Hàng loạt nhà máy nước sạch được xây xong rồi... bỏ đó !

Khánh Hoan
Khánh Hoan
26/04/2022 10:10 GMT+7

Nhiều nhà máy nước sạch ở Nghệ An được đầu tư đang “trơ gan cùng tuế nguyệt” với đủ lý do, trong khi người dân đang rất cần nước sạch để sinh hoạt.

Làm xong rồi… “đắp chiếu” !

Năm 2015, nhà máy sản xuất nước sạch ở xã Diễn Minh (nay là xã Minh Châu, H.Diễn Châu, Nghệ An) được khởi công xây dựng với kinh phí hơn 13,4 tỉ đồng do UBND xã này làm chủ đầu tư. Dự kiến sau 1 năm xây dựng, nhà máy sẽ hoạt động, cung cấp nước cho 900 hộ dân trong xã. Ngoài nguồn kinh phí do nhà nước hỗ trợ, người dân trong xã phải đóng mỗi hộ 2 triệu đồng để góp vốn đối ứng. Không như mong đợi, dự án kéo dài đến cuối năm 2018 mới hoàn thành. Thế nhưng đến nay, nhà máy nước này vẫn đang phải “đắp chiếu” dù các hạng mục đã hoàn thành, kể cả hệ thống đường ống dẫn nước đến các trục đường chính trong xã.

Nhà máy nước sạch ở xã Minh Châu đang bỏ hoang dù đã hoàn thành từ năm 2019

K.HOAN

Ông Võ Đình Quyền, Chủ tịch UBND xã Minh Châu, cho biết nguyên nhân khiến nhà máy chưa thể vận hành là do một số hạng mục đã xuống cấp cần phải sửa chữa, nhưng nhà thầu không sửa. Trong khi đó, tháng 3 vừa qua, kẻ gian đã vào lấy mất 5 máy bơm của nhà máy trị giá hơn 100 triệu đồng. Hiện vụ việc đang được công an điều tra, nhà thầu chưa mua máy khác để lắp lại.

Theo tìm hiểu của PV, dự án này có nhiều điều tiếng khi người dân tham gia giám sát cộng đồng phát hiện ra nhiều khuất tất trong quá trình thi công. Ông Nguyễn Nghĩa Bé, một thành viên giám sát, cho biết trước khi xây dựng nhà máy, xã đã cho khảo sát 4 điểm, nhưng không hiểu sao lại chọn địa điểm này để xây dựng khi nó nằm gần núi đá vôi từng là nơi làm kho của hợp tác xã nông nghiệp có chứa thuốc trừ sâu. Vị trí này cũng từng là bãi rác thải của xã. “Khi đơn vị thi công đào hồ chứa, chúng tôi thấy có nhiều rác thải lẫn trong đất, nhưng đơn vị thi công vẫn dùng để đắp bờ bao hồ chứa. Chúng tôi đã yêu cầu họ phải chở đi nơi khác để tiêu hủy, dùng lớp đất đảm bảo tiêu chuẩn để đắp nhưng họ không nghe. Chúng tôi phải tìm cách tạo áp lực, họ mới chịu múc đất này đổ đi để thay lớp đất khác”, ông Bé nói.

Ông Bé cũng cho biết hạng mục đáy hồ chứa theo thiết kế phải dùng đất sét, cát vàng để đầm kỹ, nhưng khi thi công, đơn vị thi công cũng không thực hiện. Năm 2020, xã và nhà thầu thi công họp nghiệm thu, quyết toán công trình để đưa vào vận hành, nhưng người dân yêu cầu phải hoàn thiện các hạng mục đúng thiết kế nên việc nghiệm thu, vận hành bị ngừng lại. Trong khi đó, người dân trong xã lại đang thiếu nước sinh hoạt, nhiều gia đình phải đi mua nước về dùng, nhất là vào mùa nắng nóng.

Ông Võ Đình Quyền cho biết xã vừa chuyển hồ sơ dự án này cho công an để điều tra, làm rõ. Tương tự, nhà máy nước ở xã Hưng Thông (H.Hưng Nguyên, Nghệ An) được đầu tư gần 26 tỉ đồng, đã hoàn thành từ năm 2018 cũng đang bỏ hoang do nguồn nước thô không đủ để hoạt động, người dân đành phải dùng nước giếng khơi từ đồng ruộng để sinh hoạt.

Nhiều nhà máy dở dang

Được khởi công từ năm 2012, sau 10 năm, Nhà máy nước Diễn Quảng (H.Diễn Châu, Nghệ An) với chi phí 20 tỉ đồng vẫn đang dở dang, bỏ hoang sau khi các hạng mục chính của nhà máy đã xây dựng: hồ chứa nước, bể lọc, nhà điều hành, đường ống dẫn nước… Ông Tăng Ngọc Quý, Chủ tịch UBND xã Diễn Quảng, cho biết nhà máy này được nhà nước hỗ trợ 60% kinh phí, địa phương đối ứng 40%. Hiện tiền vốn nhà nước đã cấp đủ, 40% còn lại huy động từ người dân. Theo tính toán của xã, mỗi hộ dân phải đóng khoảng 6 triệu đồng, nhưng do không huy động được nên dự án phải dừng lại và chưa biết khi nào có tiền để làm tiếp. Tương tự, nhà máy nước sạch ở xã Quỳnh Lâm (H.Quỳnh Lưu, Nghệ An) khởi công từ năm 2014 với kinh phí hơn 18 tỉ đồng, đến nay vẫn đang dang dở vì thiếu vốn, trong khi người dân đang rất thiếu nước.

Ông Nguyễn Xuân Linh, Trưởng phòng Kỹ thuật quản lý cấp nước thuộc Trung tâm nước sạch sinh hoạt và vệ sinh môi trường tỉnh Nghệ An, cho biết hiện Nghệ An vẫn còn 8 nhà máy nước dở dang, chưa hoàn thành dù chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch đã kết thúc. Theo ông Linh, những dự án vốn nhà nước chưa cấp đủ, trung tâm đã kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An bố trí vốn hằng năm để cấp tiếp, còn những dự án đã cấp đủ nhưng vẫn không hoàn thành thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.