Hàng loạt dự án lớn được TP.HCM khởi công trong năm 2024

02/12/2023 20:06 GMT+7

Trong năm 2024, TP.HCM sẽ khởi công một số công trình lớn như rạch Xuyên Tâm, bờ bắc kênh Đôi, cầu đường Nguyễn Khoái, đường Hoàng Hoa Thám, đường Nguyễn Thị Định, tỉnh lộ 8.

Chiều 2.12, tại hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 24, ông Phan Văn Mãi, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết năm 2024 sẽ tập trung 2 chủ đề trọng tâm gồm chuyển đổi số và thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội.

Về kinh tế số, TP.HCM đặt mục tiêu đạt tỷ trọng 22% năm 2024 và tăng lên 25% vào năm 2025.

Về thực hiện Nghị quyết 98, TP.HCM sẽ tập trung tham mưu để ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn, trình HĐND TP.HCM các cơ chế thuộc thẩm quyền. Song song đó, nghiên cứu đề xuất các cơ chế vượt trội mà Nghị quyết 98 cho phép như như phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), thu hút nhà đầu tư chiến lược, hệ thống đường sắt đô thị, thị trường tín chỉ carbon.

"Nếu hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt, TP.HCM ước tính thu hút hàng tỉ USD", ông Mãi nhận định.

TP.HCM khởi công loạt dự án lớn trong năm 2024 - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi báo cáo tại hội nghị

NGUYÊN VŨ

Đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính, Chủ tịch TP.HCM cho biết trong giai đoạn 1 (2023 - 2025) nếu chiếu theo tiêu chuẩn thì có 6 quận và 142 cấp xã thuộc diện sắp xếp. Tuy nhiên, TP.HCM vận dụng điều kiện đặc thù và đề xuất sắp xếp 80 đơn vị cấp xã. Dự kiến, UBND TP.HCM sẽ trình Bộ Nội vụ thẩm định trong tháng 12.2023. Phương án này vừa tuân thủ quy định của Đảng, Nhà nước vừa giữ được sự ổn định của bộ máy.

Liên quan đến việc phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, lãnh đạo TP.HCM khẳng định sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện dự án chống ngập do triều trong năm 2024. Về giao thông, TP.HCM sẽ trình Bộ Chính trị cho chủ trương và chính sách phát triển hệ thống metro để hoàn thành 220 km vào năm 2035.

Tại kỳ họp HĐND TP.HCM sắp tới, UBND TP.HCM sẽ trình phương án đầu tư khép kín Vành đai 2 phía đông. Ngoài ra, TP.HCM cũng tập trung triển khai các dự án trọng điểm khác như đẩy nhanh tiến độ Vành đai 3, làm thủ tục dự án Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4.

TP.HCM khởi công loạt dự án lớn trong năm 2024 - Ảnh 2.

TP.HCM sẽ khởi công dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm trong năm 2024

NHẬT THỊNH

Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin thêm, trong năm 2024 sẽ khởi công một số công trình như rạch Xuyên Tâm, bờ bắc kênh Đôi, cầu đường Nguyễn Khoái, đường Hoàng Hoa Thám, đường Nguyễn Thị Định, tỉnh lộ 8, nâng tĩnh không cầu Bình Triệu.

Về nhóm giải pháp phát triển kinh tế, TP.HCM sẽ hoàn thiện đề án trung tâm tài chính quốc tế, trình Bộ Chính trị trong quý 1/2026 sau đó trình Quốc hội vào giữa năm 2027. Ngoài ra, TP.HCM cũng tập trung vào các đề án, chiến lược phát triển các ngành logistics, du lịch, đề án kinh tế số, khung chính sách phát triển xanh, chuyển đổi khu công nghiệp hiện hữu, xây dựng các khu công nghiệp mới như Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân, công nghiệp dược…

Đặt mục tiêu tăng trưởng 7 - 8%

Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 24 cơ bản thống nhất chủ đề năm 2024 là "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng vững mạnh; đẩy mạnh chuyển đổi số; thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98 của Quốc hội".

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên thống nhất các chỉ tiêu và nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cho năm sau, trong đó đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 7 - 8%.

Năm 2023, GRDP TP.HCM dự kiến tăng 5,8%. Ông Nên cho biết nhiều chuyên gia dự báo năm 2024 kinh tế vẫn sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức khó lường. Tuy nhiên, TP.HCM có thuận lợi khi vừa được Trung ương trao 2 nghị quyết lớn gồm Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội với nhiều cơ chế đặc thù, vượt trội. Đây là một động lực quan trọng để TP.HCM vừa tăng tốc, vừa vượt chướng ngại vật để về đích.

TP.HCM khởi công loạt dự án lớn trong năm 2024 - Ảnh 3.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên lưu ý tiếp tục siết chặt kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ

SỸ ĐÔNG

Về phát triển kinh tế xã hội, Thành ủy TP.HCM thống nhất định hướng phát triển theo hướng bền vững, tăng trưởng theo chiều sâu trên nền tảng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, ưu tiên thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng chính (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) đi đôi với tận dụng, nắm bắt thời cơ các ngành, lĩnh vực mới nổi; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp TP.HCM hướng đến các ngành nghề có giá trị gia tăng cao.

Đối với Cần Giờ và TP.Thủ Đức, Bí thư Nguyễn Văn Nên lưu ý cần vận dụng các cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98 để tạo sự đột phá trong thu hút đầu tư xây dựng, đưa Thủ Thiêm trở thành khu đô thị hiện đại, trung tâm tài chính khu vực.

Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM cũng yêu cầu siết chặt kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, cải thiện thực chất để nâng cao năng lực cạnh tranh. TP.HCM đặt mục tiêu chuyển đổi số toàn diện trong hệ thống chính trị để xử lý công việc công khai, minh bạch trên môi trường số, giao việc đúng người, nhắc việc đúng lúc, kiểm soát "định lượng" chất lượng, tiến độ công việc.

Đối với hoạt động kinh tế Đảng, Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu tiếp tục nghiên cứu đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó tập trung vào nguồn nhân lực có kinh nghiệm thực tiễn. 

Hoạt động của các đơn vị kinh tế Đảng theo cơ chế thị trường, công tác quản lý, khai thác, cho thuê tài sản của Đảng bộ TP.HCM thực hiện công khai, minh bạch. Song song đó, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để không xảy ra lãng phí, thất thoát tài sản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.