếp tục có các chương trình hỗ trợ các hãng như: giảm thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay, thuế nhập khẩu nhiên liệu bay; phí hạ cất cánh/phục vụ chuyến bay; các chương trình hỗ trợ chi phí marketing cho các đường bay mới/điểm đến mới….
Cùng quan điểm, Tổng giám đốc Bamboo Airways Lương Hoài Nam nhận định những tín hiệu khởi sắc thời gian qua chủ yếu đến từ các yếu tố khách quan như mùa cao điểm Tết Nguyên đán và nỗ lực tăng năng lực khai thác, cân đối hoạt động kinh doanh từ phía các DN. Thực tế, thị trường nội địa sức mua vẫn còn rất yếu. Từ tháng 3 ngành hàng không áp dụng giá trần tăng nhưng giá vé bình quân của hãng chưa được cải thiện, doanh thu bình quân không tăng. Nguyên nhân một phần đến từ sự san tải với đường bộ, đường sắt. Song, nguyên nhân lớn nhất vẫn là do yếu tố kinh tế vĩ mô ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống người dân, giảm nhu cầu chi tiêu, du lịch. Ông Lương Hoài Nam kỳ vọng với nhiều chính sách quyết liệt từ Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho các ngành nghề kinh doanh, nền kinh tế trong 2025 sẽ vận hành tốt hơn, thu nhập người dân tăng, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy thị trường du lịch và hàng không nội địa.
Riêng với thị trường quốc tế, Tổng giám đốc Bamboo Airways nhận định ngoài việc triển khai mở rộng áp dụng e-visa, vấn đề quan trọng nhất là mở danh sách miễn thị thực đơn phương cho các thị trường tiềm năng, thị trường trọng điểm chưa thực hiện. Đây chính là những rào cản khiến lượng khách quốc tế đến VN trong năm qua không bùng nổ như kỳ vọng.
17 triệu lượt khách quốc tế trong 2024 - con số này mới chỉ bằng một nửa Thái Lan. Nhìn những chính sách mở cửa du lịch mà các nước đang "đua nhau" triển khai, DN như chúng tôi không thể không sốt ruột. Những kiến nghị về chính sách visa, về các chính sách hỗ trợ ngành du lịch, hàng không thì các DN, hiệp hội đã kiến nghị rất nhiều rồi. Chúng tôi rất mong Chính phủ sẽ có những quyết định mạnh hơn nữa, đột phá hơn để hàng không - du lịch có thể thực sự phục hồi trong năm tới.
Ông Lương Hoài Nam
Bình luận (0)