Kể từ 1.7.2024, 10 đạo luật sẽ có hiệu lực thi hành với hàng loạt chính sách mới, gồm: luật Các tổ chức tín dụng, luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, luật Căn cước, luật Tài nguyên nước, luật Viễn thông, luật Giao dịch điện tử, luật Phòng thủ dân sự, luật Hợp tác xã, luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và luật Giá.
Riêng với luật Các tổ chức tín dụng, khoản 3 điều 200 và khoản 15 điều 210 của luật này sẽ có hiệu lực trễ hơn, từ 1.8.2024.
Căn cước thay thế căn cước công dân
Từ 1.7, Bộ Công an triển khai cấp thẻ căn cước thay cho thẻ căn cước công dân. Mẫu thẻ mới sẽ không còn thông tin về đặc điểm nhân dạng, vân tay ngón trỏ trái và ngón trỏ phải; mục "nơi đăng ký khai sinh" và "nơi cư trú" sẽ chuyển sang mặt sau của thẻ thay vì mặt trước như hiện nay.
Luật Căn cước còn mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước với người dưới 14 tuổi (theo nhu cầu chứ không bắt buộc). Đặc biệt, khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước, người dân sẽ bắt buộc phải cung dữ liệu về mống mắt.
Hiện nay, Bộ Công an đã trang bị cơ sở vật chất, nâng cấp phần mềm, tổ chức tập huấn… cho công an các địa phương, sẵn sàng cấp thẻ căn cước theo chính sách mới, phục vụ nhu cầu của người dân.
Giải đáp thắc mắc về luật Căn cước: Mống mắt, ADN và giọng nói được thu thập như thế nào?
"Cánh tay nối dài" của công an xã
Vào đúng ngày 1.7, Bộ Công an cùng công an các địa phương sẽ tổ chức lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (gọi tắt là lực lượng ANTT cơ sở) trên toàn quốc.
Đây là lực lượng được kiện toàn từ 3 lực lượng đang tồn tại, gồm: bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó đội dân phòng.
Theo chính sách mới, lực lượng ANTT cơ sở được kỳ vọng là "cánh tay nối dài", có nhiệm vụ hỗ trợ công an cấp xã nắm tình hình về ANTT trên địa bàn; hỗ trợ PCCC và cứu nạn, cứu hộ, tuần tra bảo đảm ANTT, an toàn giao thông…
Lực lượng này được bố trí thành tổ bảo vệ ANTT, mỗi tổ phụ trách một hoặc một số thôn, tổ dân phố. Cả nước có khoảng 82.000 tổ bảo vệ ANTT với khoảng 286.000 thành viên.
Cấm bán bảo hiểm không bắt buộc đi kèm khoản vay
Kể từ 1.7, luật Các tổ chức tín dụng nghiêm cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Luật này cũng quy định giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông trong tổ chức tín dụng. Trong đó, một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% (trước đây là 15%), cổ đông và người liên quan không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% (trước đây là 20%) vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
Riêng với nhà đầu tư nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần tối đa sẽ do Chính phủ quy định cụ thể.
Bán hàng online mà xâm phạm quyền lợi khách hàng sẽ bị "bêu tên"
Cũng từ 1.7, Nghị định 55/2024 quy định chi tiết một số điều của luật Bảo vệ người tiêu dùng sẽ chính thức có hiệu lực, với nhiều chính sách mới.
Trong đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng mà có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ bị công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở, đăng tải trên cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh.
Nội dung công bố công khai gồm: tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm; hành vi, địa bàn vi phạm; cơ quan ban hành, số, ngày, tháng, năm quyết định xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thời hạn công bố tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm là 30 ngày kể từ ngày công bố. Hết thời hạn này, cơ quan đăng tải thông tin sẽ dừng hoặc gỡ bỏ thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chồng không được ly hôn khi vợ đang mang thai, dù có thai với bất cứ ai
Ngoài 10 đạo luật với các chính sách mới đã liệt kê, từ 1.7, Nghị quyết số 01/2024 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình cũng sẽ có hiệu lực.
Theo hướng dẫn tại nghị quyết, chồng không có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tính từ ngày vợ sinh con.
Nếu vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai. Nếu vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt con đẻ, con nuôi.
Hướng dẫn này áp dụng với cả trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Chồng của người mang thai hộ không có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Tương tự, chồng của người nhờ mang thai hộ không có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc khi người mang thai hộ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Bình luận (0)